Ma-thi-ơ | Lời Mời Dự Tiệc Cưới

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 22:1-7

1 Đức Chúa Jêsus lại phán ví dụ cùng chúng nữa, rằng:
2 Nước thiên đàng giống như một vua kia làm tiệc cưới cho con mình.
3 Vua sai đầy tớ đi nhắc những người đã được mời đến dự tiệc; nhưng họ không chịu đến.
4 Vua lại sai đầy tớ khác mà dặn rằng: Hãy nói với người được mời như vầy: Nầy ta đã sửa soạn tiệc rồi; bò và thú béo đã giết xong, mọi việc đã sẵn cả, hãy đến mà dự tiệc cưới.
5 Nhưng họ không đếm xỉa đến, cứ việc đi đường mình; kẻ nầy đi ra ruộng, kẻ kia đi buôn bán;
6 còn những kẻ khác bắt đầy tớ của vua, mắng chửi và giết đi.
7 Vua nổi giận, bèn sai quân lính diệt những kẻ giết người đó, và đốt phá thành của họ.
Lời ngỏ
Hình ảnh “tiệc cưới” không còn xa lạ đối với chúng ta, bởi đó là một sự kiện mà có lẽ tất cả chúng ta đều từng tham dự. Có thể trong số chúng ta có người chưa làm đám cưới, nhưng chắc chắn đã từng đi ăn cưới. Một trong những đám cưới được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử cổ đại là đám cưới của Alexandre Đại Đế với công chúa Roxane của Ba Tư vào thế kỷ thứ IV trước Chúa. Đám cưới được tổ chức trong 7 ngày 7 đêm, khắp nơi đều có yến tiệc linh đình. Để thêm phần long trọng, Alexandre Đại Đế đã tổ chức những cuộc tranh tài thể thao. Thế Vận Hội Olympic đã được khai sinh từ đó. Chính Đại Đế đã đích thân trao giải thưởng cho những người thắng cuộc, thông thường là những chiếc cúp bằng vàng. Nhưng người đoạt chức vô địch, sẽ nhận được cành lá chiến thắng tượng trưng cho vinh quang lẫy lừng.
Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay Chúa Giê-xu đã dùng hình ảnh ví dụ về tiệc cưới. Tuy nhiên, ví dụ “tiệc cưới” ở đây khiến nhiều người thắc mắc, bởi tiệc cưới này có nhiều điều điều lạ lùng, không bình thường. Trước hết chúng ta cần xem lại bối cảnh của phần Kinh Thánh này. Trước đó, các thầy tế lễ đã hỏi Chúa về “quyền phép” của Ngài trong Ma-thi-ơ 21: 23. Và Chúa đã kể hai ví dụ. Thứ nhất là ví dụ về hai người con trai, nhấn mạnh rằng chức sắc tôn giáo là hình ảnh đứa con trai thứ nhất, bên ngoài có vẻ như vâng lời Đức Chúa Trời nhưng thực tế lại không làm theo. Những người giống người con trai thứ nhất cần cẩn thận kẻo những người thâu thuế và phường đĩ điếm sẽ vào nước thiên đàng trước. Vì những người này giống như hình ảnh đứa con thứ hai, ban đầu khước từ nhưng sau đó ăn năn mà tin Chúa. Câu chuyện thứ hai là về những người làm công tại vườn nho, tượng trưng cho các lãnh đạo tôn giáo sẽ gánh lấy hậu quả thảm hại nếu họ giết các Đấng tiên tri và thậm chí giết cả con Đức Chúa Trời. Một cộng đồng mới gồm những người Do Thái biết ăn năn và những dân ngoại sẽ được thay thế vị trí của những kẻ tin kính giả hình.
Câu chuyện về tiệc cưới là ví dụ thứ ba Chúa. Qua ví dụ này, Chúa muốn nhấn mạnh hơn điều Ngài muốn nói với những chức sắc tôn giáo. Ví dụ này mở đầu với câu “Nước thiên đàng giống như…”, cho thấy ví dụ này áp dụng cho một khái niệm thuộc linh về Nước Đức Chúa Trời chứ không phải là một tiệc cưới bình thường ở trần gian.
Theo phong tục tổ chức tiệc cưới thời đó, thiệp mời được gửi đi dù ngày giờ tiệc cưới chưa được xác định rõ. Khi mọi việc đã xong đâu vào đấy thì những người đầy tớ mới đi mời quan khách đến dự. Đây là đám cưới của hoàng tử, là một đại yến tiệc hoàng gia, nên ắt hẳn đây là một bữa tiệc đầy vinh dự, phải chuẩn bị chu đáo và cầu kỳ hơn. Khách được mời chắc hẳn là những ông hoàng bà chúa, hay ít ra cũng phải là những người khá giả và có địa vị cao trong xã hội.
Khi mọi việc sẵn sàng thì lời mời cuối cùng mới gửi đến các thực khách. Có hai lần các đầy tớ ra đi nhắc khách mời. Lần thứ nhất khách từ chối không đến. Đến lần thứ hai vua gửi thông điệp “Nầy ta đã sửa soạn tiệc rồi; bò và thú béo đã giết xong, mọi việc đã sẵn cả, hãy đến mà dự tiệc cưới” nhưng khách mời vẫn chẳng quan tâm, mỗi người chỉ lo việc của riêng mình. Họ viện lý do người thì phải đi thăm ruộng, kẻ thì phải đi buôn bán. Thậm chí một số khác lại bắt các đầy tớ của vua, ngược đãi rồi giết đi. Cách cư xử đó đã khiến nhà vua nổi giận, cho binh lính tiêu diệt những kẻ sát nhân và thiêu hủy thành của họ.
Khi nghe qua câu chuyện này chúng ta đều có thể hiểu rằng nhà vua ở đây là Đức Chúa Cha, đầy tớ là các vị tiên tri, trong đó có Giăng và sau này chính là Đấng Christ. Khách mời là dân Do Thái, trong đó có cả những chức sắc tôn giáo Do Thái. Lời mời dự tiệc cưới là một sự ban cho ân điển cứu rỗi đối với dân được chọn là dân Do Thái. Chúa Giê-xu tỏ rõ cho người Do Thái biết: Họ chính là dân tộc được Đức Chúa Trời chọn làm dân riêng, là khách mời đặc biệt của bữa tiệc Nước Trời. Nhưng khi Chúa Giê-xu đến, loan báo ngày mở tiệc và mời gọi, thì họ lại khước từ. Các chức sắc tôn giáo mà Chúa Giê-xu đang nói chuyện là những khách mời hiển nhiên cho Nước Trời. Ban đầu họ chấp nhận lời mời tức là tiếp nhận lời dự báo về Đấng Mê-si sẽ đến. Nhưng khi Ngài đến, khi đó đáng ra họ phải vui mừng tiếp đón Ngài, thì mặc cho những tiên tri đã được sai đến nhắc đi nhắc lại, họ lại mải đeo đuổi những ý nghĩ riêng tư, coi thường lời mời của Đức Chúa Trời, tức là từ chối tiếp nhận lời mời của sự cứu rỗi thông qua Đấng Mê-si, thậm chí còn sỉ nhục và giết hại tiên tri của Ngài. Vua đã nổi giận, sai người tiêu diệt những kẻ sát nhân và tiêu diệt thành của họ. Đó là sự phán xét của Đức Chúa Trời trên dân tộc cứng lòng này. Thời kỳ ân điển dành cho dân Do Thái nói chung và những kẻ lãnh đạo tôn giáo nói riêng đã hết. Sự hủy diệt thành còn mang ý nghĩa là lời tiên báo về sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem sẽ đến. Thật vậy, kinh thành Giê-ru-sa-lem bị quân Rô-ma phá hủy vào khoảng năm 70 Sau Chúa. Đền thờ đã bị tàn phá, bị đốt không còn hòn đá nào, đó là tai họa đã đến cho những kẻ không nhìn nhận Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời khi Ngài đến trong thế gian.
Bạn thân mến, Đức Chúa Trời vẫn đang dành cho chúng ta “lời mời dự tiệc cưới”. Qua các thời đại, Đức Chúa Trời vẫn sai các sứ giả của Ngài đến mọi nơi để mời gọi mọi người đến dự tiệc ơn cứu rỗi của Chúa dành cho cả nhân loại. Đức Chúa Trời đã không lựa chọn khách mời, Ngài mời gọi tất cả mọi người, ai cũng đều có cơ hội dự tiệc cưới Nước Chúa. Ngài không loại bỏ ai, nhưng con người lại tự loại bỏ chính mình khi từ khước lời mời của Ngài. Ngày nay, người ta có nhiều lý do để khước từ lời mời của Đức Chúa Trời, không hẳn đó là những lý do xấu, người thì ra ruộng, kẻ đi buôn bán, chứ không phải họ chơi bời, làm việc xấu xa mà khước từ Chúa. Tương tự như vậy, có thể bạn cũng đang bận rộn với những điều tạm bợ ở trần gian này với việc mưu sinh, cơm áo gạo tiền mà quên đi những điều có giá trị đời đời. Bi kịch của đời sống chính là việc những cái tốt, suôn sẻ lại làm hỏng điều tốt nhất. Người ta có thể quá bận rộn cho nhu cầu đời sống vật chất là thứ chóng qua mà quên lo cho nhu cầu của đời sống tâm linh là thứ còn lại đời đời. Bạn thì sao? Bạn có đang quá bận rộn với cuộc sống này mà bỏ qua lời mời gọi của Chúa dành cho bạn không? Hôm nay là cơ hội một lần nữa Chúa dành cho bạn. Xin mời bạn hãy đến với Chúa thông qua lời cầu nguyện sau.
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Con cảm tạ Chúa đã ban lời mời ân điển cứu rỗi dành cho con. Xin tha thứ cho con đã nhiều lần từ khước lời mời gọi của Ngài. Giờ đây, con xin tiếp nhận ân điển của Ngài. Cảm tạ Chúa bởi sự thương xót của Chúa mà con được đến trong nhà Ngài, được dự tiệc cưới của sự cứu rỗi của Chúa. Con trông chờ đến ngày sẽ được dự tiệc Cưới Chiên Con.
Trong Danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa