Gia-cơ | Khôn Ngoan Thiên Thượng
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Kính thưa quý anh chị em! Có hai sự khác biệt giữa ranh giới của sự khôn ngoan, theo bài tĩnh nguyện tuần trước dựa trên Gia-cơ 3:14-16 chúng ta đã biết những đặc điểm của sự khôn ngoan đời này, hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục học biết về sự KHÔN NGOAN THIÊN THƯỢNG. Đây là sự khôn ngoan theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và đặc tính của sự khôn ngoan này được trình bày rõ ràng trong Gia-cơ 3:17-18. Xin mời cùng theo dõi.
17 Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình.
18 Vả, bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình, cho những kẻ nào làm sự hòa bình vậy.
Giải thích
Có một sự khác biệt rõ rệt giữa hành động của sự khôn ngoan đời này và khôn ngoan thiên thượng. Khôn ngoan thiên thượng là “sự khôn ngoan từ trên mà xuống” tức là thuộc về Đức Chúa Trời. Theo Gia-cơ 3: 17-18 liệt kê cho chúng ta thấy bảy phẩm cách của sự khôn ngoan thiên thượng như sau:
1/ “Thanh sạch” từ Hy văn là “hagnos” có thể hiểu như là “tinh sạch, không bị ô uế”. Đức Chúa Trời vốn là Đấng thánh khiết nên sự khôn ngoan từ trên xuống cũng thanh sạch, đây cũng muốn nói đến một tiến trình dẫn đến một đời sống nên thánh. Theo Ga-la-ti 3:17 đòi hỏi: “Trước hết là thanh sạch…” cho thấy tầm quan trọng của sự nên thánh là thế nào. Sự nên thánh về mặt thuộc linh sẽ dẫn chúng ta đến mối tương giao tinh sạch với Chúa (II Cô-rinh-tô 11:3).
2/ “Hòa thuận” từ này Hy văn là “eirinikos” có nghĩa căn bản là hòa bình, thể hiện mối liên hệ tốt đẹp đúng đắn giữa người với người và giữa người với Đức Chúa Trời. Sự khôn ngoan của đời đem đến sự ganh ghét, tranh cạnh và chiến đấu nhưng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đem đến sự hòa thuận yên ổn. Đó là sự hòa thuận dựa trên nền tảng của sự thánh khiết, không phải là thỏa hiệp hay thương lượng để được nhưng sự hòa thuận này giúp chúng ta đến gần nhau hơn và gần Chúa hơn.
3/ “Tiết độ” bản văn gốc là từ “epieikes”, đây là từ khó giải thích hơn hết. Thật khó để tìm ra một từ tiếng việt cho phù hợp. Từ này mang ý nghĩa của sự tiết chế không thỏa hiệp và sự dịu dàng không yếu đuối. Người có đặc tính này vừa khoan dung vừa dịu dàng không cố ý tạo sự tranh chấp, nhưng cũng không bao giờ thỏa hiệp sai trái. Người sống tiết độ biết lắng nghe mọi khía cạnh của một vấn đề, nhưng không thỏa hiệp niềm tin của mình. Người ta dùng từ “nhung thép” để mô tả cho phẩm tính này.
4/ “Nhu mì” bản Hy văn là “eupeithes”, từ này có nghĩa là người sẵn sàng vâng lời, không ngoan cố, sẵn sàng vâng theo lẽ phải. Nhu mì không phải là yếu đuối, nhưng đó là sức mạnh được kiểm soát. Sự khôn ngoan của thế gian khiến con người cứng lòng và ương bướng còn sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời giúp chúng ta vui vẻ đầu phục, dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh sống Chúa cho phép xảy đến. Người có phẩm cách này sẽ lắng nghe, suy nghĩ, cầu nguyện và làm theo những điều Đức Chúa Trời bày tỏ.
5/ “Thương xót” Hy văn là “eleos”, được “đầy dẫy” một điều gì đó nghĩa là “được điều khiển bởi…” Người sống trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời sẽ được điều khiển bởi sự thương xót. Mà sự thương xót ở đây không phải là thương hại người đang chịu khốn khổ vì bất công mà cả với người gặp hoạn nạn do chính lỗi lầm do người đó gây ra. Lòng thương xót này phản ảnh lòng thương xót của Đức Chúa Trời – “hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót” (Lu-ca 6:36). Lòng thương xót như Chúa không phải là một sự xúc động suông nhưng là hành động, cũng như Đức Chúa Trời đã hành động. Ngài dùng ân điển để ban cho chúng ta những điều chúng ta không xứng đáng nhận lãnh và Ngài cũng dùng sự thương xót để cất khỏi chúng ta những điều chúng ta đáng phải chịu.
6/ “Bông trái lành” sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời không tạo ra sự hiểu biết của lý trí mà mang đến một đời sống kết quả với những bông trái lành. Những bông trái ấy là kết quả từ sự vận hành của Đức Thánh Linh để làm vinh hiển Đức Chúa Trời chứ không phải để tôn vinh bản thân người đó.
7/ “Không có sự hai lòng và giả hình”
“Không có sự hai lòng” là “adiakritos” mang ý nghĩa về tính dứt khoát, không phân vân, đối lập với sự do dự, nghi ngờ (Gia-cơ 1:6). Khi dựa vào sự khôn ngoan đời này chúng ta bị sức ép từ nhiều phía và dễ đi theo một quan điểm nào đó nhưng sự khôn ngoan thiên thượng vốn đặt nền tảng trên sự tin quyết vào Đức Chúa Trời nên không có sự nghi ngờ hay do dự. Chúa sẽ ban sức mạnh cho chúng ta để giữ vững lập trường theo Lời Chúa dạy.
Còn từ “giả hình” theo tiếng Hy Lạp là “anupokritos” có nghĩa là “mang mặt nạ, người đóng kịch”. Sự khôn ngoan thiên thượng thể hiện sự chân tình cởi mở được bày tỏ trong tinh thần “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Ê-phê-sô 4:15) còn khôn ngoan theo đời sẽ tìm cách che đậy và ngụy tạo. Trong Hội Thánh Chúa nếu còn cư xử với nhau cách giả tạo, thiếu chân thật, thì đó là việc làm được điều khiển bởi sự khôn ngoan của đời này, chúng ta cần loại bỏ.
Chương này kết thúc với một câu kết luận thật ý nghĩa: “Vả, bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình, cho những kẻ nào làm sự hòa bình vậy” (câu 18). Để có thể gặt hái được những bông trái tốt lành thì cần giữ sự hoà bình (eirene) tức là luôn sống trong sự hòa thuận, có mối giao hảo tốt đẹp với Chúa và với mọi người.
Bạn thân mến, mỗi chúng ta đều có thể tự đánh giá đời sống mình dựa trên ánh sáng của Lời Chúa mà Gia-cơ đã trình bày về những phẩm chất của sự khôn ngoan thiên thượng. Là con cái Chúa, chúng ta không thể áp dụng và theo đuổi những phương cách của thế gian để đạt đến thành công nhưng cần đạt đến những phẩm chất thuộc linh mà Chúa muốn trên đời sống chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa yêu dấu! Con cảm tạ Ngài về lẽ thật quý báu hôm nay. Con biết rằng khôn ngoan thiên thượng không giống như thế gian theo đuổi nhưng dựa trên tiêu chuẩn của Lời Chúa, trước hết là có đời sống kính sợ Đức Chúa Trời và được bày tỏ qua nếp sống với những phẩm hạnh mà con được học biết hôm nay. Xin giúp con mỗi ngày càng giống Chúa Giê-xu với những phẩm hạnh tốt lành này. Con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét