Ma-thi-ơ | Dấu Hiệu Ngày Tận Thế (7) - Hoạn Nạn Lớn
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 24:15-22
15 Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm ghiếc tàn nát lập ra trong nơi thánh, mà đấng tiên tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải để ý),
16 thì ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi;
17 ai ở trên mái nhà, đừng xuống chuyên của cải trong nhà;
18 và ai ở ngoài ruộng, đừng trở về lấy áo mình.
19 Đang lúc đó, khốn khó thay cho đàn bà có mang, và đàn bà cho con bú!
20 Hãy cầu nguyện cho các ngươi khỏi trốn tránh nhằm lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát;
21 vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa.
22 Nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt.
Lời ngỏ
Có nhà tư tưởng cho rằng: “Cuộc đời con người chính là một biển đầy sự đau khổ”. Nhưng có nhiều người trải nghiệm cuộc sống đã thốt lên rằng: “Nếu con người lấy sức riêng mình mà bơi qua biển khổ, thì bơi chưa hết bể thì đời mình đã hết”. Cho nên, hoạn nạn trên đời chỉ là sự hoạn nạn, nhưng sự chết của con người mới chính là sự hoạn nạn lớn, gọi là đại nạn.
Thế nhưng, hoạn nạn nhỏ hay lớn nếu chúng ta đặt lòng tin cậy nơi Chúa Giê-xu thì sẽ vượt qua những hoạn nạn nhỏ và tránh được hoạn nạn lớn. Đó là sự kêu gọi của Chúa và cũng là lời hứa của Ngài. Chúng ta hãy để lòng mà nghe lời tiên tri của Ngài.
Phân đoạn Kinh thánh này có đề cập đến điều mà tiên tri Đa-ni-ên đã báo trước trong Đan. 12:11 về điều gọi là sự “gớm ghiếc tàn nát lập ra trong nơi thánh”. Đó là điều đã ứng nghiệm một phần trong thời đại của đế quốc Hy-lạp vào năm 170 T.C. Khi ấy vị vua An-ti-ô-chus E-pi-phan đang cai quản xứ Sy-ri, dự định tấn công Ai-cập để thu tóm hết đế quốc Hy-lạp sau khi A-lịch-sơn Đại đế chết. Nhưng bị vị tướng Hy-lạp quản cai xứ Bắc Phi ngăn trở. Vì thế, ông này kéo đại binh về ngang Giê-ru-sa-lem và đã đổ cơn thịnh nộ xuống xứ này. Ông đã quyết định tiêu trừ Do thái giáo để xây dựng đền thờ thần Zeus của Hy-lạp và thờ chính mình ông. Ông đã chiếm thành Giê-ru-sa-lem và làm ô uế đền thờ của người Do thái bằng cách dâng con heo làm sinh tế trên bàn thờ, và lấy các phòng của các thầy tế lễ làm nhà chứa đĩ điếm cho các quan quân. Đó là biến cố gây nên sự gớm ghiếc lan vào nơi thánh.
Một lần nữa, những điều cảnh báo này cũng đã ứng nghiệm một phần sau khi Chúa Giê-xu báo trước về sự tàn phá thành thánh và đền thờ. Trong sử liệu của sử gia Giô-se-phus vào năm 70 T.C. Thái tử Titus của đế quốc Rô-ma nhân cớ dấy loạn của một số thành phần từ trong dân Do thái, ông đã kéo đại binh đến vây thành. Sự bao vây thành Giê-ru-sa-lem lần này kéo dài thời gian vì thành xây dựng trên một ngọn đồi cao, được sự bảo vệ trung thành của dân quân cuồng tín đã khiến cho vô số người trong thành chết đói rất tang thương. Chúa Giê-xu từng cảnh báo với họ nếu ai ở trong xứ Giu-đê thì nên trốn và ở ẩn trên các núi non xung quanh chớ đừng tập trung về thành để tránh sự tàn sát, nhưng họ lại quên hay không chịu nghe mà ùn ùn kéo về thành phố kín cổng, cao tường. Trong Lu-ca đoạn 21 Ngài còn nói rõ nếu ai đang ở trong thành mà thấy quân lính Rô-ma chuẩn bị vây thành thì hãy tìm cách ra ngoài thành càng sớm càng tốt, nếu ai vốn là dân trong thành nhưng đang làm nông ngoài ruộng hay buôn bán ngoài thành thì đừng vội về thành, mà tìm cách chạy thoát khỏi thành. Thực tế cho biết, sự vây thành đã xảy ra như lời dự báo. Mỗi ngày thành càng bị khép kín, việc nội bất xuất ngoại bất nhập đã trở nên nghiêm trọng hơn, và lương thực dự trữ cạn dần mà không được tiếp tế đã khiến nạn đói tăng gấp trăm lần hơn dự báo. Người chết vì đói từ nhà này đến nhà khác, từ phòng này đến phòng khác, từ khắp các phố chợ đến mọi ngõ ngách. Số xác người chết quá nhiều không ai còn sức để chôn cất khiến cho tiếng khóc than ban đầu còn vang ra, nhưng sau thì không ai còn sức để mà khóc nữa. Sự đau buồn và yên lặng bao trùm cả thành trong nhiều ngày. Thậm chí có người đã phải ăn thịt những đứa con của mình để cố duy trì sự sống. Khi cổng thành Giê-ru-sa-lem bị đổ, thành bị thất thủ, quân La-mã lấn vào để cướp thành và giết những kẻ chống đối và quân lính còn sót lại. Họ không muốn giết dân nữa vì thấy dân chúng chết đầy khắp nơi, tay họ quá kinh khủng mà không ai đụng đến vật dụng trong dân chúng. Số người chết khoảng 1 triệu 1 trăm ngàn người, và bị bắt làm phu tù khoảng gần 1 triệu người.
Tuy nhiên, những lời tiên tri cảnh báo của Chúa Giê-xu chưa được hoàn tất trong biến cố sụp đổ thành Giê-ru-sa-lem năm 70 S.C. Vì còn có một tai hoạ rất lớn chưa từng xảy ra trong quá khứ và tương lai cũng không thể có như thế trên phạm vi toàn cầu. Vì Đức Chúa Giê-xu chưa lấy đại quyền, đại vinh ngự trên mây trời mà xuống. Cho nên, lời cảnh báo này còn được xem là cảnh báo về ngày Chúa Giê-xu trở lại, cũng là ngày tận cùng cho thế giới (Mat 24:3). Đó là việc chưa từng xảy ra trong quá khứ; cho nên khi điều này xảy ra thì vô cùng kinh khiếp chưa từng có trong lịch sử. Và đó mới ứng nghiệm lời phán “vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa.”
Nhưng Chúa còn có lời hứa sẽ giảm bớt tai nạn. Bởi vì sự thương xót của Chúa dành cho những người được chọn và những người được sự cứu rỗi. Con cái Chúa sẽ không phải chịu ảnh hưởng quá nặng của cơn hoạn nạn đó mà trở nên không còn hy vọng sống. Đây là cơ hội tốt dành cho những người còn chút lòng biết ăn năn và hạ mình trước mặt Chúa.
Chúng ta ngày nay dù là cá nhân hay dân tộc, mỗi người hay quốc gia đều cần phải cảnh tỉnh trước điều Chúa Giê-xu cảnh báo. Nếu những người lãnh đạo quốc gia, dân tộc, gia tộc được Chúa hướng dẫn và biết tin kính Chúa thì Ngài cho họ cơ hội để tể trị và giúp dân sự đi đến sự thịnh vượng. Nhưng nếu cứng lòng, không tin và xem thường những điều Chúa cảnh báo thì trước sau gì cũng bị suy vong cả về vật chất lẫn tâm linh. Chúa Giê-xu không nói cách mơ màng, viễn vông hay nói một đằng làm một nẻo. Ngược lại, đây là lời cảnh báo cho quốc gia, dân tộc hầu tránh những tai hoạ lớn sẽ xảy đến.
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Nguyện xin Chúa cảnh tỉnh chúng con để thức canh và chuẩn bị tinh thần và tâm linh mình để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Xin thương xót chúng con để giảm bớt sự hình phạt công bình của Ngài mà chúng con yếu đuối và nhỏ nhoi không thể chịu nổi cơn thử thách quá lớn này. Cảm tạ Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét