I Cô-rinh-tô | Những Cuộc Đời Tận Hiến (II)
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Kính thưa quý anh chị em thân mến! Trong bài học trước, chúng ta đã học biết phần nào trong rất nhiều những khốn khổ mà sứ đồ Phao-lô và các đồng sự mình đã trải qua khi hầu việc Chúa. Ông không thuật kể để than thở hay khoe mình, nhưng để các tín hữu Cô-rinh-tô hiểu rằng các ông đã tận hiến mình trọn vẹn cho Tin Lành của Đức Chúa Trời. Các vị thánh tử ấy thật là những người quản gia trung thành trong nhà của Đấng Christ.
Bài học Kinh Thánh hôm nay, dựa trên I Cô-rinh-tô 4:11-13 tiếp tục giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về những chức vụ nhiều nước mắt của các sứ đồ và cách các ông đối diện với những thách thức trong chức vụ.
11 Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần mình, bị người ta vả trên mặt, lưu lạc rày đây mai đó.
12 Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó nhọc; khi bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; khi bị bắt bớ, chúng tôi nhịn nhục;
13 khi bị vu oan, chúng tôi khuyên dỗ; chúng tôi giống như rác rến của thế gian, cặn bã của loài người, cho đến ngày nay.
Giải thích
Trong I Cô-rinh-tô 4:8-10 mà chúng ta đã suy ngẫm trong bài học trước, sứ đồ Phao-lô đưa ra hai hình ảnh tương phản về tình trạng thuộc linh của các sứ đồ với các tín hữu Cô-rinh-tô. Vì yêu Chúa nên các sứ đồ đã chấp nhận nếm trải đủ mọi khốn khổ để rao giảng Tin Lành cho tội nhân, còn các tín hữu Cô-rinh-tô thì ngược lại, họ chỉ yêu bản thân nên cứ theo đuổi những giá trị phù phiếm và lấy làm tự mãn lắm về những điều hư không đó.
Tiếp tục trong các câu 11-13, sứ đồ Phao-lô liệt kê khá chi tiết về những khốn khổ mà ông và các cộng sự của mình đã chịu đựng, cũng như cách các ông bước qua những lò lửa thử thách liên tục xuất hiện trong suốt chức vụ thiêng liêng của mình.
Trong câu 11, ông nói rằng cho đến thời điểm ông viết thư cho Hội Thánh Cô-rinh-tô thì các ông vẫn phải chịu thiếu thốn về vật chất, đến nỗi đói khát và trần mình vì thiếu áo mặc. Thật xót xa khi nhiều tín hữu Cô-rinh-tô thụ hưởng cuộc sống xa hoa, còn các sứ đồ thì thiếu thốn đủ đường. Chẳng những vậy, trong khi các tín hữu Cô-rinh-tô được người đời quý trọng thì các sứ đồ lại bị nhục mạ bởi những cái tát khinh khi của những người chống đối. Hơn thế nữa, trái ngược với cuộc sống ổn định và thảnh thơi, chỉ lo tìm kiếm những tri thức khôn ngoan của người Cô-rinh-tô, thì các sứ đồ phải lưu lạc rày đó mai đây, vừa để trốn tránh kẻ bắt bớ vừa để rao giảng Tin Lành. Trên thực tế, những gì sứ đồ Phao-lô tóm tắt trong mấy câu Kinh Thánh này không lột tả hết những thống khổ của chức vụ mà ông và những người hầu việc Chúa đã trải qua. Trong bức thư thứ hai gửi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô, ở phân đoạn II Cô-rinh-tô 11:23-29, ông đã thuật kể trong nước mắt về những đau thương và cay đắng mà ông đã phải trải qua.
Dẫu đau đớn và khổ cực là thế, nhưng các sứ đồ không lấy đó làm cớ để than oán, mà họ xem đó là cơ hội để dự phần thương khó với Đức Chúa Jesus Christ. Bởi đó, sang câu 12, ông nêu lên cách mà các ông đã phản ứng trước những thử thách bủa vây tứ bề. Thay vì sử dụng quyền lợi của chức vụ sứ đồ là yêu cầu các Hội Thánh cung ứng nhu cầu vật chất thì các ông lại dùng chính tay mình làm việc khó nhọc để nuôi thân. Trong thư I Cô-rinh-tô 9:12, sứ đồ Phao-lô nêu lý do ông nín chịu mọi sự mà không cầu cạnh Hội Thánh là để khỏi làm cho người khác lầm tưởng rằng ông xem việc giảng Tin Lành của Đấng Christ là một nghề sinh lợi.
Cũng trong câu 12 và 13, ông cho biết rằng khi bị nguyền rủa thì các sứ đồ chúc phước; khi bị bắt bớ dữ tợn thì họ nhẫn nại chịu đựng; và khi bị vu oan thì các ông từ tốn khuyên lơn. Chính thái độ khiêm nhường, bao dung và nhẫn nại của các sứ đồ càng khiến họ bị ức hiếp và bắt bớ nhiều hơn. Trong mọi nơi họ đi đến, họ luôn bị khinh khi như rác rến của thế gian và cặn bã của loài người. Dù trước đó, bây giờ hay suốt quãng thời gian tiếp theo của chức vụ mình, sứ đồ Phao-lô và các đồng sự luôn bị đối xử bất công. Mà thật, họ đã chịu khốn khổ cùng cực vì Tin Lành Đấng Christ, thậm chí chịu chết vì Tin Lành ấy nữa.
Liên kết mạch văn của đoạn 3 và 13 câu đầu của đoạn 4, chúng ta thấy sứ đồ Phao-lô đang giải thích cho các tín hữu Cô-rinh-tô hiểu rằng bản thân ông hay ông A-bô-lô cùng với các vị sứ đồ khác chỉ là tôi tớ của Đức Chúa Jesus. Chính Ngài là vị Chủ thật sự của Hội Thánh. Do đó, họ đừng tự khoe mình mang danh của bất kỳ ai. Các ông đã làm trọn phận sự của người quản lý trung thành trong nhà Đức Chúa Trời. Sỡ dĩ sứ đồ Phao-lô kể ra những nỗi thống khổ mà mình và những người hầu việc Chúa khác đã chịu đựng vì danh Chúa là để các tín hữu Cô-rinh-tô tự nghiệm xét bản thân hầu thấy mình kém thiếu. Mặt khác, những điều ấy cũng nhằm giúp họ phân biệt được đâu là tôi tớ thật của Đấng Christ và bỏ đi tinh thần xét đoán người hầu việc Chúa.
Bạn thân mến! Thế hệ những người hầu việc Chúa tiên phong trong lịch sử Hội Thánh đã trọn vẹn hiến dâng cuộc đời mình cho Đức Chúa Trời. Họ đã chứng nghiệm chặng đường thương khó của Con Đức Chúa Trời trên đất, nên họ tin nhận và trung thành noi theo dấu chân Ngài. Lời kêu gọi của sứ đồ Phao-lô cho các tín hữu Hội Thánh Cô-rinh-tô ngày xưa vẫn còn vang vọng bên tai mỗi chúng ta ngày nay: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ.” (I Cô-rinh-tô 11:1).
Ước mong chính bạn và tôi, chúng ta mãi luôn trung tín và can đảm dấn bước trên con đường Thập tự của Đức Chúa Jesus. Hãy vững lòng theo Chúa dẫu trải nghiệm lắm đau thương khốn khổ, với niềm hy vọng sắt son rằng: “…những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta.” (Rô-ma 8:8).
Cầu nguyện
Kính lạy Đức Chúa Trời! Con lấy làm hổ thẹn lắm khi học biết về tâm tình tận hiến của các vị sứ đồ đáng kính. Trải qua mọi thời đại, Chúa luôn dấy lên những thánh nhân sẵn sàng hiến mình vì vương quốc của Ngài. Riêng con vẫn còn kém thiếu, yếu đuối và hời hợt lắm. Con cầu xin Thánh Linh Ngài luôn hành động trong con để khiến con trở nên người Chúa muốn. Con xin đặt đời mình trong tay Ngài để tùy Ngài dẫn con đi đến nơi Chúa muốn dẫu chặng đường đó khiến con đau đớn. Con thành kính cầu nguyện, nhân danh Đức Chúa Jesus Christ. Amen.
NPH
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét