Ma-thi-ơ | Thời Điểm Chúa Tái Lâm Như Chớp Phát Ra
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 24:23-27
23 Khi ấy, nếu có ai nói với các ngươi rằng: Kìa, Đấng Christ ở đây, hay là: Ở đó, thì đừng tin.
24 Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn.
25 Nầy, ta đã bảo trước cho các ngươi.
26 Vậy nếu người ta nói với các ngươi rằng: Nầy, Ngài ở trong đồng vắng, thì đừng đi đến; nầy, Ngài ở trong nhà, thì đừng tin.
27 Vì như chớp phát ra từ phương đông, nháng đến phương tây, thì sự Con người đến sẽ cũng thể ấy.
Lời ngỏ
Sấm và sét là hai hiện tượng khác nhau về phương diện vật lý, nhưng chúng ta thường xem đó là một hiện tượng vì xảy ra đồng thời, dù rằng chúng ta cảm nhận thấy sét trước rồi mới nghe tiếng sấm đi theo. Sấm được biểu hiện với những tiếng rầm rì trên bầu trời, còn sét được biểu hiện với những tia sáng xanh hay trắng với những hình dạng khác nhau như hình xương sống. Tốc độ truyền của tiếng sấm thường chậm hơn tốc độ truyền của tia chớp. Vì tốc độ truyền của tiếng sấm bị giới hạn của vận tốc âm thanh và bị ngăn trở nhiều yếu tố môi trường bên ngoài. Còn tốc độ truyền của tia sét có vận tốc bằng vận tốc ánh sáng và người ta gọi các tia sáng này là tia tiên đạo trong môi trường có điện tích rất lớn. Theo nghiên cứu thì tốc độ di chuyển trung bình của tia tiên đạo của lần phóng điện đầu tiên thường vào khoảng 1,107 cm/s, phần phóng điện tiếp theo có tốc độ tăng lên khoảng 2,108 cm/s. Nói chung, tia sét có cường độ phát điện rất lớn và tốc độ chuyển tải rất nhanh. Hiện tượng sấm và sét là điều mà Chúa Giê-xu dùng để minh họa cho sự đến nhanh chóng, đột ngột, bất thình lình của Ngài trong ngày chung kết đời.
Chữ “khi ấy” trong phân đoạn Kinh thánh này mang tính liên kết trực tiếp đến biến cố trong kỳ sau rốt và những dấu hiệu trước ngày Chúa tái lâm hơn biến cố thất thủ thành Giê-ru-sa-lem năm 70 S.C. Bởi vì, “khi ấy” mới xuất hiện Anti-Christ là kẻ mạo danh Chúa xuất hiện cách công khai ở nơi này, nơi khác trên thế giới. Kẻ này cùng với những tiên tri giả liên kết với nhau thành một phe phái, một xâu chuỗi cách có hệ thống và dùng quyền lực của chính trị và những dấu kỳ, phép lạ của tôn giáo cùng những yếu tố tâm lý cộng đồng để cám dỗ nhiều người theo họ.
Chính vì thế, chúng ta nên cẩn thận khi thấy nhiều người dùng phép lạ này kia qua việc chữa bệnh tật, hay phóng đại việc có thể cầu nguyện để hô phong hoán vũ. Đừng nhầm lẫn họ là người được quyền năng Thánh Linh, thực ra họ thuộc về tay sai của Sa-tan mà thôi. Vì Sa-tan cũng có quyền cho những kẻ theo nó làm một số phép lạ nhưng nhằm đối đầu với tôi tớ Chúa, ngăn trở người ta đến với Chúa Giê-xu để ăn năn tội. Giống như Gian-nét với Giam-be đã từng dùng nhiều pháp thuật, tà thuật để chống lại phép lạ mà Môi-se nhân danh Chúa làm ra trên xứ Ai-cập thời cổ đại (Xuất 7:11 và II Ti-mô-thê 3:8), điều đó khiến cho vua Pha-ra-ôn và dân Ai cập cứng lòng, không chịu ăn năn về hành vi gian ác của họ.
Trong lịch sử thế giới nói chung và lịch sử Hội thánh nói riêng đã xuất hiện nhiều christ giả, nhiều tiên tri giả, mỗi lúc xuất hiện càng tinh vi hơn, mưu mô hơn. Họ từng là những nhà lãnh đạo nổi tiếng, hay những người có những sứ điệp kêu gọi phấn hưng như những diễn giả trứ danh. Trong số đó có những chính trị gia, nhà tư tưởng, những nhà lãnh đạo tôn giáo, những nhà khoa học, những đại gia của thế giới. Nhưng cũng có những con người tỏ ra rất bất thường, những người sống ảo tưởng, những dị nhân đã ngộ nhận mình là người phi thường, là người xuất chúng ngang bằng với Chúa và hơn cả Chúa. Họ đã lập ra những triết thuyết, những tư tưởng rất kỳ lạ, mang tính chất bạo lực, kích thích con người ghen ghét nhau, thù hằn nhau, và trả thù dã man; nhưng kỳ lạ lại có sức cám dỗ nhiều người theo họ bởi sự hứa hẹn về vinh quang nào đó rất hư vinh.
Vậy thì làm sao có thể phân biệt được đâu là đầy tớ thật của Chúa với những kẻ làm tay sai của Sa-tan? Chúa dạy: “Hãy xem trái thì biết cây” Mục tiêu và sứ điệp của họ rao giảng đã giúp nhiều người khác trở về với Chúa Giê-xu để được cứu rỗi, hay chỉ kêu gọi góp tiền bạc, góp công sức, góp vốn đầu tư để tạo ra những ánh hào quang, những buổi biểu diễn đình đám, những tên tuổi cá nhân hay tập thể với sự ca ngợi những người cầm đầu, những nhà tài trợ, những người ủng hộ. Họ có dùng chính lời hằng sống của Chúa trong cả Kinh thánh để rao giảng cách trung thành, hay chỉ dùng xảo ngữ và một vài câu Kinh thánh ưa chuộng được đúc kết theo phương pháp “kỹ năng mềm” thu phục tâm lý nhằm để chinh phục người nghe và sự ủng hộ của đám đông.
Trong niềm tin của người Do thái thì họ thường trông đợi những người xuất chúng, những vị cứu tinh dân tộc có yếu tố liên quan đến những nơi đồng vắng, hoang mạc; hay những nơi phòng cao kín đáo, ẩn dật mà ra. Bởi vì, trong lịch sử nhiều người tiền bối của họ đã xuất hiện từ nơi đó. Chẳng hạn, như Môi-se trước khi lãnh đạo dân Do thái thì ông sống đến 40 năm tại đồng vắng với nghề chăn chiên. Hay tiên tri Ê-li hoặc Ê-li-sê chọn những căn phòng cao nơi núi rừng hiểm trở để sống ẩn dật; chỉ khi nào truyền sứ điệp của Chúa thì mới xuất hiện. Trong thời sau này, Giăng Báp-tít xuất hiện cũng từ nơi đồng vắng, ông chỉ ăn mật ong với châu chấu rừng… Vì thế, những tiên tri giả và christ giả cũng lấy yếu tố này như là “bàn đạp” để dụ dỗ con dân Chúa. Thậm chí, họ sẽ đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của dân chúng để lái dân chúng theo ý họ. Chẳng hạn, vua Hê-rốt đã cho phép dân Do thái dùng tiền dâng nơi đền thờ cho việc xây Thánh đường lớn để mua chuộc lòng dân, để không phản đối ông làm vua của họ dù như thế là trái luật pháp: vua dân Do thái phải là công dân Do thái, trong khi ông này là công dân của Ê-đôm.
Biến cố về ngày Chúa tái lâm cần phải hiểu có 3 điều quan trọng thông qua phân đoạn Kinh thánh này. Thứ nhất, sự tái lâm của Chúa là điều xảy ra cách thình lình vượt quá suy luận hay sự tính toán của con người. Việc xảy ra thình lình này sẽ diễn ra vô cùng nhanh chóng và sẽ hoàn tất giống như sấm chớp nổ ra từ chân trời đằng đông sang chân trời đằng tây. Ánh sáng của tia chớp và tiếng vang của tiếng sấm mạnh và chớp nhoáng thể nào thì Chúa tái lâm cũng nhanh chóng, tức thời như vậy.
Thứ hai, Chúa Giê-xu tái lâm trên đất này không phải ở một vị trí địa lý nào cố định. Ngài có thể ngự chân mình xuống tại đồng vắng mênh mông, hay ở căn phòng kín đáo, hoặc ngay giữa bàn thờ của Đền thờ thánh. Ngài cũng có thể tái lâm nơi giữa thành thị, nơi phố xá đông người qua lại. Nói tóm lại, khi Chúa Giê-xu chính thức đặt chân Ngài trên đỉnh núi Ô-li-ve thì sự kiện Chúa tái lâm sẽ bắt đầu lan rộng ra. Địa điểm khởi đầu cho sự tái lâm không phải là yếu tố quan trọng nhất. Cho nên, không nhất thiết phải tìm cách quay về đúng nơi Ngài ngự xuống trong sự vinh hiển.
Thứ ba, tính cách của sự tái lâm rất rõ ràng. Không phải mờ ảo hay bí ẩn. Nhưng được bày tỏ cách minh bạch và công khai trước muôn dân, muôn nước trông thấy. Ngày Chúa trở lại nhanh như chớp vậy. Cho nên, nếu ai muốn vào Nước Chúa phải lập tức ăn năn, vì chúng ta không ai biết tương lai của mình.
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Nguyện xin Chúa vừa giúp chúng con luôn trung tín và trung thành với Ngài cho đến cuối cùng. Cảm tạ Chúa vì Ngài bảo vệ chúng con trong niềm tin Cơ Đốc. Chúng con cầu nguyện nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét