Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 22:15-22 15 Bấy giờ người Pha-ri-si đi ra bàn luận với nhau, để kiếm cách bắt lỗi Đức Chúa Jêsus về lời nói. 16 Họ sai môn đồ mình với đảng vua Hê-rốt đến thưa cùng Ngài rằng: Lạy thầy, chúng tôi biết thầy là thật, và theo cách thật mà dạy đạo của Đức Chúa Trời, không tư vị ai; vì thầy không xem bề ngoài của người ta. 17 Vậy, xin thầy nói cho chúng tôi,thầy nghĩ thế nào: Có nên nộp thuế cho Sê-sa hay không? 18 Đức Chúa Jêsus biết ý xấu của họ, bèn đáp rằng: Hỡi kẻ giả hình, sao các ngươi thử ta? 19 Hãy đưa cho ta xem đồng tiền nộp thuế. Họ đưa cho Ngài một đơ-ni-ê. 20 Ngài bèn phán rằng: Hình và hiệu nầy của ai? 21 Họ trả lời rằng: Của Sê-sa. Ngài bèn phán rằng: Vậy, hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời. 22 Họ nghe lời ấy, đều bợ ngợ, liền bỏ Ngài mà đi.
Lời ngỏ
Là một Cơ Đốc nhân, chúng ta có những trách nhiệm với Chúa và với đời này. Chúa và thế gian cần được phân biệt, nhưng không thể tách biệt. Vì chúng ta đang thờ phượng Đức Chúa Trời – Đấng Chủ Tể cả vũ trụ trời đất và Ngài đang cai quản quyền thế của mọi đế chế của con người. Tuy nhiên, trong đời sống sinh hoạt cần phải phân biệt giữa Chúa và thế gian. Là công dân của một quốc gia, chúng ta phải làm tròn bổn phận của một công dân, là một thành viên của gia đình, chúng ta phải làm tròn bổn phận của một người làm cha, làm mẹ hay con cái, là một nhân viên của công xưởng hay công ty, chúng ta phải làm tròn bổn phận của một nhân viên. Nhiều các Cơ Đốc nhân cảm thấy bối rối khi phải chu toàn nhiều trách nhiệm và bổn phận của một công dân trên đất và công dân trên trời, nên đôi khi đã thỏa hiệp trong cách sống của thế tục và không thể làm trọn bổn phận của một công dân Thiên Quốc. Còn một số khác vì không thể thỏa hiệp nên bị tách rời ra khỏi cuộc sống thế gian.
Khi tại thế, Chúa Giê-xu cũng đã từng đối diện với những nan giải này, và đoạn Kinh Thánh hôm nay là một trong những cách ứng xử đầy khôn ngoan của Chúa trước những cạm bẫy và đòi hỏi của thế gian.
Câu chuyện này diễn ra vào tuần lễ cuối cùng của Chúa Giê-xu trên đất trước khi Ngài chịu chết. Lúc này là giữa Lễ Vượt Qua, Chúa Giê-xu đang ở đền thờ, nhiều người Do Thái cũng từ các nơi về dự lễ. Dù Chúa đã dẹp sạch sự buôn bán kinh doanh trục lợi của những chức sắc tôn giáo, các thầy tế lễ cũng không có cách nào phản đối lại việc Ngài đã làm, vì họ sợ đoàn dân đông đang ủng hộ Ngài, dân chúng xem Ngài là một Đấng tiên tri và đang tung hô Ngài làm Vua. Họ không thể “tra tay trên Ngài” cách trực tiếp nên họ “kiếm cách bắt lỗi Đức Chúa Giê-xu về lời nói”. Họ lập mưu để Ngài nói nghịch với đế quốc Rô-ma hòng khiến Ngài sẽ bị bắt như một người chống đối chính quyền, dấy loạn.
Người Pha-ri-si là những người giữ luật Do Thái nghiêm ngặt, họ rất ghét những người theo Đảng Hê-rốt vì thân với chính quyền Rô-ma. Cả hai phe đều đang đối nghịch với Chúa Giê-xu nên họ đã liên kết với nhau để gài bẫy Chúa. Phe đảng Hê-rốt đã “sai môn đồ mình đến cùng Ngài” với giọng điệu giả vờ cảm phục “Lạy thầy, chúng tôi biết thầy là thật, và theo cách thật mà dạy đạo của Đức Chúa Trời, không tư vị ai; vì thầy không xem bề ngoài của người ta.” Họ đã biết đúng về Chúa Giê-xu rằng Ngài là ” Đấng chân thật, không thiên vị ai, không nhìn bề ngoài của con người” nhưng lòng họ lại không tin theo. Đó là một điều rất nguy hiểm. Sau khi giả vờ thành thực, họ xin lời khuyên của Ngài “Có nên nộp thuế cho Sê-sa hay không?”. Thực ra họ không cần Chúa Giê-xu khuyên răn gì cả, đằng sau câu hỏi đó là một cái bẫy cho Chúa, nhưng Chúa Giê-xu biết hết mưu đồ thâm độc của họ, Ngài chỉ ra ngay “Hỡi kẻ giả hình, sao các ngươi thử ta?”
Câu hỏi trên không thuộc lĩnh vực thần học khó cần thảo luận, mà là một vấn đề rất thực tế – bổn phận nộp thuế cho chính quyền. Là thuộc địa của Rô-ma, dân Do Thái buộc phải nộp một thứ thuế thân cho đế quốc Rô-ma bên cạnh các thứ thuế khác. Người Rô-ma có trách nhiệm phải giúp đỡ và bảo hộ dân Do Thái khỏi nhiều kẻ thù xâm chiếm. Những người Do Thái tin kính không muốn liên minh với ngoại bang, với đế quốc Rô-ma để áp bức dân sự của mình. Biết rõ tình hình này, họ đã gài bẫy để nếu Chúa Giê-xu nói nghịch lại với Rô-ma là không cần nộp thuế thì chính quyền Rô-ma sẽ bắt Ngài, còn nếu Ngài ủng hộ đóng thuế thì sẽ khiến Ngài bị mất lòng dân. Nhưng Chúa Giê-xu đã nhanh chóng nhận ra ý định độc ác của hai thế lực tôn giáo và chính trị này.
Chúa phán: “Hãy đưa cho ta xem đồng tiền nộp thuế” và người ta trao cho Ngài một đơniê, là đồng tiền của Rô-ma. Chúa Giê-xu hỏi tiếp: “Hình và hiệu nầy của ai?”. Trên đồng tiền có in hình của Hoàng đế Sê-sa Ti-be-ri-út với hàng chữ “Ti-be-ri-út là con của Au-gút-tơ thần linh, là thượng tế tối cao.” Người Do Thái rất ghét dùng đồng tiền này, bởi nó gán nhãn hiệu thần thánh cho các vị vua chúa Rô-ma, và đây là điều phạm đến điều răn của Chúa. Họ đã đồng thanh đáp: “của Xêsa“. Khi trả lời vậy, họ tưởng Ngài sắp nói nghịch lại với Rô-ma. Nhưng Chúa Giê-xu đã có câu trả lời khiến họ kinh ngạc: “Vậy, hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời”. Chúa Giê-xu muốn nói rằng họ phải nộp cho Xê-sa những thứ mà họ đã mắc nợ ông ta. Những kẻ chống đối đều sững sờ trước câu trả lời của Ngài. Họ kinh ngạc trước sự khôn ngoan của Ngài và đành ngậm miệng mà bỏ đi.
Câu trả lời của Chúa Giê-xu vừa đánh bại âm mưu của những kẻ chống đối Ngài, vừa dạy cho chúng ta là những người tin Chúa chân thật biết rằng chúng ta cần phải chu toàn bổn phận của một công dân trên đất và công dân trên trời. Bổn phận công dân trên đất đòi hỏi chúng ta phải trả giá cho những lợi ích mà chúng ta được hưởng. Còn bổn phận công dân Nước Trời đòi hỏi chúng ta phải tự nguyện vâng lời và tận hiến cho Đức Chúa Trời.
Bạn thân mến, với sự khôn ngoan thiên thượng, Chúa Giê-xu đã cho chúng ta một bài học về cách ứng xử khi phải đối diện với sự chống đối. Chúng ta cần cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan từ Chúa Thánh Linh để ứng xử trong những trường hợp tương tự. Chúa muốn chúng ta là một người mang danh Ngài phải làm gương sáng trong việc làm tròn bổn phận của một công dân. Vì Không làm trọn bổn phận công dân cũng chính là không làm trọn bổn phận Cơ Đốc nhân. Người tín đồ có bổn phận đối với nhà nước là phải đền đáp những lợi ích mà chế độ đó mang lại đó chính là “trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa”. Còn “trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” là bao gồm hết mọi lĩnh vực của cuộc sống. Vì thế chúng ta phải đặt bổn phận của Nước Trời lên hàng đầu, có vậy các quyền lợi khác mới đi theo. Là công dân Thiên Quốc chúng ta phải nhận biết bổn phận của mình đối với Đức Chúa Trời là tối cao. Chúng ta chỉ có thể phục tùng quyền dân sự khi nó đúng với sự răn dạy của Chúa.
Khi có lời của Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết ý muốn của Ngài, điều nào là ý Chúa thì phải làm, còn điều nào ngược với ý chỉ Đức Chúa Trời thì chúng ta không nên tham gia. Chúa Giê-xu đã không nói đến ranh giới giữa hai bổn phận này. Chân lý vĩnh viễn Chúa đã đưa ra là: một Cơ Đốc nhân chân thật phải là một công dân tốt trên đất đồng thời cũng là một công dân của thiên quốc. Nếu không làm trọn bổn phận đối với Đức Chúa Trời thì cũng không thể làm trọn bổn phận đối với con người. Chúng ta cần phải “Kính sợ Đức Chúa Trời và tôn trọng vua” như lời dạy trong I Phi-e-rơ 2:17.
Câu hỏi Chúa đặt ra cho mỗi chúng ta hôm nay là “Làm sao tôi có thể sống cân bằng để làm vinh hiển Danh Chúa trên đất?”
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Xin giúp con làm trọn bổn phận của một công dân trên đất cũng như công dân thiên quốc. Có những lúc chúng con phải đối đầu với những sự chống đối và bắt bớ của thế gian, xin cho con có sự khôn ngoan thiên thượng để không mâu thuẫn với những lời chứng của con về Chúa cho thế gian này. Xin ban cho con sự khôn ngoan và khả năng phân biệt của Chúa để xứng đáng là một công dân thiên quốc đang sống ở trên đất này. Con cầu nguyện trong Danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất. Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Khi nghĩ đến bụi đất chúng ta thường liên tưởng đến cái gì đó thật tầm thường, không có gì đáng nói cả. Có lẽ bạn không cần phải đi đâu cho xa, bạn có thể bước ra đến chỗ cánh cửa sau nhà là sẽ thấy ngay bụi đất, hay chỉ cần bạn ngó trên bề mặt của chiếc radio hoặc nhìn lên mặt bàn trong phòng khách thì bạn đã thấy được bụi. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa tạo dựng con người từ bụi đất. Bụi đất được phân tích ra gồm 96 nguyên tố và con người cũng chứa 96 nguyên tố y như thế. Đây là một bằng cớ kỳ diệu về sự sáng tạo. Bụi đất tiêu biểu cho sự yếu ớt mong manh. Nhưng đồng thời, nó còn đại diện cho một tiềm lực phi thường. Hôm nay, chúng ta cùng suy ngẫm về chủ đề BỤI ĐẤT VÀ SỐ PHẬN dựa trên Lời Thi Thiên 103:13-18 . 13 Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài, khác nào cha thương xót con cái mình vậy. 14 Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất. 15 Đời loài người như cây cỏ; Người sanh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng; 16 Gió thổi trê...
Đức tin là món quà của Đức Chúa Trời ban cho con người. Qua đức tin con người mới tiếp nhận được ân sủng của Đức Chúa Trời. Có thể nói đức tin là yếu tố đầu tiên cần có trong mỗi con người để qua đó tình yêu của Đức Chúa Trời mới có thể tuôn đổ trên chúng ta. Kinh Thánh nhiều lần đề cập về đức tin và tầm quan trọng của đức tin. Theo Hê-bơ-rơ 11:1 thì: “Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều đang hy vọng, là bằng chứng của những điều chưa thấy.” Có người đã giải thích câu này để dễ hiểu hơn: “Đức tin là sự bảo đảm chắc chắn điều chúng ta đang hy vọng, là lòng tin quyết tính chất thực hữu của những điều chúng ta không thấy.” Tức là niềm tin vào Đức Chúa Trời có một và thật nhưng có thể vẫn chưa thực sự thấy Ngài bằng con mắt thuộc thể này. Trong thực tế, đức tin quan trọng đến nỗi nếu không có nó, chúng ta không có vị trí nào với Đức Chúa Trời. Đức tin là thứ mà chúng ta không thể mua, bán hay tặng cho người khác được. Người ta phân ra ba mức độ của đức tin. Thứ nhất, “đức tin...
Hôm nay cho dù bạn gặp hoàn cảnh khó khăn đến đâu chăng nữa, có nhiều tin tức làm cho bạn chán nản thất vọng thế nào đi nữa thì bạn vẫn có thể tin vào điều này: Đức Chúa Trời vẫn đang sống và vận hành. Như Lời Chúa đã chép: “Ngài dùng gió làm sứ Ngài, Ngọn lửa làm tôi tớ Ngài.” (Thi Thiên 104:4). Chúng ta có ngọn lửa của Đức Chúa Trời đang hành động – ấy là thiên sứ Ngài đang hoàn tất thánh ý Ngài. Thời gian gần đây, có bao giờ bạn nghĩ về các thiên sứ không? Thường thì chúng ta không nghĩ đến họ bởi vì chúng ta không nhìn thấy họ, thậm chí người ta ít quan tâm tới điều này và cho rằng các thiên sứ chỉ còn xuất hiện ở những câu chuyện trong mơ. Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh giá thấp chức vụ của các thiên sứ, đặc biệt là các thiên sứ bảo vệ. Lời Đức Chúa Trời dạy chúng ta rằng họ chính là những sứ giả đặc biệt của Ngài. Xin mời quý vị và các bạn cùng tôi đọc Thi Thiên 104:1-4 và khám phá những công việc diệu kỳ mà NHỮNG ĐẦY TỚ BÍ MẬT CỦA CHÚA đang làm. 1 Hỡi linh hồn ta, khá...
Nhận xét
Đăng nhận xét