Gia-cơ | Lời Lành Hay Nguyền Rủa?
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Kính thưa quý anh chị em! Một nghiên cứu gần đây trong ngành điều dưỡng và chăm sóc y tế cho biết, khi những người chăm sóc sức khỏe nói lời khích lệ, an ủi có thể giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn. Người ta đã làm một thí nghiệm đơn giản trên những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu về tình trạng dị ứng da gây ngứa. Sau một thời gian thực hiện cho thấy kết quả khác biệt giữa hai đối tượng có chung một chứng dị ứng da. Các bệnh nhân nhận được sự khích lệ từ bác sĩ và các nhân viên y tế ít thấy khó chịu và ngứa ngáy hơn những người không được nghe lời khuyên và sự khích lệ từ các bác sĩ. Tác giả Châm Ngôn biết rõ tầm quan trọng của lời khích lệ rằng “Lời nói ân hậu” mang đến sự “khỏe mạnh cho xương cốt” (Châm Ngôn 16:24). Tác động tích cực của lời nói không chỉ giới hạn đối với sức khỏe mà cũng ảnh hưởng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Tác giả Gia-cơ nhận biết được tầm ảnh hưởng to lớn của cái lưỡi nên ông đã chỉ cho thấy những nguy hại của lời nói. Vì vậy nói LỜI LÀNH và NGUYỀN RỦA là điều mà con người thường có nhưng người trưởng thành trong Chúa không thể có cả hai lời nói này được. Làm sao để nói lời lành thay vì nguyền rủa? Xin mời cùng đọc và suy ngẫm Lời Kinh Thánh hôm nay trong Gia-cơ 3:9-12.
9 Bởi cái lưỡi chúng ta khen ngợi Chúa, Cha chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời.
10 Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả! Hỡi anh em, không nên như vậy.
11 Có lẽ nào một cái suối kia, đồng một mạch mà ra cả nước ngọt và nước đắng sao?
12 Hỡi anh em, cây vả có ra trái ô-li-ve được, cây nho có ra trái vả được chăng? Mạch nước mặn cũng không có thể chảy ra nước ngọt được nữa.
Giải thích
Trong con người luôn tồn tại một nghịch lý, vì thế những lời nói mâu thuẫn trái ngược nhau khiến chúng ta nhiều lúc phải kinh ngạc. Gia-cơ đã trình bày điều này: “Bởi cái lưỡi chúng ta khen ngợi Chúa, Cha chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời.” (câu 9). Có lúc chúng ta nói những lời chân thật, đúng đắn, đẹp lòng Chúa nhưng nhiều khi lại nói lời cay độc, giận dữ, hung hăng. Qua đây cho chúng ta thấy cái lưỡi phản ánh nhân tính của chúng ta. Con người vốn được sáng tạo theo hình ảnh tốt lành của Đức Chúa Trời nhưng con người đã sa ngã, phạm tội nên chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa cuộc đời mình thì Đức Thánh Linh tái tạo đời sống chúng ta theo ảnh tượng tốt lành từ lúc ban đầu và Ngài vận hành để thay đổi tấm lòng chúng ta từ bên trong. Khi Đức Thánh Linh tẩy sạch tấm lòng thì Ngài ngự trị và cai quản đời sống chúng ta, trong đó có cả mọi suy nghĩ và lời nói của chúng ta, giúp chúng ta nói những lời tốt lành và đẹp lòng Chúa. Nhưng có những lúc chúng ta đã không để Chúa Thánh Linh ngự trị, chúng ta không cho Ngài hành động và kiểm soát mà chính cái tôi của con người cũ điều khiển mình nên dễ dàng thốt ra những lời kiêu căng, ngạo mạn, gây tổn thương cho người khác.
Cho nên, Gia-cơ khuyên: “Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả! Hỡi anh em, không nên như vậy. Có lẽ nào một cái suối kia, đồng một mạch mà ra cả nước ngọt và nước đắng sao?” (câu 10). Thực tế thì không thể cùng một mạch nước mà ra cả nước ngọt và nước mặn được hay một cây lại sinh ra hai loại trái khác hẳn nhau, nhưng sự khác thường này lại xảy ra với cái lưỡi. Người ta có thể cùng một cái miệng mà có lúc nói lời tốt lành, có lúc lại nói lời nguyền rủa. Có nhiều người ăn nói hết sức tao nhã, lịch thiệp ở bên ngoài hay với người xa lạ nhưng trong nhà mình thì lại ăn nói khiếm nhã, giận dữ, cay độc. Chúng ta cũng không xa lạ gì khi thấy nhiều Cơ Đốc nhân trong ngày Chúa nhật đến nhà thờ nói những lời dịu ngọt, yêu thương, khích lệ, nâng đỡ người khác nhưng đến ngày thứ hai đi làm có thể chửi rủa, mắng nhiếc, ba hoa, gièm pha mọi người xung quanh. Con người rất dễ dàng có thể hát thánh ca tôn vinh Chúa suốt buổi thờ phượng lại có thể trở về nhà cãi vã với gia đình. Một Cơ Đốc nhân trưởng thành thì không hành động như vậy. Cái lưỡi nào vừa nói ra lời lành từ Đức Chúa Trời lại có thể rủa sả con người là vật thọ tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Vậy cái lưỡi đó rất cần được điều trị bằng phương thuốc thuộc linh.
Phương cách duy nhất để bạn và tôi có cái lưỡi nói ra những lời êm dịu, vui mừng, yêu thương là chúng ta phải gặp Chúa mỗi ngày để học hỏi nơi Ngài. Chúng ta phải đâm rễ thuộc linh thật sâu trong Lời Ngài, cầu nguyện, suy ngẫm để Thánh Linh Đức Chúa Trời đầy dẫy trong lòng chúng ta tình yêu và chân lý của Ngài. Gia-cơ còn cho biết: một mạch nước không thể cùng lúc lại cho ra hai loại nước và cây cũng không thể sinh hai loại quả. Nếu cái lưỡi luôn nói ra lời mâu thuẫn, vậy do tấm lòng đã có điều gì đó bất ổn. Chúa Giê-xu đã từng phán: “Song những điều bởi miệng mà ra là từ trong lòng, thì những điều đó làm dơ dáy người.” (Ma-thi-ơ 15:18). Vì vậy lời khuyên trong Châm Ngôn 4:23 luôn cần ghi khắc: “Khá giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.” Khi lòng chúng ta đầy dẫy Lời Đức Chúa Trời và chúng ta đầu phục Thánh Linh Ngài, thì Chúa sẽ dùng chúng ta để đem đến sự vui mừng cho kẻ khác. Lúc ấy, chúng ta sẽ như những mạch nước mát ngọt ngào và cây ra quả xum xuê.
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Con biết trong con người con luôn có sự đối nghịch, mâu thuẫn nhau và cái lưỡi là quan thể dễ bị dùng để làm sự trái ngược ấy. Xin Thánh Linh Ngài đầy dẫy trong lòng con, ngự trị trong tấm lòng và cả môi lưỡi con để con quyết định chỉ nói ra lời lành thay vì lời cay độc, nguyền rủa để xây dựng, giúp ơn và có ích cho người nghe đến. Con cảm tạ Chúa. Trong danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét