Truyền Đạo | Sống Giữa Sự Áp Bức
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Thưa quý anh chị em! Vào thế kỷ thứ 13 TC, ở Ai Cập có một dân tộc bị áp bức đến nỗi tiếng kêu của họ thấu đến tận trời. Họ bị bắt phải làm gạch để xây những công trình lớn cho các vị vua Ai Cập trong những hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt. Để ngăn không cho họ sinh sôi trong xứ, nhà cầm quyền Ai Cập bắt giết hết những bé trai sơ sinh. Rồi đến những năm 39 đến 45 của thế kỷ 20 SC, cũng chính dân tộc ấy, có khoảng 6 triệu người trên khắp cả Âu Châu đã bị truy lùng và giết chết.
Nói đến đây, có lẽ chúng ta đã biết đó là dân tộc nào rồi. Thế nhưng những nỗi áp bức diễn ra dưới ánh mặt trời không phải chỉ riêng người Do Thái. Lịch sử của nhân loại đã có những trang đẫm đầy máu và nước mắt của những người dân Phi Châu bị bắt làm nô lệ, hàng triệu người dân Campuchia bị Khmer Đỏ sát hại. Chuyện chẳng phải ở đâu xa trong lịch sử, mà kể cả ngày nay, khắp mọi nơi từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á vẫn còn tình trạng những kẻ cậy quyền thế để hà hiếp, áp bức những người yếu thế hơn mình. Trong sách Truyền Đạo 4:1-3, vua Sa-lô-môn viết về cảnh những con người SỐNG GIỮA SỰ ÁP BỨC như thế.
1 Ta trở lại xem xét mọi nỗi áp bức diễn ra dưới ánh mặt trời: Kìa, kẻ bị áp bức tuôn trào nước mắt mà không ai an ủi họ! Kẻ áp bức cậy quyền cậy thế, nhưng kẻ bị áp bức thì không được ai an ủi!
2 Vậy nên, ta cho rằng những người chết, những người đã chết rồi, có phước hơn những người còn sống, những người vẫn còn đang sống.
3 Nhưng có phước hơn hai hạng người kia là người chưa được sinh ra, chưa thấy những việc gian ác diễn ra dưới ánh mặt trời.
Giải thích
Trong cách nói của Sa-lô-môn ở đây chúng ta lại một lần nữa tự hỏi: Ôi, sao con người phải chịu cảnh áp bức như thế? Nếu có một Đấng công nghĩa, thấy hết tất cả, thì Ngài đang ở đâu trong những việc đó? Tại sao Ngài vẫn để cho nước mắt của những kẻ bị áp bức mãi tuôn rơi? Tại sao không có ai đến và an ủi họ? Tại sao những kẻ cậy quyền thế vẫn tiếp tục sống và vẫn làm những điều gian ác, trái ngang?
Tác giả của sách Truyền Đạo lại một lần nữa đưa ra một cái nhìn đầy yếm thế, bi quan của một triết gia đầy nhân bản nhưng vô thần hoặc theo thần giáo tự nhiên, nghĩa là có một Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật, nhưng không can dự vào những gì đang xảy ra trên muôn loài, kể cả trên những bất công vô lý xảy ra cho con người! Tư tưởng của sách Truyền Đạo là một sự tương phản hoàn toàn với tất cả những phần còn lại của Kinh Thánh. Sự khôn ngoan của con người dừng lại ở những gì được thấy trước mắt, và có khi chúng ta cũng vô tình hay cố ý dự phần vào đó.
Phải chăng Sa-lô-môn là người từng quan sát cảnh những người dân Y-sơ-ra-ên bị thu thuế cao để phục vụ cho nhu cầu xây dựng các đền đài cung điện của chính vua và người nhà của vua? Phải chăng vua đã nín lặng trước cảnh những người ngoại quốc sống trong xứ bị bắt làm nô bộc dưới sự quản đốc của người Y-sơ-ra-ên? (II Sử Ký 2:17-18; 8:7-10). Khi Sa-lô-môn viết những lời này, phải chăng trước mắt nhà vua là hình ảnh những người đốc công đánh bằng roi những người công nhân làm việc nặng nhọc như mang một cái ách nặng nề trong những công trình của mình? Ai là người có lỗi khi để cho cảnh ấy xảy ra?
Ngoài việc nói ra một nhận xét tưởng chừng rất triết lý, rất khôn ngoan nhưng chẳng đi đến đâu, rằng người chết rồi thì có phước hơn hoặc thà đừng sinh ra, đừng thấy cảnh gian ác còn hơn… phải chăng con người có thể làm một cái gì đó để an ủi người lân cận đang bị vùi dập, áp bức? Hỏi chính là đã tự trả lời. Con dân Chúa không tham dự vào những công việc gian ác, và cũng không phải là kẻ bàng quang trước những cảnh áp bức bất công.
Thật vậy, Đức Chúa Giê-xu dạy con dân Ngài quan tâm đến những con người yếu đuối thấp hèn nhất. Ngài đồng hóa mình với những kẻ đói khát, trần truồng, đau ốm, bơ vơ không người tiếp rước, bị tội tù không ai viếng thăm, bị áp bức, đau khổ, than khóc mà không ai an ủi trên đời (Ma-thi-ơ 25:35-36). Bất kể những điều ấy dù đến từ nguyên nhân nào, dưới mắt của Chúa, mỗi con người đều có nhân phẩm và giá trị, thấy người ta khổ mà nhắm mắt làm ngơ là tội đáng đi vào hỏa ngục đời đời. Triết lý của con người dừng lại ở chỗ nhân văn, còn đạo lý của Đức Chúa Trời giải quyết đến tận căn nguyên của điều ác. Sẽ có một ngày Thiên Chúa công bình sẽ tiêu diệt hết những kẻ cậy quyền thế áp bức người nghèo khó, cô thế. Sẽ có một ngày không còn những khổ đau trên trần thế nữa, Thiên Chúa sẽ lau ráo hết những giọt lệ sầu và tiếng thở than rồi sẽ không còn.
Cầu nguyện
Lạy Cha ái từ! Xin cho con biết đứng bên những kẻ đang phải chịu cảnh áp bức, bất công, bị hà hiếp, đau khổ và khóc than. Xin cho con có thể an ủi họ bằng một việc làm nhỏ nhoi trong khả năng của con, chứ không chỉ đứng nhìn như một người bàng quang. Xin cho con có thể đem tình yêu rất lớn của Ngài đến với những con người bất hạnh, bởi vì Chúa ơi, Ngài đang được đồng hóa trong những con người bị áp bức ấy. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Ân Điển
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét