Truyền Đạo | Thời Và Kỳ Của Cuộc Sống
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em! Có rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ đã trích dẫn Truyền Đạo 3:1-8 của Sa-lô-môn làm đề tài cho các tác phẩm của mình. Có lẽ chúng ta vẫn không quên quyển tiểu thuyết “Thời Gian Để Sống và Thời Gian Để Chết” (1954) của tác giả Erich Maria Remarque phản ánh sự bi thương trong đệ nhị thế chiến. Bên cạnh đó, cũng có những bài hát nổi tiếng như Le Temps des Souvenirs, hay bài hát Le Temps de l’Amour – Một Thời Để Yêu của đồng nhiều tác giả là Andre Michel Charles Salvet, Lucien Morisse, Jacques Dutronc.
Phải chăng Đấng Tạo Hóa đã định thời kỳ cho tất cả mọi sự giống như người thợ làm cái đồng hồ, cho nó chạy theo đúng chu kỳ của nó và không bao giờ can thiệp vào trần gian này nữa? Phải chăng con người bị phó mặc cho một định mệnh mà mình sẽ không bao giờ thay đổi được theo cách nhìn của những người theo thuyết thần giáo tự nhiên (Deism). Chúng ta cùng nghe đọc Truyền Đạo 3:1-8 và sẽ dựa vào Kinh Thánh để xem những điều này có thật hay không.
1 Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định.
2 Có kỳ sanh ra, và có kỳ chết; có kỳ trồng, và có kỳ nhổ vật đã trồng;
3 có kỳ giết, và có kỳ chữa lành; có kỳ phá dỡ, và có kỳ xây cất;
4 có kỳ khóc và có kỳ cười; có kỳ than vãn, và có kỳ nhảy múa;
5 có kỳ ném đá, và có kỳ nhóm đá lại; có kỳ ôm ấp, và có kỳ chẳng ôm ấp;
6 có kỳ tìm, và có kỳ mất; có kỳ giữ lấy, và có kỳ ném bỏ;
7 có kỳ xé rách, và có kỳ may; có kỳ nín lặng, có kỳ nói ra;
8 có kỳ yêu, có kỳ ghét; có kỳ đánh giặc, và có kỳ hòa bình.
Giải thích
Nhìn vào thực tế cuộc sống chúng ta thấy hình như cuộc sống cũng được đan dệt bằng những thời kỳ như vậy. Con người đứng trước hai thực thể đối nghịch nhau, sinh – tử, trồng – nhổ, dưỡng nuôi – hủy diệt, xây cất – phá dỡ… một bên là tích cực mà chúng ta yêu thích, một bên là tiêu cực mà chúng ta muốn chối bỏ, trốn chạy. Ai cũng muốn sinh ra và tồn tại chứ không ai muốn chết, đặc biệt là chết bất đắc kỳ tử vì tật bệnh, tai nạn, chiến tranh…
Ai cũng muốn những công việc mình làm được mãi dài lâu chứ không muốn chỉ là tạm bợ. Về tình cảm con người cũng thế, chúng ta sống giữa khóc và cười, giữa than vãn và vui mừng, giữa ôm ấp và buông bỏ, có khi chúng ta tìm thấy – có khi chúng ta đánh mất, có khi yêu rồi – có khi ghét, có khi chiến tranh – có khi hòa bình… Phải chăng cuộc sống là một cái vòng luẩn quẩn, đan xen nhau như thế mà con người phải chấp nhận không thể tránh khỏi được?
Chúng ta có lý do để vui mừng, lạc quan vì thế giới không phải là một sân khấu, một vở kịch với những người đến và đi mà không có khởi đầu và kết thúc! Bi kịch của nhân loại đã khởi đầu khi con người toàn thiện, toàn mỹ của buổi khởi nguyên sa ngã và bị đuổi ra khỏi khu vườn phước hạnh – chỗ ở mà Thiên Chúa định cho họ. Con người phải ra khỏi đó để đi vào một thế giới với sự đấu tranh để tồn tại, ở đó họ đã nhận biết cuộc sống có mặt trái của nó. Trái cấm đã khiến họ mở mắt để nhận ra điều thiện và điều ác nhưng họ bất năng không làm nổi điều thiện cũng như không thể đủ sức để chống lại điều ác.
Kinh Thánh cho biết có một lần Thiên Chúa đã hủy diệt hết toàn cầu bằng một cơn nước lụt. Trận Đại Hồng Thủy dữ dội đó đã tiêu diệt tất cả mọi loài trên trái đất chỉ còn một gia đình được xem là công chính được sống nhờ ân sủng của Chúa. Đấng yêu sự sống sau đó đã lập giao ước một phía, vô điều kiện với con người, rằng Ngài sẽ không bao giờ “vì loài người mà nguyền rủa đất nữa, dù tâm địa của loài người vẫn xấu xa từ lúc còn niên thiếu. Ta sẽ không bao giờ tiêu diệt các sinh vật như Ta đã làm nữa.” (Sáng Thế Ký 8:21). Lạ thay, sau đó chúng ta bắt gặp các câu thơ của Chúa, có lẽ để nói lên xúc cảm yêu thương dào dạt của Ngài dành cho nhân loại. Trong đó Ngài hứa rằng: Ngày nào quả đất còn thì mùa gieo giống và gặt hái, mùa lạnh và nóng, mùa hạ và mùa đông, ngày và đêm, sẽ chẳng bao giờ chấm dứt.
Những vần thơ này cho chúng ta thấy con người giờ đây sẽ được sống trong một thế giới được đan xen giữa gieo và gặt, lạnh và nóng, hạ và đông, ngày và đêm không bao giờ chấm dứt. Triết gia Sa-lô-môn suy ra được những điều tương ứng trong phạm trù cảm xúc của con người. Ông đã nói đến vui và buồn, khóc và cười, ôm ấp và buông bỏ với hạnh phúc và đớn đau của nó trong phần Kinh Thánh hôm nay.
Cuộc đời có sướng có khổ, có vui có buồn, có tranh đấu có an nghỉ… nhưng đa số chúng ta đều thấy những lúc vui sướng, hạnh phúc ấy quá ít, quá ngắn ngủi so với những đau khổ mà con người phải gánh chịu. Triết lý của nhà Phật xem đời lúc nào cũng là “bể khổ” vì thế, con người đã mơ ước những gì vĩnh cửu, hạnh phước và lâu dài. Và Thiên Chúa không để cho con người ở mãi trong cái vòng luẩn quẩn ấy, Ngài đã làm một bước ngoặt vĩ đại để đến với nhân loại. Cánh tay cứu rỗi đã mở ra khi Chúa Giê-xu từ trời xuống thế. Ngài phán rằng: “Ta đã đến cho Chiên được sự sống và sự sống dư dật.” (Giăng 10:10). Sự sống dư dật ấy là sự sống đời đời, vĩnh hằng cho những ai tiếp nhận công ơn cứu rỗi của Ngài trên thập tự giá.
Bạn đã biết đến cuộc đột phá vĩ đại của Nước Đức Chúa Trời vào thế giới này qua Chúa Giê-xu chưa? Tôi mời bạn “hãy đến xem” (Giăng 1:46), xem những cuộc đời đã được Chúa biến cải và đầy phước hạnh ở giữa cuộc sống đầy đe dọa, khốn khó. Tôi mời bạn “hãy nếm thử Thiên Chúa tốt lành dường bao” (Thi Thiên 34:8). Và rồi bạn sẽ thấy Ngài là Sự Sống thật, là Con Đường Cứu Rỗi duy nhất và là CHÂN LÝ được viết hoa để nói lên sự khác biệt với những tiểu chân lý của triết học, khoa học, toán học… chen chúc nhau trong tư duy con người mà không hề đem đến sự cứu rỗi cho họ.
Cầu nguyện
Lạy Cha ái từ! Tạ ơn Cha đã đến, đã làm một bước đột phá vĩ đại, đem Nước Trời đến giữa loài người. Khởi đầu cho sự chấm dứt cuộc luân phiên của sống – chết, buồn – vui, xây dựng – đập đổ của con người. Con dâng đất nước và dân tộc chúng con cho Cha. Xin Chúa ban Nước ấy cho dân tộc chúng con. Xin khiến gia đình, họ hàng, bà con chúng con được biết Ngài và tin nhận Ngài. Xin cho Nước đời đời của Cha được hình thành và lập vững trên quê hương Việt Nam. Con cầu cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Ân Điển
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét