23 Trong ngày đó, có người Sa-đu-sê, là kẻ nói rằng không có sự sống lại, đến gần Ngài mà hỏi rằng: 24 Thưa thầy, Môi-se có nói: Nếu người nào chết mà không có con, thì em sẽ lấy vợ góa anh để nối dòng cho anh. 25 Vả, trong chúng tôi có bảy anh em. Người anh lấy vợ và chết đi, nhưng vì chưa có con nên để vợ lại cho em. 26 Người thứ hai, thứ ba, cho đến thứ bảy cũng vậy. 27 Rốt lại,người đàn bà cũng chết. 28 Vậy, lúc sống lại, đàn bà đó sẽ làm vợ ai trong bảy người? Vì cả thảy đều đã lấy người làm vợ. 29 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi lầm, vì không hiểu Kinh thánh, và cũng không hiểu quyền phép Đức Chúa Trời thể nào. 30 Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy. 31 Các ngươi há không đọc lời Đức Chúa Trời phán về sự sống lại của kẻ chết rằng: 32 Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, hay sao? Đức Chúa Trời không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống. 33 Chúng nghe lời ấy, thì lấy làm lạ về sự dạy dỗ của Ngài.
Lời ngỏ
Niềm tin của Cơ Đốc nhân vào sự sống lại chính là điểm khác biệt có một không hai của Cơ Đốc giáo so với các tín ngưỡng khác. Tất cả các tôn giáo khác đều được sáng lập bởi những con người hay những nhà tiên tri và họ đều đã kết thúc cuộc đời bằng cái chết. Còn Đấng sáng lập niềm tin Cơ Đốc là Chúa Giê-xu, Ngài đã vượt qua cái chết, đã sống lại và Ngài hứa rằng hễ ai tin theo Ngài cũng sẽ kinh nghiệm điều đó. Vì vậy, sự sống lại của Chúa Giê-xu là bằng chứng cho sự sống lại của chúng ta, đây là một trong những điều căn bản nhất trong đức tin và sự trông cậy của Cơ Đốc nhân. Thế nhưng, có rất nhiều người tin Chúa còn mơ hồ về chân lý này. Bài học hôm nay sẽ giúp cho những ai còn lơ mơ về sự sống lại của mình sau cái chết thì có sự xác quyết niềm tin nơi Chúa cách chắc chắn và vững vàng hơn.
Đoạn Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta thấy, cũng có những người thắc mắc về sự sống lại sau cái chết thể xác, đó là những người Sa-đu-sê. Họ là tầng lớp quý tộc giàu có, ủng hộ chính quyền La mã và quan tâm đến chính trị hơn là về tôn giáo, cho nên dù thành viên của phái này ít nhưng họ được chính quyền La mã tin dùng đưa lên lãnh đạo, giữ chức tế lễ và điều hành trong nhà hội Do Thái giáo. Còn người Pha-ri-si thì chống lại sự cai trị của La mã, thành viên của phe Pha-ri-si nhiều hơn và được dân sự ủng hộ hơn. Tuy cả hai phái này đều giữ luật nghiêm ngặt nhưng người Pha-ri-si ngoài luật pháp của Môi-se còn tin vào những luật truyền khẩu. Còn người Sa-đu-sê chỉ tin vào bộ luật Môi-se để lại trong Ngũ Kinh (từ Sáng thế ký đến Phục truyền luật lệ ký). Bởi vì người Sa-đu-sê quan tâm về chính trị hơn là tôn giáo nên họ không quan tâm đến Chúa Giê-xu cho đến khi họ cảm thấy lo lắng về việc Ngài có thể lật đổ sự cai trị của đế quốc La Mã thì có nghĩa quyền lực của họ cũng mất. Cho nên dù luôn đối lập với người Pha-ri-si, nhưng cả hai nhóm người này đều chống lại Chúa Giê-xu và cả hai phái này đều thống nhất, hiệp lực đẩy Đấng Christ vào sự chết vì Ngài đã vạch trần những sự sai trật trong niềm tin và trong nếp sống của họ.
Sau những câu hỏi gài bẫy Chúa Giê-xu của người Pha-ri-si không thành thì người Sa-đu-sê tiếp tục tấn công Ngài qua câu hỏi về sự sống lại. Người Sa-đu-sê bác bỏ niềm tin vào sự sống lại và bất cứ điều gì liên quan đến đời sau, họ cho rằng khi chết thì linh hồn cũng chết đi, và vì vậy họ cũng bác bỏ bất cứ hình phạt hay phần thưởng mà một người sẽ nhận được sau khi chết đi. Từ đó họ không tin vào sự tồn tại của thế giới thuộc linh, ví dụ như thiên sứ và ma quỷ. Câu hỏi của người Sa-đu-sê nêu ra không liên quan đến chính trị hoặc đạo đức nhưng liên hệ đến việc giải thích Kinh Thánh. Theo Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:5-10 thì, khi một người anh bị chết mà chưa có con, những người em trai có bổn phận phải lấy chị dâu để nối dõi cho anh. Nhóm người Sa-đu-sê đã đặt ra một câu chuyện hoàn toàn giả định và không thể nào có trong thực tế để đưa Chúa Giê-xu vào ngõ bí. Vì theo họ nếu có sự sống lại trên thiên đàng thì sinh hoạt vợ chồng của người phụ nữ này với bảy anh em kia sẽ như thế nào. Họ nghĩ rằng Chúa Giê-xu sẽ không trả lời được và như vậy là họ có thể chứng minh rằng sự sống lại là việc không thể có. Chúa Giê-xu trả lời câu hỏi của họ với hai ý như sau:
1. Họ có quan niệm sai lầm về sự sống lại
Dù Chúa biết họ có ác ý khi đưa vấn đề này nhưng Chúa vẫn là Đấng nhân từ và Ngài vẫn chân thành giải bày lẽ thật cho họ hiểu. Chúa khẳng định rằng họ đã hiểu sai và Ngài cũng nói rõ là tại sao họ sai lầm, “vì không hiểu Kinh thánh, và cũng không hiểu quyền phép Đức Chúa Trời thể nào” Những người này tự tạo ra cho mình các ý niệm về thiên đàng và cõi vĩnh hằng cũng như về Đức Chúa Trời theo lối suy nghĩ của loài người. Thay vì chú trọng vào những điều không thể giải đáp bằng sự hiểu biết hạn hẹp của con người thì họ cần tập trung vào mối liên hệ giữa họ với chính Đức Chúa Trời, họ cần học biết về quyền năng của Ngài hơn là cố gắng lý giải những điều vượt quá khả năng của mình. Tại đây Chúa giải đáp thẳng thắng và rất đơn giản về chân lý này rằng lúc sống lại người nam và người nữ “không cưới vợ cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy“. Trên thiên đàng sẽ không có mối liên hệ vợ chồng và chúng ta sẽ giống như những thiên sứ, sẽ không còn quan hệ qua kết ước hôn nhân như ở trên đất nữa.
2. Chúa khẳng định giáo lý về sự sống lại
Đối với người Sa-đu-sê họ chỉ tin vào năm sách Ngũ kinh của Môi-se nên Chúa đã trưng dẫn đoạn Kinh Thánh liên quan tới sự sống sau khi chết, hay liên quan đến lời Đức Chúa Trời phán với Môi-se nơi bụi gai cháy ở Xuất Ê-díp-tô ký 3:6 “Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, hay sao?” nghĩa là “TA LÀ Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu” Lúc ấy tổ phụ của Môi-se đều đã chết, nhưng Đức Chúa Trời vẫn gọi Ngài là Đức Chúa Trời của họ, chứng tỏ họ vẫn còn sống và vẫn tương giao với Ngài trong một thế giới khác. Điều này cho thấy đời sống sau khi chết là chuyện có thật. Từ đó Ngài kết luận “Đức Chúa Trời không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống” Chúa Giê-xu dùng thì hiện tại để chỉ sự sống lại và sự sống vĩnh hằng mà tất cả mọi người tin Chúa Giê-xu đều sẽ được hưởng trong Ngài. Lúc ấy, họ đều kinh ngạc về điều mà Chúa vừa dạy dỗ.
Bạn thân mến, cuộc sống sung túc, đầy đủ, dư dật khiến người ta không màng gì đến nhu cầu thuộc linh và sự sống đời sau. Người Sa-đu-sê là minh chứng cho điều này. Và đây cũng là hiện trạng của con người ngày nay. Điều đó khiến người ta xa rời chân lý cứu rỗi, và càng vô tín trước năng quyền của Đức Chúa Trời. Còn đối với chúng ta, sự sống lại là một lẽ thật quý giá và là niềm trông cậy, mong chờ cho đến ngày được Chúa rước về Nước thiên đàng vinh hiển.
Câu hỏi được dành cho bạn ngày hôm nay là bạn có lòng tin chắc về sự sống lại sau cái chết hay không? Nếu có, bạn có trông chờ cho đến ngày đó không?
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-xu, cảm ơn Ngài là Đấng sống lại và là Đấng ban sự sống cho chúng con. Trong lòng con còn có nhiều nỗi nghi ngờ và không tin chắc về chân lý của Ngài, xin Chúa thêm cho con đức tin và sự trông cậy vào sự sống của Ngài hầu con có được niềm khao khá nơi ở trên trời khi con được sự sống mới với Chúa trong ngày Chúa Giê-xu quang lâm. Nhân Danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Thy Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất. Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Khi nghĩ đến bụi đất chúng ta thường liên tưởng đến cái gì đó thật tầm thường, không có gì đáng nói cả. Có lẽ bạn không cần phải đi đâu cho xa, bạn có thể bước ra đến chỗ cánh cửa sau nhà là sẽ thấy ngay bụi đất, hay chỉ cần bạn ngó trên bề mặt của chiếc radio hoặc nhìn lên mặt bàn trong phòng khách thì bạn đã thấy được bụi. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa tạo dựng con người từ bụi đất. Bụi đất được phân tích ra gồm 96 nguyên tố và con người cũng chứa 96 nguyên tố y như thế. Đây là một bằng cớ kỳ diệu về sự sáng tạo. Bụi đất tiêu biểu cho sự yếu ớt mong manh. Nhưng đồng thời, nó còn đại diện cho một tiềm lực phi thường. Hôm nay, chúng ta cùng suy ngẫm về chủ đề BỤI ĐẤT VÀ SỐ PHẬN dựa trên Lời Thi Thiên 103:13-18 . 13 Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài, khác nào cha thương xót con cái mình vậy. 14 Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất. 15 Đời loài người như cây cỏ; Người sanh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng; 16 Gió thổi trê...
Đức tin là món quà của Đức Chúa Trời ban cho con người. Qua đức tin con người mới tiếp nhận được ân sủng của Đức Chúa Trời. Có thể nói đức tin là yếu tố đầu tiên cần có trong mỗi con người để qua đó tình yêu của Đức Chúa Trời mới có thể tuôn đổ trên chúng ta. Kinh Thánh nhiều lần đề cập về đức tin và tầm quan trọng của đức tin. Theo Hê-bơ-rơ 11:1 thì: “Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều đang hy vọng, là bằng chứng của những điều chưa thấy.” Có người đã giải thích câu này để dễ hiểu hơn: “Đức tin là sự bảo đảm chắc chắn điều chúng ta đang hy vọng, là lòng tin quyết tính chất thực hữu của những điều chúng ta không thấy.” Tức là niềm tin vào Đức Chúa Trời có một và thật nhưng có thể vẫn chưa thực sự thấy Ngài bằng con mắt thuộc thể này. Trong thực tế, đức tin quan trọng đến nỗi nếu không có nó, chúng ta không có vị trí nào với Đức Chúa Trời. Đức tin là thứ mà chúng ta không thể mua, bán hay tặng cho người khác được. Người ta phân ra ba mức độ của đức tin. Thứ nhất, “đức tin...
Hôm nay cho dù bạn gặp hoàn cảnh khó khăn đến đâu chăng nữa, có nhiều tin tức làm cho bạn chán nản thất vọng thế nào đi nữa thì bạn vẫn có thể tin vào điều này: Đức Chúa Trời vẫn đang sống và vận hành. Như Lời Chúa đã chép: “Ngài dùng gió làm sứ Ngài, Ngọn lửa làm tôi tớ Ngài.” (Thi Thiên 104:4). Chúng ta có ngọn lửa của Đức Chúa Trời đang hành động – ấy là thiên sứ Ngài đang hoàn tất thánh ý Ngài. Thời gian gần đây, có bao giờ bạn nghĩ về các thiên sứ không? Thường thì chúng ta không nghĩ đến họ bởi vì chúng ta không nhìn thấy họ, thậm chí người ta ít quan tâm tới điều này và cho rằng các thiên sứ chỉ còn xuất hiện ở những câu chuyện trong mơ. Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh giá thấp chức vụ của các thiên sứ, đặc biệt là các thiên sứ bảo vệ. Lời Đức Chúa Trời dạy chúng ta rằng họ chính là những sứ giả đặc biệt của Ngài. Xin mời quý vị và các bạn cùng tôi đọc Thi Thiên 104:1-4 và khám phá những công việc diệu kỳ mà NHỮNG ĐẦY TỚ BÍ MẬT CỦA CHÚA đang làm. 1 Hỡi linh hồn ta, khá...
Nhận xét
Đăng nhận xét