Ma-thi-ơ | Đền Thờ Sụp Đổ
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 24:1-2
1 Khi Đức Chúa Jêsus ra khỏi đền thờ, đương đi, thì môn đồ đến gần để chỉ cho Ngài xem các nhà thuộc về đền thờ.
2 Ngài phán rằng: Các ngươi có thấy mọi điều đó chăng? Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống.
Lời ngỏ
Có thể nói, một trong những công trình kiến trúc sớm nhất của lịch sử nhân loại là kiến trúc đền thờ. Đây là những công trình do con người dựng lên để thờ phượng vị thần của mình. Tháp Ba-bên là công trình kiến trúc đầu tiên được đề cập trong Kinh Thánh, có thể xem như là một hình thức của ngôi đền thờ do con người lập nên để có thể gặp Đức Chúa Trời, đó là biểu tượng về sự kiêu ngạo của con người vì cho rằng con người có thể dùng năng lực của mình để lên đến thiên đàng nên Đức Chúa Trời đã phá hủy công trình đó.
Sau này, con người không xây dựng đền thờ tập trung nữa mà tại mỗi thành đều có những ngôi đền thờ cho các thần của từng địa phương. Đối với tuyển dân của Đức Chúa Trời, trong thời kỳ du mục nơi đồng vắng thì Chúa hướng dẫn dân Ngài lập đền tạm là nơi Chúa hiện diện và đồng hành cùng dân sự. Khi dân Do Thái phát triển và trở thành một quốc gia, vua Đa-vít đã có ý định xây đền thờ cho Đức Chúa Trời. Đền thờ đầu tiên được vua Sa-lô-môn là con trai Đa-vít xây dựng trên một vùng đất thuộc phía đông thành phố Giê-ru-sa-lem vào khoảng thế kỷ thứ 10 T.C, ngôi đền thờ đầu tiên này đứng vững được khoảng 4 thế kỷ, đến năm 587 T.C vua Nê-bu-cát-nết-sa phá hủy và đưa dân đi lưu đày sang Ba-by-lôn. 70 năm sau những người lưu đày hồi hương đã xây dựng ngôi đền thờ thứ hai được tồn tại khoảng 500 năm. Vào khoảng thập niên 20 TC, vua Hê-rốt xây cất ngôi đền thờ thứ ba với nỗ lực hòa giải về phương diện chính trị chứ không nhằm tôn vinh Đức Chúa Trời. Do đó, chưa đầy 100 năm sau, ngôi đền thờ nguy nga, tráng lệ này đã bị quân đội La Mã tàn phá vào năm 70 S.C.
Hai câu đầu tiên của đoạn 24 sách Ma-thi-ơ là lời tiên báo của Chúa Giê-xu về sự sụp đổ này, lúc ấy vào khoảng giữa thập niên 30 S.C. Trong đoạn trước Chúa Giê-xu đã khiển trách những nhà lãnh đạo tôn giáo và người Pha-ri-si tại trong đền thờ. Giờ đây Chúa và các môn đồ của Ngài bước ra khỏi đền thờ và hướng lên núi Ô-li-ve. Có lẽ các môn đồ khó chấp nhận được lời phán của Chúa trước đó trong 23:38 “Nhà các ngươi sẽ bỏ hoang” nên khi đi ra khỏi đền thờ, từ bên ngoài nhìn vào các môn đồ chỉ cho Chúa thấy vẻ nguy nga, tráng lệ của kiến trúc các tòa nhà thuộc đền thờ. Người Do-thái trong thời đó đều rất hãnh diện về ngôi đền thờ vĩ đại này. Đền Thờ được xây bằng những tảng đá rất lớn, có những tảng đá dài tới 12m, rộng 4m và cao 2,5m. Mặt tiền Đền Thờ được dát vàng rất rực rỡ khi ánh mặt trời phản chiếu vào. Đây được xem như là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và xem chừng có thể vững chãi lâu dài.
Trong khi các môn đồ trầm trồ hãnh diện về vẻ đẹp của đền thờ thì Chúa Giê-xu lại thấy một viễn ảnh đen tối. Ngài đã phán với các môn đồ “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống” (câu 2). Chúa Giê-xu muốn nói sự nguy nga, vĩ đại đó sẽ trở nên hoang tàn. Lời tiên báo này khiến các môn đồ sững sờ và những người đương thời khó chấp nhận. Không ai có thể ngờ rằng một công trình vĩ đại, một kỳ quan của thế giới cổ thời đó lại bị san bằng và tiêu tan được. Nhưng điều nầy thật đã xảy ra vào năm 70, khi quân đội La-mã đánh chiếm Giê-ru-sa-lem và san thành bình địa. Lịch sử ghi lại rằng, khi đền thờ bị đốt cháy, các khí dụng bằng vàng tan chảy ra, len vào các kẽ đá, người ta muốn lấy vàng giữa các khe đá nên đã nạy từng viên đá một đúng như lời tiên báo của Chúa Giê-xu “không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác”
Chưa đầy 40 năm sau lời tiên tri này đã trở thành sự thật khi hoàng đế Titus tiến đánh Giê-ru-sa-lem năm 70 SC, đây là tai nạn lớn nhất của dân Do Thái. Kể từ đó quốc gia Do Thái bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới và người dân phải lưu lạc khắp nơi, có những lúc tưởng chừng như dân tộc này bị diệt trừ khỏi đất. Trải qua gần 19 thế kỷ, đến tận năm 1949, Đức Chúa Trời cho phép dân Do Thái lập quốc trở lại. Cho đến nay, trải qua 70 năm, Do Thái giáo đang nỗ lực lấy lại địa điểm của ngôi đền thờ cũ để xây dựng lại. Vì theo các nhà địa lý cho biết vị trí đền thờ cũ mà vua Sa-lô-môn xây dựng chính là nền đền thờ The Dome of the Rock của Hồi giáo xây dựng trong thế kỷ thứ 7 S.C. Vì người Hồi giáo tin rằng, Mohammed, giáo chủ của họ lên trời tại địa điểm này.
Biến cố Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ bị phá hủy để lại những bài học quan trọng cho dân Do Thái và Cơ Đốc nhân chúng ta ngày nay:
– Đức Chúa Trời là Đấng cầm quyền trên dòng lịch sử nhân loại, Ngài có quyền can thiệp trên mọi đế chế, vương quyền ở thế gian này. Những công trình mà con người hãnh diện, ca tụng mà không tôn vinh Chúa sẽ sớm bị phá hủy như trường hợp tháp Ba-bên và đền thờ Giê-ru-sa-lem mà vua Hê-rốt đã xây.
– Lời tiên tri đến từ Chúa chắc chắn được ứng nghiệm. Thật lời Chúa là lời sống và linh nghiệm, một chấm một nét cũng không hề thay đổi. Con người nhìn sự việc theo mắt thấy và theo sự suy nghĩ hạn hẹp của mình nhưng Đức Chúa Trời phán bảo điều gì thì Ngài nhìn thấy suốt vượt cõi thời gian và không gian.
– Khi sự thờ phượng Đức Chúa Trời chỉ còn là một hình thức bề ngoài mà trong lòng không để Chúa ngự trị, tâm linh trống không và không biết ăn năn khi nghe lời Chúa cảnh báo thì dù có thờ phượng ở ngôi đền thờ nguy nga, lộng lẫy thì cũng không có tác dụng gì, cả những công trình kiến trúc và tấm lòng chúng ta cũng sẽ trở nên hoang phế
Lời Chúa trong Xuất 25:8: “Họ sẽ làm cho Ta một đền Thánh và Ta sẽ ở giữa họ” Mục đích mà Đức Chúa Trời muốn hội thánh Chúa ngày nay khi xây dựng đền thờ là để Đức Chúa Trời ngự vào và ở giữa dân Ngài. Nơi nào có Chúa ngự thì nơi đó là Đền thờ của Ngài.
Vì vậy, tấm lòng chúng ta là Đền Thờ cao quý, vì đây là Đền Thờ sống động, có linh hồn, có lý trí, ý chí, tình cảm ở đó chứ không phải bằng gỗ, bằng đá vô tri. Đó là nơi được chính Ba Ngôi Đức Chúa Trời tạo dựng theo hình ảnh Ngài, và chính Chúa Giê-xu đổ huyết báu cứu chuộc khỏi sự hủy diệt của tội lỗi, được chính Đức Thánh Linh ngự trị và thêm sức mỗi ngày.
Hãy tra xét xem đền thờ lòng của bạn thực có sự hiện diện và tể trị của Ngài hay không?
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Qua Lời Chúa đã báo trước, xin cho con biết cảnh tỉnh và chuẩn bị tấm lòng mình trong sự thờ phượng Chúa. Dù đền thờ địa phương nơi con thờ phượng Chúa không to lớn, đẹp đẽ nhưng xin cho con luôn nhận biết sự hiện diện của Ngài ở giữa Đền thờ và Hội Thánh của Chúa hầu con kinh nghiệm được sự sống, niềm vui và đắc thắng ở giữa thế giới này. Xin thanh tẩy tấm lòng con được tinh sạch và luôn biết mời Ngài ngự trị và cai quản cuộc đời con để con biết xây dựng những công trình thuộc linh còn lại đời đời. Con thật cảm tạ Chúa. Nhân danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét