Gia-cơ | Khôn Ngoan Đời Này
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Kính thưa quý anh chị em! Người khôn ngoan và kẻ dại dột ở đời này thật khó biết, vì theo cái nhìn của con người thì khôn và dại có thể biến chuyển lúc này sang lúc khác.
Khôn mà hiểm độc, là khôn dại,
Dại vốn hiền lành, ấy dại khôn.
Chớ cậy mình khôn, khinh kẻ dại,
Gặp thời, dại cũng hóa nên khôn.
(“Khôn và Dại” Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Lời Chúa trong Gia-cơ 3:13-16 sẽ chỉ cho chúng ta thấy những đặc điểm của sự KHÔN NGOAN ĐỜI NÀY để chúng ta nhận biết và không tìm kiếm sự “khôn dại” ấy.
13 Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng? Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra.
14 Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật.
15 Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ.
16 Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác.
Giải thích
Trước khi cho thấy nguồn gốc và đặc điểm của sự khôn ngoan thì tác giả Gia-cơ có lời khuyên: “Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng? Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra.” Những người mà Gia-cơ khuyên là người “khôn ngoan thông sáng”, cụm từ này thường được dùng để chỉ những người thầy, những giáo sư hay là những người dạy đạo. Người làm thầy không chỉ cần nói năng đúng mà cần có sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan này cần thể hiện qua cách sống, tức là phải sống một đời hiền hòa đạo đức và kết quả đời sống nảy sinh những việc lành.
Nếu ở đời thì người ta quan tâm đến năng lực của người thầy hơn là đời sống đạo đức của người đó và người ta thường nói “hãy làm theo những điều tôi nói, đừng làm theo những gì tôi làm”. Nhưng là con cái Chúa, là người dạy Lời Chúa thì Đức Chúa Trời nhấn mạnh đến đời sống của chúng ta. Người làm thầy không chỉ giữ cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói mà cần có một đời sống đạo đức cao đẹp, nếp sống gương mẫu.
Vậy tiêu chuẩn nào để biết được người có sự khôn ngoan bày tỏ nếp sống cao đẹp? Trong những câu kế tiếp chúng ta sẽ thấy những đặc điểm của hai sự khôn ngoan, đó là sự khôn ngoan theo đời này và sự khôn ngoan thiên thượng. Trước hết chúng ta cùng xem những đặc điểm của “khôn ngoan đời này” hay còn gọi là “khôn dại” theo Gia-cơ 3:14-16.
1/ “Ghen tương” có nghĩa như “ghen tị” hay “ham muốn ích kỷ”, điều này có liên quan với câu đầu của đoạn 3 khi Gia-cơ khuyên các tín hữu chớ tham muốn làm thầy người khác. Khôn ngoan đời này luôn tôn cao con người và cướp mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Thật đáng buồn khi giữa vòng con cái Chúa vẫn có rất nhiều người tự đề cao mình hơn người khác, ngay cả các sứ đồ đầu tiên cũng từng tranh luận về việc ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Nếu muốn biết mình có đặc điểm này không thì chúng ta thử xem khi một anh em khác được ơn và thành công thì chúng ta vui mừng hay thầm ghen tị và phê phán người đó? Chúng ta cảm thấy nặng lòng khi những anh em khác gặp thất bại hay mừng thầm trước hoàn cảnh khốn khó của họ? Khi sự khôn ngoan đời này nhen nhúm ở trong Hội Thánh sẽ khiến người ta đề cao bản thân và tìm kiếm danh vọng. Vì thế, chúng ta phải cẩn trọng với nó.
2/ “Tranh cạnh” từ này liên quan đến tinh thần bè phái. Người Hy Lạp dùng để mô tả một chính trị gia đi vận động bỏ phiếu. Con người dễ bị lôi kéo vào những ham muốn sai lầm do áp lực của đám đông, của những người ủng hộ khi nghe những lời khuyên đầy tranh cạnh “bạn có thể làm tốt hơn, hãy mạnh dạn tiến lên, hãy đặt mục tiêu cao hơn” vì thế chúng ta dễ bị lôi cuốn vào những cuộc tranh cạnh tham lam và tai hại. Phi-líp 2:3 cảnh cáo: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.”
3/ “Khoe mình” thể hiện sự kiêu ngạo, tự mãn về mình. Lòng kiêu ngạo luôn thích khoe mình và kể ra công đức của mình. Trong lời nói của người kiêu ngạo dễ lầm tưởng rằng người ấy quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời nhưng thật ra trong lòng đang đề cao chính mình. Đáng tiếc rằng chúng ta vẫn thấy giữa vòng con cái Chúa có những người thích tâng bốc lẫn nhau. Khi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời hành động thì tinh thần khiêm nhường và đầu phục Chúa được thể hiện.
4/ “Dối nghịch” hậu quả của sự nói dối rất dễ hiểu. Trước tiên, ham muốn ích kỷ dẫn đến tinh thần cạnh tranh và kình địch, để được tín nhiệm và đắc cử thì người ta phải khoe khoang về mình, và sự khoe khoang luôn kèm theo những lời giả ngụy. Đời sống của một người không được đánh giá qua truyền thông hay lời đồn thổi nhưng cần phải thấy nếp sống đạo đức cao đẹp của người đó và chỉ có Chúa mới biết rõ tấm lòng người ấy. I Cô-rinh-tô 4:5 nhắc nhở chúng ta: “Vậy, chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến, chính Chúa sẽ tỏ ra những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người, bấy giờ, ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự khen ngợi mình đáng lãnh.”
Tất cả những đặc tính trên thể hiện “sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ.” (câu 15). Nguồn gốc của sự khôn ngoan đời này là đến từ xác thịt và thuộc về ma quỷ vì thế “sự khôn ngoan đời này trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại dột” (I Cô-rinh-tô 3:19). Người ta sống theo những đặc tính trên và tưởng như thế là khôn, nhưng Chúa nói đó là dại dột. Họ tưởng sống như vậy không ai biết nhưng Chúa là Đấng biết hết. Trước mắt, họ sẽ thành công nhưng Chúa nói họ sẽ thất bại vì sẽ tự sa vào mưu chước của chính mình và ma quỷ.
Đây cũng chính là lời nhắc nhở cho nếp sống của mỗi chúng ta ngày nay. Nhìn lại những tháng năm qua, bạn đã cư xử theo sự khôn ngoan của con người hay của Chúa? Bạn thấy mình cần thay đổi điều gì trong đời sống mình?
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Xin tha thứ cho con vì nhiều lúc con vẫn còn dùng sự khôn ngoan đời này để sống giữa mọi người. Xin cho con luôn đầu phục Đức Thánh Linh và nhờ cậy Chúa để sống theo sự khôn ngoan của Chúa. Con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét