Rô-ma | Lời Nài Khuyên

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÊ-saiLu-caRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Kính chúc quý anh chị em ngày mới an lành trong Chúa!

Thường vào cuối ngày, tôi hay nhận được những câu nói khẩn khoản của các con như “Mẹ ơi, ngày mai con phải thi môn Anh Văn mà giờ con chưa ôn từ vựng xong” hay “con chưa làm bài tập ngày mai”…  Mặc dù trước đó tôi vẫn thường nhắc các con rằng cần phải học bài, làm bài trước kẻo đến hạn sẽ không làm kịp. Nhưng tất cả những lời khuyên học ôn bài sớm điều không được tiếp thu. Chúng cho rằng mình có thể tự sắp xếp, tự lo liệu được. Bây giờ thì đã trễ. Đến giờ đi ngủ thì mới biết lượng bài cần học quá nhiều, không đủ thời gian để làm, để ôn tập. Lúc ấy, tôi ngồi xuống bên chúng và cùng giải quyết những bài tập đến nửa đêm, lúc thì cùng ôn tập từ vựng tiếng Anh từng từ một, có khi cùng chờ để chúng làm bài tập ngày đó được hoàn tất.

Đôi khi tôi nghĩ rằng Chúa cho chúng ta được làm cha mẹ để có thể hiểu rõ hơn tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Ngài biết nhu cầu của chúng ta và quan sát chúng ta, Chúa thấy chúng ta đã tự tạo ra những lầm lỗi, rồi chờ đợi chúng ta cầu xin sự giúp đỡ và dẫn dắt. Lần này đến lần khác chúng ta đã xây khỏi Ngài. Chúng ta nói rằng: “Tôi có thể kiểm soát vấn đề này, tôi không cần phải cầu nguyện về việc này, tôi có thể giải quyết nó”. Sau đó chúng ta đối diện với khủng hoảng và thốt lên: “Tất cả những gì tôi có thể làm bây giờ là cầu nguyện và cần sự cứu giúp của Chúa”.

Đến đây thì tôi được Chúa nhắc nhở, vị mục sư của chúng ta cũng cần sự cầu nguyện của chúng ta. Với khối lượng công việc thuộc linh ông phải làm, phải giải quyết đôi khi quá sức của một con người. Vì thế, các tôi tớ Chúa cần có những con người đồng công với mình trong sự cầu nguyện. Đây cũng là tâm tình của sứ đồ Phao-lô được bày tỏ trong Rô-ma 15:30-33 mà chúng ta cùng học hôm nay.

30 Vậy, hỡi anh em, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, và nhờ sự yêu thương sanh bởi Đức Thánh Linh, tôi khuyên anh em phải cùng tôi chiến đấu trong những lời cầu nguyện mà anh em vì tôi trình cùng Đức Chúa Trời,
31 hầu để tôi được thoát khỏi những người chẳng tin trong xứ Giu-đê, và của làm phước mà tôi đem qua thành Giê-ru-sa-lem sẽ được các thánh đồ vui lòng nhậm lấy.
32 Bấy giờ tôi có thể vui mừng đi đến anh em, và nếu vừa ý Đức Chúa Trời, cũng nếm mùi an nghỉ với anh em nữa.
33 Nguyền xin Đức Chúa Trời bình an ở với anh em hết thảy! A-men.

Giải thích

Đọc thư tín của Phao-lô chúng ta thấy những khó khăn của ông trong việc đi lại trong thời đó, và ông phải chịu bắt bớ vì Tin Lành của Đấng Christ. Mỗi ngày ông chịu khổ vì Đấng Christ. Ông khiêm nhường đến với người khác bằng lời cầu nguyện và làm cầu nối liên kết các Hội Thánh với nhau.

Phao-lô kêu gọi các Cơ Đốc nhân đồng công với ông trong cuộc chiến thuộc linh bằng cách cầu nguyện cho ông trước khi ông gặp khủng hoảng. Phao-lô dùng từ “cùng chiến đấu trong những lời cầu nguyện” trong câu 30 như hình ảnh một vận động viên cố hết sức mình trong cuộc tranh tài. Có lẽ từ “cùng nhau vật lộn” diễn đạt rõ hơn ý nghĩa này. Câu Kinh Thánh này không có nghĩa là chúng ta phải chiến đấu với Đức Chúa Trời để đạt được điều chúng ta cần nhưng hàm ý chúng ta nên thiết tha trong sự cầu nguyện như một vận động viên trong cuộc thi đấu của mình.

Trong bối cảnh này, sứ đồ Phao-lô chuẩn bị đi lên thành Giê-ru-sa-lem và đã được cảnh báo về những gì có thể xảy ra cho ông ở đó. Vì vậy ông kêu gọi những tín hữu ở Rô-ma trước hết cầu nguyện cho ông được thoát khỏi những sự bắt bớ của những người không tin, và kế đến, các tín hữu ở Giê-ru-sa-lem sẽ vui mừng nhận lấy số tiền giúp đỡ mà ông mang đến từ các Hội Thánh thuộc dân ngoại. Tiếp theo, ông cầu xin Chúa mở đường cho việc viếng thăm Rô-ma, để ông có thời gian vui mừng và vui hưởng phước hạnh với họ. Nói một cách khác, Phao-lô cầu xin sự bảo vệ của Chúa, sự dẫn dắt của Ngài trong từng hành trình và cần sự phục hồi sức lực. Đây cũng là điều mà mỗi Cơ Đốc nhân đều cần khi cầu nguyện với Chúa.

Ngày nay, con cái Chúa được khích lệ nhiều bởi đức tin của sứ đồ Phao-lô trong lời cầu nguyện khi chúng ta nhóm lại và cùng cầu nguyện với nhau như Hội Thánh đầu tiên đã làm. Bên cạnh đó, chúng ta học được một điều nữa nơi sự kêu gọi của ông về sự cầu nguyện cho người khác. Cầu thay là một vũ khí mạnh mẽ giúp những người tiền tuyến trong trận chiến thuộc linh có thể tránh được những sự tấn công của kẻ thù, là những thế lực mờ tối đang chống lại chương trình Phúc Âm hóa của Đức Chúa Trời cho thế giới này. Qua sự cầu thay cho người khác là chúng ta đang cùng họ chiến đấu nơi tiền tuyến.

Giờ này hãy nghĩ xem ai đang cần lời cầu thay của bạn? Mục sư của bạn, vị giáo sĩ ở xa, người trưởng nhóm, những người thân, những người hàng xóm chưa được cứu, người bạn cùng sở làm hay người bạn trong lớp học?… Đức Chúa Trời muốn sử dụng lời cầu nguyện của con dân Ngài để hoàn thành những việc lớn của Ngài.

Hôm nay bạn hãy ghi tên những người bạn cầu thay cùng với những nhu cầu của họ trong quyển sổ tay và hiệp với họ trong sự cầu nguyện.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, con xin trình lên Ngài tên của những người thân yêu của con. Xin Chúa hiện diện với họ một cách đặc biệt. Xin hãy bảo vệ, hướng dẫn và đưa họ về với Ngài trong vui mừng và bình an. Con cầu xin Chúa ở với những vị lãnh đạo thuộc linh của chúng con và cả những nhà lãnh đạo của đất nước chúng con. Con cũng cầu nguyện cho những giáo sĩ đang hầu việc trong hoàn cảnh khó khăn. Xin Ngài nhớ đến tên từng người một và ban phước cho họ. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa