Rô-ma | Sự Chết Đến Trong Nhân Loại

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maGia-cơ

Lời ngỏ

Kính chào quý anh chị em thân mến! Nói đến sự chết là điều không ai muốn nghe, có thể nói sự chết là kẻ thù của nhân loại và là kẻ thù tàn ác nhất mà không ai tránh khỏi. Là con người thì không ai muốn chết, chỉ có những người phải trải qua sự đau đớn và sầu khổ, bế tắc trong cuộc đời mới tìm đến cái chết vì nghĩ rằng cái chết sẽ giúp họ thoát khỏi sự đau đớn, khổ cực mà họ phải mang, nhưng thực chất thì cái chết của thân thể không phải là hết và nó cũng không thể giải quyết được nỗi khổ của con người. Sự chết đi ngược lại mong ước của con người là muốn được sống mãi, sự chết từ đó trở thành một điều đáng sợ nhất của nhân loại. Tuy nhiên, từ ban đầu trong công cuộc sáng tạo, Đức Chúa Trời không có kế hoạch cho con người phải chết. Ngài đã tạo nên chúng ta để sống đời đời. Nhưng thực tế thì SỰ CHẾT ĐẾN TRONG NHÂN LOẠI mà không ai mong muốn. Dựa trên Kinh Thánh Rô-ma 5:12-14 chúng ta cùng suy ngẫm và tìm hiểu nguyên nhân gì mà có sự chết và làm cách nào để nhân loại thoát khỏi cái quy luật sự chết này.

12 Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội…
13 Vì, trước khi chưa có luật pháp, tội lỗi đã có trong thế gian, song chưa có luật pháp, thì cũng không kể là tội lỗi.
14 Nhưng từ A-đam cho đến Môi-se, sự chết đã cai trị cả đến những kẻ chẳng phạm tội giống như tội của A-đam, là người làm hình bóng của Đấng phải đến.

Giải thích

Rô-ma 5:12 cho thấy “sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người” do hậu quả của tội lỗi từ tổ phụ loài người là A-đam đã phạm như đã chép “bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết”. Nhiều người có lẽ đã thắc mắc: A-đam phạm tội gì đến nỗi phải chết rồi từ đó sự chết đã cai trị trên tất cả mọi người? Chúng ta cần quay lại với câu chuyện sáng tạo xa xưa. A-đam và Ê-va là hai người đầu tiên được Đức Chúa Trời tạo dựng, được ban cho mọi điều phước hạnh, tốt lành, họ không hề biết tội lỗi vì lúc ấy không hề có sự hiện diện của tội lỗi trong sự sáng tạo tốt lành của Đức Chúa Trời. Nhưng ông bà A-đam và Ê-va đã không vâng lời Chúa, nghe lời dụ dỗ của con rắn là hiện thân của Sa-tan, kẻ chống nghịch lại với Đức Chúa Trời, ông bà đã hái trái cây biết điều thiện và điều ác, là trái mà Chúa cấm không được hái ăn (Sáng Thế Ký 3). Từ sự không vâng lời dẫn đến sự kiêu ngạo, nghe lời dụ dỗ của ma quỷ muốn bằng Đức Chúa Trời, dù Chúa cho cơ hội nhưng cũng không ăn năn, bất tuân, chống nghịch lại Chúa từ đó truyền đến cả nhân loại cũng bất kính, bất tuân, chống nghịch lại Đấng tạo dựng nên mình.

Dựa theo câu 13 cho biết “trước khi chưa có luật pháp, tội lỗi đã có trong thế gian” nghĩa là trước thời gian mà Đức Chúa Trời ban hành các luật lệ khác nhau cho tuyển dân Do Thái, thì con người không biết khái niệm tội lỗi song chưa có luật pháp, thì cũng không kể là tội lỗi” nhưng thật chất tội lỗi là một phần của thế giới đã có từ sau khi hai con người đầu tiên bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Tội lỗi đã hành động trong con người bằng những việc làm như nói dối, tham lam, trộm cướp, giết người, tình dục ngoài hôn nhân, thờ lạy các thần giả… Tất cả những việc làm này chỉ ra một luật chung cai quản lòng người từ sau khi con người ăn trái cấm, đó là luật phân biệt điều thiện và điều ác, nên khiến cho con người chết về phần tâm linh y như lời Chúa đã phán “nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết.” (Sáng Thế Ký 2:17).

Vì cớ đó mà sứ đồ Phao-lô đã kết luận trong câu 14 “từ A-đam cho đến Môi-se, sự chết đã cai trị cả đến những kẻ chẳng phạm tội giống như tội của A-đam, là người làm hình bóng của Đấng phải đến.” Điều này cho thấy kể cả những người không phạm tội như A-đam thì sự chết vẫn cai trị loài người, nhưng Lời Chúa báo trước cho chúng ta về một “Đấng phải đến” Ngài được xem như A-đam thứ hai, nhưng Ngài không giống như A-đam trước đó, Ngài chính là Đấng Cứu Thế phải đến để giải cứu con người ra khỏi sự cai trị của sự chết do A-đam thứ nhất gây ra.

Quý vị thân mến, qua phần Kinh Thánh hôm nay chúng ta học được hai điều:

Thứ nhất, nhìn vào thực trạng tội lỗi của con người, chúng ta thấy được sự bất lực, vô phương cứu chữa của cả nhân loại nhưng đừng vì thế mà đổ lỗi cho A-đam, thay vào đó hãy cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài đã chuẩn bị Đấng Cứu Thế, là A-đam thứ hai đến cho chúng ta, tức là Chúa Giê-xu, Đấng đã gánh tội lỗi của chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi án phạt của Đức Chúa Trời. Chúng ta không còn tuyệt vọng nữa, nhưng có niềm vọng sống ở trong Chúa.

Thứ hai, nhìn lại tội lỗi của A-đam nhắc chúng ta nhớ rằng nếu chúng ta phạm tội, tội lỗi đó không chỉ huỷ hoại mình mà còn gây ảnh hưởng xấu đến mọi người chung quanh. Đừng bao giờ cho rằng cuộc đời này là của mình, rồi cứ sống theo ý mình, nhưng mọi việc làm của chúng ta đều có thể gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Qua A-đam, là tổ phụ của loài người mà sự chết đã vào thế gian, chúng con nhận biết được tình trạng vô vọng, sự phá sản thuộc linh của cá nhân mình nói riêng và của toàn nhân loại nói chung. Nhưng chúng con thật cảm tạ Chúa Giê-xu đã đến, mở một con đường mới và ban sự sống của Ngài cho chúng con, để chúng con được hòa thuận lại Đức Chúa Trời. Xin giúp con sống để gieo ảnh hưởng tốt cho mọi người xung quanh con. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa