Lu-ca | Hình Thức Hay Nội Dung?

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÊ-saiLu-caRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Thân chào quý anh chị em thân mến trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!

Tại một nhà thờ nọ có buổi nhóm rất đông người tham dự, trước lúc bắt đầu, vị tiếp tân trong ban tổ chức lên thông báo tìm bé gái tên Mai đi lạc trong nhà thờ. Lúc đó, tất cả đèn trong nhà thờ đều được tắt để trình chiếu. Tên bé gái được thông báo nhiều lần nhưng vẫn không thấy phản hồi. Đến lúc buổi nhóm bắt đầu người ta mới tạm dừng thông báo. Khi vị diễn giả thuyết trình kết thúc chương trình, tất cả đèn trong nhà thờ lại được bật sáng. Lúc này các vị tiếp tân nhìn thấy một bé gái ngồi ngủ ngon lành trên một ghế ở hàng đầu. Họ đến đánh thức bé dậy và hỏi: “Cháu không nghe người ta gọi tên cháu à? Sao cháu không lên tiếng để mọi người biết cháu đang ngồi đây?” Bé Mai đáp: “Nhưng cháu có bị lạc đâu, cháu nghĩ mình đang ngồi đúng chỗ, cháu tưởng thông báo tìm một bạn Mai nào đó chứ không phải cháu.” Suy nghĩ của cô bé khiến chúng ta liên tưởng đến sự lầm lạc trong việc giữ những lễ nghi tôn giáo chỉ bằng hình thức mà không quan tâm hay sai lệch về nội dung, hôm nay chúng ta cùng suy ngẫm điều này trong phân đoạn Kinh Thánh Lu-ca 5:33-39.

33 Họ thưa Ngài rằng: Môn đồ của Giăng thường kiêng ăn cầu nguyện, cũng như môn đồ của người Pha-ri-si, chẳng như môn đồ của thầy ăn và uống.
34 Ngài đáp rằng: Trong khi chàng rể còn ở cùng bạn mừng cưới mình, các ngươi dễ bắt họ phải kiêng ăn được sao?
35 Song đến ngày nào chàng rể phải đem đi khỏi họ, thì trong những ngày ấy họ mới kiêng ăn vậy.
36 Ngài lại lấy thí dụ mà phán cùng họ rằng: Không ai xé một miếng áo mới mà vá áo cũ. Nếu vậy, áo mới phải rách, và miếng giẻ mới cũng không xứng với áo cũ.
37 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, nếu vậy, rượu mới làm nứt bầu ra; rượu chảy mất và bầu cũng phải hư đi.
38 Song rượu mới phải đổ vào bầu mới.
39 Lại cũng không ai uống rượu cũ lại đòi rượu mới; vì người nói rằng: Rượu cũ ngon hơn.

Giải thích

Những người Pha-ri-si đề cập đến vấn đề kiêng ăn với Chúa Jesus trong bối cảnh là họ thấy Chúa đang ngồi ăn tiệc trong nhà viên quan thuế tên là Lê-vi, tức là sứ đồ Ma-thi-ơ, sau khi viên quan thuế này trở thành môn đồ của Chúa. Ông Lê-vi mời Chúa và mọi người đến nhà để khoản đãi một bữa tiệc lớn (Lu-ca 5:27-29). Những người Pha-ri-si và các thầy dạy luật đã phàn nàn với các môn đồ Ngài rằng: “Tại sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và phường tội lỗi như thế?” (Lu-ca 5:30) và nhân sự kiện này họ muốn chỉ trích các môn đồ của Chúa Jesus về vấn đề kiêng ăn. Vậy kiêng ăn là gì? Tại sao phải kiêng ăn?

“Kiêng ăn vừa là dấu hiệu bên ngoài của việc tự hạ mình xuống, và ăn năn thống hối về tội lỗi mình, vừa là một kỷ luật bên trong khiến tâm trí được sáng suốt và giữ cho tâm linh được tỉnh thức. Kiêng ăn khiến thân thể không chứa đầy thức ăn; tương tự như vậy sự ăn năn thống hối khiến loại trừ tội lỗi khỏi đời sống.” Cựu Ước chỉ quy định kiêng ăn vào ngày Lễ Chuộc tội (Lê-vi Ký 16:29), nhưng người Pha-ri-si ấn định ngày thứ hai và thứ năm hằng tuần là những ngày kiêng ăn (Lu-ca 18:12). Những người Pha-ri-si so sánh sự kiêng ăn của môn đồ Giăng Báp-tít, của người Pha-ri-si với môn đồ của Chúa Jesus (câu 33), thực chất của những sự kiêng ăn này là gì?

– Các môn đệ của Giăng kiêng ăn (nhịn ăn) để tỏ lòng buồn rầu vì cớ tội lỗi và chuẩn bị cho sự giáng lâm của Đấng Mê-si-a. Mặt khác, xét cho cùng thì họ noi theo lối sống khổ hạnh của Giăng Báp-tít là “ở nơi đồng vắng” (Lu-ca 1:80b)

– Người Pha-ri-si kiêng ăn mỗi tuần hai lần để cho người khác thấy họ thánh thiện như thế nào.

– Còn các môn đồ của Chúa Jesus chẳng cần phải kiêng ăn vì Ngài là Đấng Mê-si-a và đang ở với họ! Ngài cho rằng nếu các môn đồ Ngài kiêng ăn cũng giống như những người bạn của chàng rể phải kiêng ăn tại tiệc cưới của chàng rể thay vì phải tham dự vào buổi tiệc mừng (câu 35). Chúa Giê-xu không lên án việc kiêng ăn – bản thân Ngài cũng từng kiêng ăn (Ma-thi-ơ 4:2) nhưng Ngài nhấn mạnh rằng phải kiêng ăn vì những lý do chính đáng.

Chúa Jesus giải thích rằng nếu người ta chỉ kiêng ăn để gây ấn tượng với người khác mà thôi thì họ đang bóp méo việc kiêng ăn. Việc kiêng ăn ngày nay cũng còn để thể hiện sự thành khẩn trong việc cầu nguyện cho một nan đề nào đó của cá nhân hoặc cộng đồng. Tuy nhiên, nó chỉ được thực hiện một cách cá nhân với Chúa. Đối với Cơ Đốc nhân ngày nay, việc kiêng ăn không còn là một nghi lễ phải giữ. Chúa Jesus đã ví dụ rằng không ai đem một miếng vải mới vá vào cái áo cũ, hay đem rượu mới đổ vào bầu da cũ. Và đang uống rượu cũ lại đòi rượu mới (câu 36, 37, 39). Cả hai hành động của ba sự việc đó điều không phù hợp với nhau. Ngài đang muốn nói đến ân điển và luật pháp, mọi cố gắng để hòa hợp hai điều đó chỉ đem lại điều tồi tệ hơn mà thôi. Hay nói cách khác, việc ngày nay chúng ta giữ những nghi lễ truyền thống của giáo hội là không sai, với điều kiện chúng ta cần có sự hiểu biết và giữ những lễ nghi đó trong sự yêu mến kính sợ, cảm tạ Chúa cách hết lòng và chân thật.

Có những Cơ Đốc nhân nghĩ rằng: Chúa nhật phải đến nhà thờ, nhưng ngồi trong nhà thờ mà tâm trí không tập trung vào sự thờ phượng. Họ không đến nhà thờ vì mục đích thờ phượng Chúa mà chỉ để người khác thấy mình có đến nhà thờ và “báo cáo” với Chúa rằng con không bỏ qua sự nhóm lại. Cũng có những người chỉ đến tham dự các lễ lớn như lễ Phục Sinh hay lễ Giáng Sinh. Chính xác là họ chỉ tham dự lễ hội tôn giáo mà không quan tâm đến trọng tâm của các lễ hội đó là gì. “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:24). Nguyện Chúa soi sáng để chúng ta đừng theo đường mòn cũ, giữ hình thức, tôn giáo của cha ông mình cách máy móc mà cần sự thay đổi nhận thức về Chúa trong lòng để có sự thờ phượng đẹp lòng Chúa.

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa yêu dấu, Ngài đã cứu con bằng ân điển qua sự chết chuộc tội của Ngài, xin cho con thờ phượng Chúa bằng tấm lòng biết ơn, giúp con hiểu biết Ngài cách cặn kẽ, để sự thờ phượng con dâng lên đẹp lòng Ngài. Con cảm tạ với lòng thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen!

Nguyên Ngọc

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa