Lu-ca | Cảm Thương
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Thân chào quý anh chị em trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Nữ hoàng Victoria là bạn rất thân thiết với ông bà hiệu trưởng Tulloch ở Andrew. Khi hoàng thân Albert chết, nữ hoàng rất cô đơn, đồng thời ông hiệu trưởng Tulloch cũng chết và bà hiệu trưởng cũng chỉ ở một mình. Một lần kia, nữ hoàng đến thăm bà Tulloch lúc bà đang nghỉ trong phòng mà không báo trước, khi người nhà cho biết có nữ hoàng đến thăm, bà Tulloch vội vàng đứng dậy cúi mình thi lễ, nữ hoàng vội bước tới nói: “Bạn thân yêu ơi, không cần đứng dậy làm gì đâu. Hôm nay tôi không đến đây với tư cách nữ hoàng thăm thần dân, mà đến với tư cách một người đàn bà góa đến với một người đồng cảnh ngộ.” Câu chuyện thật này minh họa cho cách Đức Chúa Trời đến với con người, bằng sự cảm thông, thương xót qua câu chuyện về một chàng trai trẻ ở Na-in, được ghi trong Lu-ca 7:11-15, chúng ta sẽ cùng suy ngẫm hôm nay.
11 Bữa sau, Đức Chúa Jêsus đi đến một thành, gọi là Na-in, có nhiều môn đồ và một đoàn dân đông cùng đi với Ngài.
12 Khi Ngài đến gần cửa thành, họ vừa khiêng ra một người chết, là con trai một của mẹ góa kia; có nhiều người ở thành đó đi đưa với bà góa ấy.
13 Chúa thấy, động lòng thương xót người, mà phán rằng: Đừng khóc!
14 Đoạn, Ngài lại gần, rờ quan tài, thì kẻ khiêng dừng lại. Ngài bèn phán rằng: Hỡi người trẻ kia, ta biểu ngươi chờ dậy.
15 Người chết vùng ngồi dậy và khởi sự nói. Đức Chúa Jêsus giao người lại cho mẹ.
Giải thích
Tầm ảnh hưởng của Chúa Jesus trong năm chức vụ này có thể thấy không chỉ số lượng các môn đồ mà còn có cả đoàn dân đi theo Ngài, vừa đến cổng thành họ gặp ngay một đám tang. Theo mô tả của Kinh Thánh, thông tin chúng ta biết được đây là đám tang của một người thanh niên, con trai duy nhất của một người đàn bà góa bụa. Có lẽ vừa thương tiếc người con đã chết, vừa thương xót cho người mẹ vừa mất con, có một đoàn dân trong thành đi đưa tang với bà (câu 12). Hình ảnh đau buồn thảm hại của người mẹ lập tức khiến Chúa Jesus động lòng thương xót (câu 13). Từ thời Cựu Ước, những người phụ nữ góa bụa đã được sự chăm sóc đặc biệt của Đức Chúa Trời. Xuất Ê-díp-tô Ký 22:22-24 là điều răn dạy của Chúa: “Các ngươi chớ ức hiếp một người góa bụa…” được xem như là luật chính thức bảo vệ người góa bụa. Có thể thấy những thiệt thòi mà người phụ nữ góa bụa phải gánh chịu từ xã hội Do Thái là không nhỏ. Góa phụ trong phân đoạn Kinh Thánh này không chỉ mất chồng, bây giờ mất luôn nguồn an ủi duy nhất là con trai, chúng ta có thể hiểu nỗi đau thấu tâm can này của người mẹ. Chúa Jesus xuất hiện với lời an ủi: “Bà đừng khóc nữa” (BTTHĐ). Ngài không chỉ an ủi bằng lời như bao nhiêu người đã chia sẻ với bà, mà bằng hành động cụ thể là đụng đến quan tài người chết. Một cái chạm đầy ý nghĩa đã làm sống lại hy vọng của người mẹ góa này. Chúa gọi: “Con ơi, ta bảo con ngồi dậy!” (BTTHĐ). Sự kiện được Thánh Kinh ký thuật thêm rằng: “Người chết ngồi dậy và bắt đầu nói.” (BDM). Trước mặt người mẹ lúc bấy giờ là thân thể sống động của con trai. Gánh nặng về nỗi nhọc nhằn của cuộc sống; sự buồn bã về nỗi cô đơn của bà đã được Chúa Jesus cất bỏ.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều lúc chúng ta cũng rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, vật vã với những đau khổ không biết chia sẻ cùng ai, cuộc sống bế tắc khiến chúng ta lo lắng. Hãy nhớ người mẹ góa trong câu chuyện này, Chúa luôn dõi theo người đặt lòng tin cậy nơi Ngài, cảm thông, thương xót một cách cụ thể, không chỉ bằng lời an ủi động viên nhưng Ngài đáp ứng nhu cầu cần, đem lại cho chúng ta đời sống tinh thần tươi mới.
Chàng trai trẻ được giao lại cho người mẹ (câu 15) và bắt đầu một cuộc đời mới. Tuổi trẻ tràn đầy năng lượng sống, chàng trai trẻ phải sống với trách nhiệm làm con, làm trụ cột gia đình thay cho người cha quá cố, gánh vác trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng mẹ. Dù đó là việc bình thường của một người con trong gia đình, nhưng với chàng trai trẻ này hẳn có ý nghĩa vô cùng to lớn vì sự sống hiện tại của anh đã được chính Chúa Jesus hồi sinh. Đối với Cơ Đốc nhân, đời sống tâm linh cũng không nằm ngoài ý nghĩa này. Nếu chúng ta hiện diện trên đất này với phần nhiều thời gian tham dự các nghi lễ mang tính tôn giáo, mà không khi nào suy nghĩ hoặc tham gia vào công tác chứng đạo hoặc chia sẻ Phúc Âm của Chúa thì chúng ta cũng có khác gì chàng trai trẻ thành Na-in đang được người ta khiêng đi chôn? Chúa Jesus đã đem lại sự sống tâm linh cho chúng ta thì chúng ta phải sống động, sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng bằng những việc làm cụ thể. Nguyện ơn cứu rỗi của Chúa Jesus đem đến cho chúng ta nguồn năng lượng tái tạo một cách hữu dụng cho vương quốc của Ngài.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa Jesus yêu dấu, con vui mừng cảm tạ Ngài vì trong những lúc cuộc sống gặp đau buồn, khó khăn và bế tắc, con biết Ngài vẫn dõi theo cuộc đời con. Ngài đã giải cứu, đem lại cho con niềm vui, an ủi tâm linh con và đem đến cho con một cuộc sống tràn đầy hy vọng. Con cám ơn Ngài với lòng biết ơn cùng thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus Christ. Amen.
Nguyên Ngọc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét