Lu-ca | Nếu Chúa Muốn
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Bệnh tật là điều không bao giờ được miễn trừ trong cuộc đời mỗi chúng ta, một người dù có mạnh khỏe đến đâu, ít nhất cũng một đôi lần trải nghiệm sự đau đớn do bệnh tật đem đến. Tuy nhiên, thái độ và cách phản ứng của người bệnh đối với nó đóng góp một phần quan trọng đến sự lành bệnh. Tâm lý của một người bệnh thường sẽ mong mau chóng được lành khi gặp bác sĩ, nghĩa là bác sĩ phải đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân. Nhưng trong phân đoạn Kinh Thánh trong Lu-ca 5:12-14 chúng ta học hôm nay thì lại không theo thông lệ như thế, xin mời quý anh chị em cùng suy ngẫm với chủ đề NẾU CHÚA MUỐN.
12 Đức Chúa Jêsus đương ở trong thành kia, có một người mắc bịnh phung đầy mình, thấy Ngài thì sấp mặt xuống đất, mà nài xin rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi được sạch!
13 Đức Chúa Jêsus giơ tay rờ đến người ấy, mà phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi. Tức thì, bịnh phung liền hết.
14 Đức Chúa Jêsus cấm người đó học chuyện lại với ai; nhưng dặn rằng: Hãy đi tỏ mình cùng thầy tế lễ; và dâng của lễ về sự ngươi được sạch, theo như Môi-se dạy, để điều đó làm chứng cho họ.
Giải thích
Bệnh phung hay bệnh phong đối với chúng ta ngày nay không còn là căn bệnh nan y nữa vì đã được y học kiểm soát và có thuốc chữa trị. Nhưng trong thời Chúa Jesus, đây là căn bệnh kinh khủng. Dấu hiệu ban đầu chỉ là những mụt nhỏ, sau lở loét có mùi hôi tanh, rồi bệnh nhân bắt đầu bị rụng lông mày, mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói trở nên khàn đặc. Bệnh phung phát triển trong khoảng chín năm rồi đưa người bệnh vào tình trạng hôn mê, điên loạn và chết. Thời Cựu Ước, luật Môi-se có quy định rõ ràng cho người bị phung trong Lê-vi Ký 13:1-46. Phải sống một mình ngoài trại quân, luôn công khai tình trạng bệnh bằng cách la lên rằng “ô uế, ô uế” (Lê-vi Ký 13:45-46).
Không rõ tại sao người bị phung trong phân đoạn Kinh Thánh này gặp được Chúa Jesus khi Ngài “đương ở trong thành kia…” Có thể người này đã nghe tin Chúa chữa lành cho nhiều người trước đó nên anh ta bằng mọi cách tiếp cận Chúa khi Ngài đến gần thành đó vì nhu cầu của anh ta là cần được chữa lành. Anh ta nhìn nhận thực trạng của mình và mong muốn được chữa khỏi. Kinh Thánh mô tả tình trạng bệnh của người này thật trầm trọng: “phung đầy mình”. Đối với bản thân, anh ta kể như bất lực, tuyệt vọng, không thể cứu chữa được nữa. Đau đớn vì căn bệnh hành hạ thể xác, đau buồn tinh thần vì bị xã hội ruồng bỏ. Nhưng một điều chắc chắn là anh ta biết Chúa Jesus, nên khi “thấy Ngài thì sấp mặt xuống đất, mà nài xin”. Hành động sấp mặt xuống biểu lộ sự thành khẩn trong sự nài xin, nhưng lạ một điều là anh ta xin được chữa lành theo ý muốn Chúa Jesus: “Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi được sạch!” (câu 12b), chứ không phải một lời nài xin được chữa lành theo cách bình thường. Nếu Chúa nói: “ta không khứng”, nghĩa là Chúa chưa cần phải chữa cho anh ta lúc này thì anh ta sẽ phản ứng thế nào? Anh ta có còn thành khẩn hay biểu lộ của sự thất vọng hay oán trách Chúa? Ngài không tốt lành như lời người ta đồn… Sự thành khẩn của người phung này trọn vẹn trong sự hiểu biết Chúa nên cuộc đời anh ta tùy thuộc vào sự thương xót của Chúa. Chỉ khi có tấm lòng như vậy anh ta mới dạn dĩ nài xin theo ý muốn Chúa.
Không rõ người phung này sống trong cảnh đau khổ vì tật bệnh này trong bao lâu, nhưng chắc chắn Chúa biết và muốn anh ta trải nghiệm sự chữa lành, nên Ngài đáp ứng bằng lời khẳng định: “Ta khứng, hãy sạch đi”, kèm theo hành động: “giơ tay rờ đến người ấy”. Đối với người Do Thái, bệnh phung là ô uế nên người ta sẽ xa lánh và còn nhiều biểu hiện kỳ thị người ấy nữa. Nhưng Chúa đã chạm đến người ấy, Ngài muốn xóa đi mặc cảm tật bệnh trong anh, đem lại cho anh sự yên ủi, cảm thông và yêu thương. Người bị bệnh phung lập tức được lành. Cái chạm làm thay đổi cuộc đời, một trải nghiệm thật tuyệt vời mà mỗi chúng ta đều ao ước không chỉ đối với bệnh tật thuộc thể, mà tâm linh cũng cần những cái chạm như thế. Đối với con người ngày nay, tội lỗi là thứ bệnh phung gây chết người, chết cả tâm linh. Chúng ta cần nhận định được thực trạng tâm linh của mình mới mong được Chúa đụng chạm để đem chúng ta ra khỏi sự tuyệt vọng khi sống trong sự khống chế của tội lỗi.
Sau khi được chữa lành, điều trước nhất Chúa muốn người phung này làm là đừng nói việc này với ai mà hãy đến gặp thầy tế lễ để được xác nhận lành bệnh theo luật pháp và dâng tế lễ. Làm điều này vừa để nhắc nhở anh ta sống cuộc sống mới trong sự tuân thủ luật pháp; vừa để các thầy tế lễ qua việc xác nhận sẽ nhận biết rằng nếu một người được chữa lành bệnh phung thì đây là phép lạ, chỉ có Đức Chúa Trời mới chữa lành được, hầu qua đó họ nhận biết Ngài là Đấng Mê-si-a đến từ Đức Chúa Trời. Phép lạ Chúa làm cho người phung không chỉ liên quan một mình anh ta, mà còn là sự nhắc nhở đối với các thầy tế lễ nhận biết chính Đức Chúa Trời và Đấng mà Ngài đã sai đến.
Mặc dù Chúa bảo anh ta đừng nói việc này với ai ngoài thầy tế lễ nhưng sau đó vì vui mừng quá nên anh đã rao ra sự chữa lành mà mình đã nhận được. Bởi thế nên danh tiếng Chúa được đồn ra khi thời điểm của Ngài chưa đến, điều này gây cản trở cho công việc Chúa (Lu-ca 5:15-16). Chúa chữa lành cho anh là một việc lớn, từ đó mà anh đã phó thác cuộc đời mình cho Chúa nhưng lại thất bại trong việc nhỏ là không hoàn toàn làm theo điều Chúa phán dạy. Đây cũng là sự sai sót mà chúng ta thường hay vấp phải. Đôi lúc sự nhiệt tình, tích cực trong công việc Chúa khiến chúng ta muốn mau chóng thực hiện, nhưng hãy suy xét cẩn thận và chờ đợi thời điểm Chúa muốn chúng ta làm thì kết quả được trọn vẹn và tốt lành hơn, hầu quy vinh hiển danh Chúa.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa Jesus yêu dấu, cảm tạ Chúa vì từng sự kiện lớn nhỏ trong cuộc đời con theo ý muốn Chúa đều tốt lành và tinh tế đến từng chi tiết. Nguyện Chúa ban cho con sự đầu phục trọn vẹn để sống theo ý muốn Chúa. Con cám ơn Chúa, cùng thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Nguyên Ngọc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét