Ma-thi-ơ | Điều Răn Lớn Nhất
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 22:34-40
34 Người Pha-ri-si nghe nói Đức Chúa Jêsus đã làm cho bọn Sa-đu-sê cứng miệng, thì nhóm hiệp nhau lại.
35 Có một thầy dạy luật trong bọn họ hỏi câu nầy để thử Ngài:
36 Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?
37 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.
38 Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết.
39 Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.
40 Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.
Lời ngỏ
Thông thường khi nói đến điều răn, người ta thường nghĩ đó là những luật định, quy tắc buộc phải tuân thủ. Nhưng thực ra từ “điều răn” xuất hiện đầu tiên trong Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ là “lời” hay là “giao ước” giữa Chúa và con dân Ngài. Đức Chúa Trời muốn con người sống trong mối tương giao với Chúa, làm con của Chúa và vui hưởng cơ nghiệp của Ngài cho đến đời đời. Để đạt được ơn phước ấy, con người cần phải cam kết thực hiện những nguyên tắc sống trong mối tương quan với Chúa và với nhau. Điều Răn của Đức Chúa Trời dạy cho con người bổn phận yêu kính, tin cậy, tôn thờ chỉ một mình Đức Chúa Trời và bổn phận yêu người khác như chính mình. Có người thì cho rằng chúng ta đang sống trong thời đại mới, thời đại ân điển mà Chúa Giê-xu đã đem đến cho nhân loại, và chúng ta không còn phục dưới luật pháp nữa, cho nên điều răn không còn giá trị.
Chúa Giê-xu đã từng giải đáp những thắc mắc này khi những người chống đối Chúa mang vấn đề những điều răn này đến thử Ngài. Sau nhiều lần tìm cách “bắt bí” Chúa Giê-xu trong lời nói đều không thành, Chúa đều khiến họ phải im lặng, không thể đáp trả được bất cứ lời nào. Có một thầy dạy luật được chọn đến để nói chuyện với Chúa. Có lẽ ông ta là một chuyên gia đặc biệt trong luật pháp Môi-se và rất có tài trong biện luận. Ông ta thử Ngài với câu hỏi thế này “Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?”. Vì nhiều năm tháng truyền khẩu đã chất đống trên các điều răn của Đức Chúa Trời. Họ đã từng xếp loại đến hơn 613 điều, trong đó có 365 điều phải tránh, và 248 điều phải làm. Và họ thường cố tìm cách phân biệt điều luật nào là quan trọng hơn. Khi Chúa Giê-xu đến, Ngài đã nhiều lần chỉ ra những luật định đó là gánh nặng cho dân chúng. Vì vậy, khi hỏi câu hỏi này, những người Pha-ri-si nghĩ Chúa Giê-xu sẽ nói ra một luật định nào đó phi chính thống và họ có thể xét đoán Ngài trước mặt dân chúng.
Dù biết những người Pha-ri-si bắt bẻ và thử Ngài nhưng Chúa Giê-xu luôn chân thành bày tỏ lẽ thật cho họ hiểu. Chúa đã dẫn những câu trong sách luật của người Do thái từ Phục truyền luật lệ ký 6:4-9 và Dân số ký 15:37-41: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi“. Đây là phân đoạn Kinh Thánh nổi tiếng trong cả Cựu ước. Những người Do thái trung tín đã nhắc tới phân đoạn này hai lần trong một ngày. Những thầy dạy luật và những người Pha-ri-si phải luôn mang bên mình câu Kinh Thánh ấy, bằng cách viết trên một mảnh giấy nhỏ đặt trong một cái hộp cột trên trán hay trên cánh tay họ.
Khi nhắc lại hai câu Kinh Thánh này, Chúa Giê-xu muốn nhấn mạnh rằng điều quan trọng không phải là đặt để luật định nào quan trọng hơn, mà là phải nhận biết Đức Chúa Trời là ai. Sự nhận biết Chúa sẽ quyết định cách họ sống và thực thi mạng lệnh của Ngài. Cuộc đời, cách sống, việc thực hành tôn giáo của họ phải bày tỏ Đấng mà họ thờ phượng là “Chúa, Đức Chúa Trời có một và thật.” Và điều Ngài đòi hỏi nơi những người tin Ngài không gì khác hơn là tình yêu thương. Tình yêu là điều không thể thiếu trong sự thờ phượng và giữ gìn các điều răn của Đức Chúa Trời. Không thể thay thế tình yêu thương bằng bất cứ điều gì khác, ngay cả những lễ nghi tôn giáo. Đức Chúa Trời không muốn những lời lẽ trống rỗng cùng các nghi thức lặp đi lặp lại. Ngài muốn con người, chứ không muốn những vật chất chúng ta có. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta tình yêu cao sâu của Ngài và đổi lại Ngài muốn tình yêu của chúng ta đối với Ngài.
Do đó, “điều răn yêu mến Chúa” là điều răn quan trọng nhất, vì tình yêu thương là khởi đầu và là đích đến của mọi điều răn và mọi lề luật. Giữ mọi lề luật, mọi điều răn mà không có tình yêu thì chỉ là hình thức bên ngoài, và nếu có giữ được thì cũng không giữ được lâu. Chúa Giê-xu không những ban ra “điều răn lớn nhất” mà Ngài còn phán “điều răn thứ hai cũng như vậy. Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình“. Chúa Giê-xu muốn dạy rằng nếu chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời, tình yêu ấy sẽ tràn ra cho tha nhân.
Tình yêu mà Chúa Giê-xu muốn chúng ta thực hiện là tình yêu không tùy thuộc vào đối tượng. Từ “yêu” Chúa Giê-xu dùng ở đây là “agape”, đó là tình yêu của ý chí, mục đích, sự chọn lựa, hy sinh, và vâng phục; chứ không phải là “phileō”, là tình yêu của cảm xúc, hay sự thu hút. Đây phải là tình yêu tuyệt đối: đối với Đức Chúa Trời, phải yêu cách “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức”; còn đối với người khác, thì phải “yêu kẻ lân cận như mình”
Vì sao thầy thông giáo hỏi Chúa: “Trong các điều răn, điều nào là lớn hơn hết?” nhưng Chúa Giê-xu lại đưa ra câu trả lời có hai điều răn? Vì thật ra hai điều răn này là một và không thể tách rời. Nói cách khác, tình yêu Chúa dẫn đến tình yêu con người với nhau. Tình yêu đối với Chúa là nguồn cội của tình yêu thương người khác: nếu không yêu Chúa thì chúng ta cũng không thể yêu thương người khác thật sự. Tình yêu Chúa chắc chắn phải dẫn đến việc yêu thương lẫn nhau. Nếu chúng ta gặp khó khăn khi bày tỏ tình yêu vô điều kiện với người khác, có thể vì chúng ta chưa thật sự nhận biết và yêu Chúa hết lòng.
Các bạn thân mến, có một tấm danh thiếp được nhiều người biết đến, trong đó không có bất cứ một thông tin địa chỉ hay số điện thoại liên lạc nào, mà chỉ ghi mấy hàng chữ như sau:
Bông trái của sự Yên Lặng là CẦU NGUYỆN.
Bông trái của Cầu Nguyện là NIỀM TIN
Bông trái của Niềm Tin là TÌNH YÊU
Bông trái của Tình Yêu là PHỤC VỤ
Bông trái của Phục Vụ là BÌNH AN.
Xin Chúa ban phước cho Bạn.
Cuối cùng là dòng chữ Mẹ Teresa. Cuộc đời và sự phục vụ Chúa của Mẹ Teresa đã cho chúng ta cách thức yêu Chúa và yêu người giữa một thế giới mà người ta nói về tình yêu nhiều nhưng thực hành thì rất ít.
Nói yêu mến Đức Chúa Trời không phải là khó, nhưng đời sống có thực sự thể hiện tình yêu Ngài hay không lại là việc khác. Để có thể thấy được lòng yêu mến Chúa thế nào thì yêu mến tha nhân chính là thước đo của lòng yêu mến Chúa. Vậy thì sức mạnh ở đâu để chúng ta có thể yêu Chúa và yêu người như vậy? Có những người đã từng quyết tâm, nhưng cố gắng một thời gian là đuối. Vì thế, sức mạnh chỉ có thể đến từ sự xác tín của tấm lòng, chứ không thể chỉ từ sự hiểu biết một nguyên tắc một luật lệ hay một điều răn. Điều này chỉ có thể đến từ kinh nghiệm. Kinh nghiệm về chính tình yêu của Chúa đối với bản thân mình và từ sự cảm thấu tình yêu ấy, chúng ta mới có đủ sức để yêu được người xung quanh.
Bạn đã kinh nghiệm được tình yêu của Chúa trên đời sống và đã thực hành được tình yêu ấy đối với người xung quanh chưa?
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Cảm tạ Ngài. Tất cả những gì con có là do Chúa ban cho con bởi tình yêu của Ngài. Xin cho con luôn nhớ nguồn sức mạnh trong đời sống con là đến từ Chúa và bởi tình yêu của Ngài. Xin giúp con biết thực hành tình yêu thương của Ngài qua những hành động của con đối với người xung quanh hầu qua con mà thế giới này biết đến tình yêu của Ngài. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét