Sáng Thế Ký | Dòng Dõi Hung Ác

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÊ-saiLu-caRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Xin chào quý anh chị em yêu dấu! Có người đã hỏi một tín hữu Cơ Đốc rằng: Tại sao người ta nói có Đức Chúa Trời mà thế giới này lại rối loạn, vô trật tự, vô luân đến như thế? Người tín hữu đáp: Đã bao giờ anh nhìn thấy một tấm thảm của Ba Tư chưa? Khi nhìn tấm thảm ở mặt trái, ta thấy những sợi chỉ rối nùi. Nhưng khi lật tấm thảm lại, ta thấy một bức tranh tuyệt đẹp. Như vậy ta khám phá ra rằng sự vô trật tự của mặt dưới tấm thảm lại là một trật tự và đẹp đẽ của mặt trên tấm thảm. Trong trần gian bây giờ, chúng ta chỉ nhìn thấy mặt dưới của tấm thảm. Tất cả những sự kiện dường như có vẻ rối rắm, vô nghĩa nhưng trong cõi đời đời, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng mặt trên của tấm thảm. Minh họa này sẽ giúp chúng ta giải tỏa được băn khoăn về những sự kiện xảy ra trong phân đoạn Kinh Thánh Sáng Thế Ký 19:36-38.

36 Vậy, hai con gái của Lót do nơi cha mình mà thọ thai.
37 Nàng lớn sanh được một con trai, đặt tên là Mô-áp; ấy là tổ phụ của dân Mô-áp đến bây giờ.
38 Người em cũng sanh đặng một con trai, đặt tên là Bên-Am-mi; ấy là tổ phụ của dân Am-môn đến bây giờ.

Giải thích

Khi thấy diêm sinh và lửa từ trời giáng xuống thiêu hủy thành Sô-đôm, Gô-mô-rơ, khói và muối bay mịt mù, Lót ở thành Xoa cùng hai con gái vẫn sợ hãi mặc dù Thiên sứ đã xác nhận sẽ không hủy diệt thành Xoa (câu 21). Bản tính hay sợ và hoài nghi đã thôi thúc ông chạy lên núi, ở trong một hang đá kia (câu 30). Tại đây, hai người con gái có lẽ vì ảnh hưởng nếp sống đồi truỵ của người tội lỗi thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ mà nảy sinh những tư tưởng loạn luân. Góp phần vào ảnh hưởng này còn kể đến vợ của Lót với lối sống theo tinh thần yêu thế gian. Hai nàng nghĩ rằng sự hủy diệt mọi vật đã làm tàn lụi thành phố, cả đến tương lai và dòng dõi của họ cũng không còn. Hai người chồng đã chết trong biến cố, người mẹ trở thành một trụ muối bất động, chỉ còn người cha và mình là hai quả phụ. Làm sao duy trì nòi giống đây? Hai nàng bàn với nhau, chỉ có kế chuốc rượu cho cha và ăn nằm với ông mới có thể lưu lại nòi giống được (câu 32). Trong hai đêm, hai nàng thi nhau thực hiện kế hoạch. Không ai biết được, tại sao là cha mà ông Lót lại để cho hai con mình chuốc rượu cho say dễ như vậy? Phải chăng do mất hết tài sản, mất vợ, may mắn thoát chết với hai bàn tay trắng khiến ông bị khủng hoảng tinh thần nên chỉ có rượu mới làm ông tạm quên nỗi cùng cực hiện tại? Tuy nhiên phải biết rằng sự suy đồi đạo đức đã đưa đẩy người trước kia là công bình (II Phi-e-rơ 2:7) trở thành người cách xa ân sủng Chúa. Mặc dù Kinh Thánh ghi rằng ông không hay biết gì về việc hai con gái mình làm (câu 33b, 35b), bởi lúc đó ông đang trở nên vô tri, vô giác vì say rượu. Nhưng điều đó không gạt bỏ được trách nhiệm của ông về phương diện đạo đức.

Từ sợ hãi dẫn đến nghi ngờ, từ say sưa không tự chủ dẫn đến phạm tội. Đó là bài học đau buồn của một người được kể là công bình. Cuộc sống chúng ta, rồi cũng sẽ có lúc rơi vào những khủng hoảng tương tự như Lót, nguyện Chúa gìn giữ mỗi người vững vàng, không bị vấp ngã để dẫn đến hậu quả tồi tệ như Lót.

Kết quả do sự loạn luân của hai người con gái Lót đã sinh ra hai con trai tên Mô-áp và Bên-Am-mi. Tên Mô-áp có nghĩa là “từ cha mà ra”, Mô-áp là tổ phụ của dân Mô-áp, Dân Số Ký 21:29 còn gọi họ là dân Kê-móc vì họ thờ nam thần Kê-móc. Dân này được mô tả là kiêu ngạo và xấc xược (Ê-sai 16:6), hay thờ hình tượng và mê tín dị đoan (I Các Vua 11:7). Nhưng họ lại khiếp sợ dân Y-sơ-ra-ên nên đã thuê Ba-la-am đến rủa sả dân Y-sơ-ra-ên (Dân Số Ký 22:3, 6). Sau đó còn bày mưu cho dân Y-sơ-ra-ên phạm tội thờ hình tượng và tà dâm (Dân Số Ký 25:1-3). Vì vậy dân Mô-áp bị Chúa lên án, dù đến mười đời họ cũng không được gia nhập vào hội của người Y-sơ-ra-ên (Phục Truyền 23:3). Tuy nhiên, khi vào đất hứa Ca-na-an, dân sự làm điều ác trước mặt Đức-Giê-hô-va, Chúa đã phó họ vào tay dân Mô-áp. Lịch sử đã cho thấy người Y-sơ-ra-ên luôn khống chế dân Mô-áp, vua Đa-vít bắt họ phải phục dịch (II Sa-mu-ên 8:2). Tuy nhiên người Mô-áp cũng thường mưu phản, hay xâm phạm bờ cõi Y-sơ-ra-ên (II Các Vua 1:1)…

Đứa con thứ hai của Lót do người em sinh ra được đặt tên là Bên-am-mi, có nghĩa là “con trai của người nhà tôi”, hàm ý nói về mối quan hệ huyết thống giữa Lót và con gái ông. Từ đứa con này về sau trở thành dân Am-môn. Theo A-mốt 1:13; I Sa-mu-ên 11:2; Sô-phô-ni 2:10 và II Sử Ký 20:25 họ là dân tộc hung ác, quỉ quyệt, tham lam, kiêu ngạo, rất giàu có nhưng cũng rất mê tín dị đoan. Họ thường hiệp với dân Mô-áp và những dân khác đối phó với dân Y-sơ-ra-ên nhiều lần. Cùng số phận với dân Mô-áp họ cũng không được gia nhập vào hội của người Y-sơ-ra-ên.

Hai dân tộc này như một chiếc dằm xóc cho người Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên họ được kể là con cháu Lót, vốn là người công bình nên Đức Chúa Trời không cho dân Y-sơ-ra-ên huỷ diệt hai dân này (II Sử Ký 20:10). Nhưng trái lại, có lúc Ngài lại dùng họ để dạy dỗ dân sự của Ngài. Có bao giờ anh chị em cảm thấy bất bình về điều này không? Thật sự, chúng ta nên cám ơn Chúa hơn là bất bình, vì yêu thương con dân Ngài, nên Đức Chúa Trời đã dùng nhiều người, với nhiều cách khác nhau để dạy dỗ chúng ta.

Cầu nguyện

Cảm tạ ơn Chúa vì đã cứu con, cho con được làm con trong đại gia đình của Ngài trên đất. Xin Ngài gìn giữ đức tin của con trong những lúc sóng gió của cuộc đời ập đến, xin giúp con vững tin vào sự tể trị của Ngài. Con cảm ơn Ngài. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.

Nguyên Ngọc

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa