Truyền Đạo | Đấng Tể Trị Mọi Sự
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Mến chào quý anh chị em! Khi ngày bắt đầu, bạn ra đường vào những giờ cao điểm, đứng chờ xe, xung quanh bạn là những đoàn người vội vã chen chúc nhau để đến chỗ làm đúng giờ. Rồi khi ngày kết thúc, bạn và những con người lúc sáng trở về nhà kết thúc công việc bận bịu của một ngày. Thế nhưng cuộc sống không chỉ có thế! Cũng có những ngày nghỉ, bạn được vui với gia đình, bạn bè, chơi đùa với con cái trên bãi biển, xung quanh là nắng vàng, trời xanh và biển mát… Bạn đã sống trong cuộc đời với cái khổ cũng như cái sướng đan dệt với nhau trong ngày tháng của bạn: vui và buồn, khóc và cười, sinh ra và chết đi, xây dựng và phá bỏ, trồng và nhổ… bạn có thấy bàn tay của một Đấng tối cao trên mọi sự ấy không? Chúng ta hãy nghe những gì Sa-lô-môn nói về những gì ông nhận thấy về một ĐẤNG TỂ TRỊ MỌI SỰ trong sách Truyền Đạo 3:9-15.
9 Người làm việc có được ích lợi gì về công lao khó nhọc của mình chăng?
10 Ta đã thấy công việc mà Đức Chúa Trời giao cho con người phải gắng sức làm.
11 Mọi việc Đức Chúa Trời đã làm đều là tốt đẹp trong thời điểm của nó. Mặc dù Đức Chúa Trời đặt sự vĩnh cửu trong lòng con người, nhưng họ vẫn không thể hiểu được công việc Ngài làm từ ban đầu cho đến cuối cùng.
12 Vậy, ta nhận ra rằng chẳng có điều gì tốt hơn cho loài người là vui vẻ và làm lành trọn đời mình.
13 Hơn nữa, ai nấy hãy ăn, uống và hưởng phước của công lao mình, vì đó cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời.
14 Ta thấy rằng mọi việc Đức Chúa Trời đã làm thì còn đến đời đời; người ta chẳng thêm gì được, cũng không bớt chi được. Đức Chúa Trời làm như thế để loài người kính sợ Ngài.
15 Điều gì hiện có thì đã có từ xưa, Điều gì sẽ xảy đến thì đã xảy ra từ lâu rồi; Đức Chúa Trời cho tái diễn những việc đã qua.
[BTTHĐ]
Giải thích
Trong phân đoạn Kinh Thánh này, Sa-lô-môn nhìn nhận rằng công việc con người có được là do Đức Chúa Trời ban cho. Chúng ta phải làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình là một điều xem ra dường như rất tự nhiên, nhưng nếu có một điều gì đó xảy ra, chẳng hạn công ty bị phá sản, một tai họa nào đó như đại dịch COVID-19 xảy ra, khiến cho mọi sự bị đình trệ, bệnh tật, thất nghiệp, khủng hoảng trong cuộc sống… Bị mất việc làm thật là đau khổ và nan giải phải không? Ai sẽ trả tiền nhà cho chúng ta tháng này? Ai sẽ đóng tiền học cho các con? Ai sẽ trả các chi phí khác từ ăn uống cho đến điện nước?… Bởi vậy, hãy vui vì mình đang có công ăn việc làm, đó là một cái phước đến từ sự ban cho của Đức Chúa Trời và mọi việc Ngài làm thật tốt đẹp!
Ngoài việc ban cho con người công ăn việc làm, Sa-lô-môn thấy rằng Đức Chúa Trời đặt sự vĩnh cửu trong lòng con người cho dù con người không hiểu hết được công việc của Ngài. Ý thức về một cái gì đó tồn tại vượt ra ngoài cuộc sống vật chất khiến cho con người được phân biệt với loài vật. Ý thức về sự vĩnh cửu khiến con người không chỉ sống và biết có hiện tại, nhưng làm cho con người biết nghĩ đến đời sau và nhận biết chết chưa phải là hết.
Có một sự ban cho khác của Đức Chúa Trời mà Sa-lô-môn không quên, ấy là nhờ sự ban phước của Ngài mà con người có thể ăn, uống và hưởng phước của công lao mình. Hưởng được thành quả của những điều do công sức mình làm ra tưởng chừng như là cái gì đó rất tự nhiên, thế nhưng có biết bao nhiêu người vì tật bệnh, tình cảm mà đánh mất niềm vui đó. Thậm chí có nhiều người đã đạt được điều mình muốn rồi mà vẫn khổ! Người giàu cũng khóc có phải không?
Trong cái nhìn của Sa-lô-môn, Đức Chúa Trời chính là Đấng đang tể trị trên mọi sự. Công việc của Ngài có tính lâu dài đời đời và con người không thể thêm và bớt được những gì Ngài đã định.
“Điều gì hiện có thì đã có từ xưa, điều gì sẽ xảy đến thì đã xảy ra từ lâu rồi; Đức Chúa Trời cho tái diễn những việc đã qua.” (câu 15). Phải chăng trong những gì hiện có, đã có từ xưa mà Sa-lô-môn nói, có chương trình cứu rỗi đời đời Ngài dành cho nhân loại, có Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế (Khải Huyền 13:8) để con người được mặc lấy chiếc áo công nghĩa bởi Đức Chúa Trời ban cho. Phải chăng trong những điều sẽ xảy đến thì đã xảy ra từ lâu rồi và Đức Chúa Trời cho tái diễn những việc đã xảy ra. Cả Kinh Thánh Cựu Ước để nói về Chúa Cứu Thế (Giăng 5:39), từ những sự kiện lúc Ngài sinh ra đời, sự chịu khổ, chịu chết của Ngài cho cả nhân loại, sự sống lại vinh hiển và một ngày kia Ngài sẽ trở lại để xét đoán toàn thế giới… tất cả đều đã được nói trước. Sa-lô-môn kết luận rằng Đức Chúa Trời làm như thế để loài người kính sợ Ngài.
Kính sợ Chúa là điều con người ngày nay cần phải học lại. Chúng ta kêu Trời rất nhiều. Kêu Trời những lúc đau khổ. Kêu Trời những lúc ngạc nhiên. Những khi quá vui mừng, những khi quá tuyệt vọng… tiếng Trời lúc nào cũng trên cửa miệng. Vậy ngày hôm nay hãy nhớ rằng chính Đức Chúa Trời ấy là Đấng đang tể trị trên muôn sự, trong cái chung của toàn lịch sử nhân loại và trong cái riêng của từng lịch sử của đời người. Ấy chính là Đấng có quyền trên sự sống chết của chúng ta, ở cõi đời này và cả cõi đời sau (Lu-ca 12:4-5). Kính sợ Chúa không dừng lại ở mức độ nhận biết mà còn là quỳ xuống chiêm ngưỡng, tôn thờ và có thể kêu lên rằng: “Lạy Chúa của con và Đức Chúa Trời con!” (Giăng 20:28).
Cầu nguyện
Lạy Cha ái từ! Xin giúp chúng con đừng chỉ sống như một kẻ theo thuyết hiện sinh. Vì Chúa đã mặc khải cõi vĩnh cửu trong tâm của mỗi con người, xin mở mắt để chúng con thấy được cõi vĩnh hằng đã đến qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Xin cho chúng con tin rằng Chúa đang tể trị trên những sự việc tưởng chừng rất tầm thường của cuộc đời. Và Cha ơi, qua đó xin cho chúng con niềm hy vọng về cõi vĩnh hằng để cuộc đời này sẽ mang lấy một ý nghĩa mới, ý nghĩa của một con người được phước vì sẽ được ở với Chúa trong một cuộc đời đến sau cuộc đời này. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Ân Điển
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét