Lu-ca | Cẩn Trọng Đời Sống
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Theo nhật báo Washington, số ra ngày 10.03.1987, một cảnh sát viên thuộc ty cảnh sát Baltimore, tiểu bang Maryland, bị một mũi kim đâm vào người khi cảnh sát viên này bắt giữ một người nghiện ma túy. Điều không may là mũi kim đó của người nghiện ma túy đã bị bệnh HIV. Nếu vi-rút HIV thâm nhập vào cơ thể của viên cảnh sát này thì hệ thống miễn dịch của cơ thể ông ta chắc chắn sẽ bị phá hủy. Đời sống tâm linh của một Cơ Đốc nhân cũng như vậy, nếu bị tà linh ô uế xâm nhập thì linh hồn cũng sẽ bị hủy diệt. Chúng ta cùng suy ngẫm phân đoạn Kinh Thánh hôm nay trong Lu-ca 4:33-37 để được khích lệ và nhắc nhở.
33 Vả, trong nhà hội có một người bị tà ma ám, cất tiếng kêu lớn lên rằng: Hỡi Jêsus Na-xa-rét!
34 Chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai: Là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời!
35 Song Đức Chúa Jêsus quở nặng nó, mà rằng: Hãy nín đi, và ra khỏi người nầy. Quỉ bèn vật ngã người giữa đám đông, rồi ra khỏi, không làm hại chi đến người.
36 Mọi người đều sững sờ, nói cùng nhau rằng: Ấy là đạo gì đó? Người lấy phép và quyền đuổi tà ma, và chúng nó liền ra!
37 Vậy, danh tiếng Ngài đồn khắp các nơi xung quanh.
Giải thích
Tiếp tục công việc giảng dạy trong nhà hội vào ngày Sa-bát tại thành Ca-bê-na-um, Chúa Jesus gặp thuận lợi bởi những tấm lòng mềm mại, cảm động về sự dạy dỗ của Ngài (Lu-ca 4:31, 32). Chính quyền phép trong lời giảng dạy đã khiến một người bị quỷ ám lên tiếng. Có một chi tiết: “… trong nhà hội có một người bị tà ma ám” khiến chúng ta ngạc nhiên. Tại sao người bị tà ma ám đến nhà hội? Có ai đó đưa anh ta đến, hay anh ta tự đến, và đến để làm gì? Kinh Thánh không cho chúng ta biết. Có những trường hợp khác được Chúa Jesus đuổi tà ma như người trong nghĩa trang (Mác 5:1-20); người được cha đem đến (Mác 9:17-27). Người bị tà ma ám là người ô uế, sao có thể đến trước sự hiện diện thánh khiết của Chúa Jesus?! Tà linh biết điều này đã van nài: “chúng tôi nào có xúc phạm gì đến Ngài chăng? Ngài đến để huỷ diệt chúng tôi sao?”. Chúng ta thấy các tà linh này đang mặc cả với Chúa Jesus về số phận của người chúng nó đang ám “chúng tôi không làm gì xâm lấn quá giới hạn, đụng đến Ngài, hãy để cho chúng tôi yên”. Những người ở trong tình trạng bị tà linh ô uế ám cũng thường tự biện hộ cho mình như thế khi được khuyên giải. Họ không ngừng phạm những tội lỗi làm ô uế thân thể (Ê-phê-sô 4:19). Nhưng tự chữa rằng: tôi không làm hại chi đến ai, nên đừng ai can thiệp gì đến đời sống cá nhân của tôi. Thân thể này là của tôi, tôi sử dụng như thế nào tùy ý tôi. Chúng ta không thể tự tạo nên tâm trí, hình hài vóc dáng của mình (Thi Thiên 139:13), nhưng khi đắm đuối trong con đường tội lỗi thì lại tự cho mình cái quyền sở hữu thân thể mình. Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết, không chấp nhận sự ô uế trong một người nào cả.
Sau khi những tà linh ô uế phân bua với Chúa Jesus rằng chúng không làm gì xúc phạm đến Ngài thì tiếp tục nài nỉ: “Ngài đến để diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai: Là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời!”. Điều này nghĩa là: “Hiện tại, hãy để chúng tôi được yên. Ô uế, bất khiết là điều Đức Chúa Trời không chấp nhận trong lời xưng nhận của tà linh. Những điều đó trong tương lai Đức Chúa Trời chắc sẽ tuyệt diệt, còn hiện tại, thế giới này đang ở dưới quyền cai trị của thế lực tối tăm, chưa đến lúc Ngài phải tận diệt, nên cho chúng tôi thêm chút thời gian.” Có những người theo trào lưu xăm vẽ, dù ít hay nhiều cũng đều không được, vì đó là một trong những thói tục của dân ngoại giáo mà Chúa cấm dân Y-sơ-ra-ên làm theo khi họ chiếm xứ Ca-na-an (Lê-vi Ký 19:28b). Trong những điều làm ô uế thân thể ghê gớm nhất phải nói đến đó là tội tà dâm và ngoại tình. Vậy mà vẫn còn rất nhiều Cơ Đốc nhân sống bất khiết trong lĩnh vực này với rất nhiều lý do tự biện minh. Sứ đồ Phao-lô từng khuyên tín hữu tại Cô-rinh-tô: “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em… Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20).
Tạ ơn Chúa Jesus vì Ngài từng làm người nên có thể thấu hiểu những khổ ải con người từng trải khi làm nô lệ cho những tà linh ô uế này. Chúa luôn hành động kịp thời để giải thoát cho người gặp nguy khốn. Chúa lệnh cho tà linh im lặng vì chưa phải là thời điểm để công bố sự hiện diện của Ngài, quan trọng hơn là phải ra khỏi người nó đang ám. Kinh Thánh cho biết dù không làm hại gì đến người này, nhưng trước khi ra khỏi người đó: “Quỷ liền vật người ấy ngã xuống giữa hội đường…” (BHĐ). Dù chịu khuất phục uy quyền của Chúa, tà linh cũng biểu dương sức mạnh của mình cho nhiều người thấy. Điều này đã tác động rõ ràng đến những người chứng kiến khiến họ: “rùng mình sợ hãi” và nói với nhau: “Việc nầy là nghĩa làm sao? Ngài dùng quyền năng ra lệnh cho tà ma, đuổi chúng ra khỏi người ta” (BPT). Phản ứng của dân chúng cho thấy họ sợ hãi, kinh ngạc. Dẫu họ vẫn đến nhà hội thờ phượng Đức Chúa Trời lại xa lạ với quyền năng của Đức Chúa Trời. Họ ngạc nhiên, cảm động về sự giảng dạy của Ngài, nhưng lại sợ hãi bởi quyền năng của Ngài trên tà linh. Đối với họ, sự kiện này chỉ như một hiện tượng lạ, mà không có sự xâu chuỗi lại để cảm nhận được Thần quyền trên Chúa Jesus.
Nguyện Chúa mở trí chúng ta để có thể nhận biết cách rõ ràng, không mơ hồ Đấng mình đang thờ phượng.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu, là Đấng hằng thương xót, đã cứu giúp con khỏi những cám dỗ làm ô uế đời sống con. Xin Chúa ban cho con thần trí khôn ngoan trong sự nhận biết Chúa. Xin Ngài gìn giữ con luôn luôn, nguyện Chúa dùng đời sống con làm vinh hiển danh Ngài tại nơi con đang sống và làm việc, con cám ơn Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Nguyên Ngọc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét