Ma-thi-ơ | Làm Đổ Máu Vô Tội
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 23:34-36
34 Vậy nên, nầy, ta sai những đấng tiên tri, kẻ khôn ngoan, và thầy thông giáo đến cùng các ngươi; trong những người ấy, kẻ thì các ngươi sẽ giết và đóng đinh trên cây thập tự, kẻ thì các ngươi sẽ đánh đập trong nhà hội mình, và các ngươi sẽ đuổi bắt họ từ thành nầy qua thành kia,
35 hầu cho hết thảy máu vô tội bị tràn ra trên mặt đất, đổ về các ngươi,từ máu A-bên là người công bình cho đến máu Xa-cha-ri là con của Ba-ra-chi, mà các ngươi đã giết ở giữa khoảng đền thờ và bàn thờ.
36 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mọi điều đó sẽ xảy đến cho dòng dõi nầy.
Lời ngỏ
Bạn có biết câu nói “Tôi không biết. Tôi là người giữ em tôi sao?” là câu nói của ai trong Kinh Thánh không?
Đó chính là lời đáp của Ca-in trước câu hỏi của Chúa: “A-bên, em ngươi, ở đâu?”.
Ca-in là con trai của hai người đầu tiên Chúa tạo dựng nên là A-đam và Ê-va. Dù Chúa biết trước Ca-in có thể bị cám dỗ và mắc mưu Sa-tan như cha mẹ của ông nên Ngài từng cảnh báo trước với Ca-in: “Cớ sao ngươi giận, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó”. Nhưng Ca-in đã không quản trị được mình, mà bị nó cởi trên đầu nên đã trở thành kẻ sát nhân đầu tiên trên thế giới, và ông là cha đẻ của những kẻ sát nhân, cướp bóc và ngụy biện.
Đức Chúa Giê-xu đã tỏ rõ Ngài chính là Đức Chúa Trời toàn năng có từ trước vô cùng; chứ không phải có mặt từ khi giáng sinh trên đất cách đó hơn 30 năm. Tại sao chúng ta biết? Vì Chúa đã phán rằng Ngài là Đấng sai nhiều tiên tri thời Cựu ước đến cảnh báo cho dân sự Ngài vì họ đã đi sai, làm sai. “Vậy nên, nầy, ta sai những đấng tiên tri, kẻ khôn ngoan, và thầy thông giáo đến cùng các ngươi; trong những người ấy, kẻ thì các ngươi sẽ giết và đóng đinh trên cây thập tự, kẻ thì các ngươi sẽ đánh đập trong nhà hội mình, và các ngươi sẽ đuổi bắt họ từ thành nầy qua thành kia” (câu 34). Không chỉ các tiên tri mà thôi nhưng còn vô số người khôn ngoan, các thầy thông giáo tin kính và nhiều người ở địa vị khác nhau đến với dân sự Ngài để cảnh báo và kêu gọi ăn năn. Phần lớn những người được Chúa sai phái với mục tiêu là đánh thức dân sự về những tội lỗi của họ đã phạm, và dạy dỗ họ những điều hay lẽ phải cần phải làm như những người con yêu dấu, như những học trò nhỏ… Nhưng rồi, những người được sai phái ấy bị giết, bị ném đá, bị cưa xẻ, bị gươm đao mà chết.
Tại đây, Đức Chúa Giê-xu lên án con người trong toàn nhân loại cùng dân Do thái nói chung, và những thầy thông giáo cùng người Pha-ri-si nói riêng trong một chuỗi dài lịch sử chứ không phải một lần mà thôi. Sau khi loại Chúa khỏi cuộc đời của mình thì con người đã hành động trong bạo lực, đến mức giết người công bình, giết người thánh sạch hơn mình vì cớ ghen ghét và tức giận. Điều đó bày tỏ những người ấy đã tự công khai tố cáo tội ác giấu kín của họ từ bên trong. Lịch sử nhân loại từ sau khi sa ngã đã bị chấn động với những vụ giết những người công bình, người kính sợ Chúa. Từ ngay trong thời kỳ đầu lịch sử (Sáng 4:8-16) với việc Ca-in lừa dối và giết chính em ruột của mình vì cớ đã nuôi dưỡng tội lỗi và không chịu ăn năn. Và họ tiếp tục giết người công bình khác, trong đó phần nhiều là các tiên tri. Sách cuối cùng trong Cựu Ước của người Do thái là sách Sử ký nhì. Trong đó tiên tri Xa-cha-ri là con trai của thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa cũng bị giết đang khi kêu gọi vua Giô-ách và các quan trưởng ăn năn và trở về cùng Chúa (II Sử 24:20-22).
Ngoài ra, có những người không phải tiên tri đi nữa; nhưng khi thấy người khác công bình hơn mình, thánh sạch hơn mình, được hoan nghênh hơn mình thì bắt đầu lo sợ và ghen ghét. Chẳng hạn, vua Sau-lơ đã giết thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là A-hi-mê-léc cùng 85 thầy tế lễ trong gia tộc Lê-vi này chỉ vì đã giúp đỡ Đa-vít trong khi vị này chạy trốn Sau-lơ bởi cớ bị ghen ghét (I Sa 22:11-23). Hoặc cũng có người sợ người khác có tài hơn mình, có công hơn mình được nổi danh sẽ phơi bày tội họ ra, nên họ ra tay sát hại. Chẳng hạn như Giô-áp, vị tướng của vua Đa-vít, đã cam tâm giết Áp-ne và A-ma-sa là hai vị tướng tài giúp đỡ hậu duệ vua Sau-lơ. Vì hai tướng đó có đời sống công bình hơn, tỏ ra muốn hòa giải giữa hai phe của cùng một dân tộc, muốn hòa bình hơn là giao chiến, vì cả tin nên họ bị lừa đến nỗi bị ám sát (I Vua 2:5).
Chúng ta thường nghĩ rằng việc ghen ghét và giết hại con cái Chúa là việc làm của ma quỷ và những người vô thần, hay nhà độc tài có lòng thù nghịch với đạo Chúa gây ra. Lịch sử Hội thánh thế giới và tại Việt Nam đã để lại những việc bách hại đau thương vì những nguyên nhân này. Tuy nhiên, có những người tự xưng là con cái Chúa giàu có ở vị trí quản lý trong Hội thánh địa phương, nhiều môn đồ của Chúa trở nên bậc giáo sư có bằng cấp cao trong học vị giảng dạy các trường thần học, những đầy tớ mang địa vị lãnh đạo trong giáo hội lại thường gây ra những sự bách hại gọi với cái tên là “giáo quyền”. Họ bách hại niềm tin những người đã gặp Chúa Giê-xu và được thay đổi cuộc đời bởi được đụng chạm từ lời hằng sống của Chúa. Nhất là bởi tiếng kêu gọi mạnh mẽ mà họ trở nên nhà cải chánh để kêu gọi bậc giáo quyền hãy trở về với Lời Chúa, trở về với nhà Chúa, trở lại sống theo đúng tinh thần của phúc âm Lời hằng sống. Vậy mà, họ bị xem là những phản loạn, kẻ phá rối, thậm chí là dị giáo đáng bị hỏa hình. Chẳng hạn như John Wycliffe người Anh vào thế kỷ 14, John Huss người Séc vào thế kỷ 16 đã đứng ra để kêu gọi cải cách niềm tin giáo hội; nhưng cuối cùng bị định là người chủ trương tà giáo và bị hỏa hình. Đến thế kỷ 17, Martin Luther và nhiều vị khác cũng đứng ra Cải chánh Giáo hội, trong số đó Martin Luther cũng bị tòa án giáo hội kể là dị giáo và bị đem đi xử án; nhưng được người bạn ra tay bắt cóc để giải cứu. Còn Zwingli đã kết hợp với các nông dân nổi dậy nhưng bị thế lực của giáo hoàng gây chiến và cuối cùng bị tử trận.
Trong thời hiện đại ngày nay, sự bách hại cũng có thể theo chiều hướng ngược lại. Nhiều mục sư, giáo sư hết lòng kính sợ Chúa, hết lòng sốt sắng để lắng nghe tiếng phán của Chúa, và rao giảng cách thẳng thắn bằng lời của Chúa thì bị chính giáo dân, tín hữu mình tẩy chay. Bởi vì, họ thích nghe kể chuyện mang tính tâm lý, những bí quyết được giàu có, thịnh vượng, quyền cao chức trọng mà không muốn đụng đến tội lỗi và sự ăn năn. Có một số đầy tớ Chúa bị tẩy chay, một số Hội thánh đi theo lời Chúa bị biểu tình, đập phá, khủng bố. Chẳng hạn, gần đây phong trào ủng hộ hôn nhân đồng tính, chuyển giới được một số luật pháp các nước thừa nhận. Nên những mục sư và Hội Thánh theo Lời Chúa không ủng hộ bị tẩy chay, bị biểu tình với lý cớ là thiếu “nhân quyền”, “kỳ thị giới tính”…
Thời đại mới thì lý do bách hại niềm tin càng khó hiểu, hành động bách hại càng ngày càng tinh vi hơn, phương pháp cũng đa dạng hơn, người chủ trương bách hại cũng khó lường trước được. Nói tóm lại là vì con người ghét Chúa Giê-xu và con đường cứu rỗi của Ngài, nên họ bách hại và làm đổ máu những người công bình thật lòng tin và theo Chúa Giê-xu.
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Xin tha thứ cho chúng con vì chúng con được hoài thai trong tội lỗi, sinh ra và lớn lên trong môi trường phản bác Ngài, chống nghịch lại đường lối Chúa. Chúa ơi, có những lúc chúng con vô tình đã theo vết xe đổ của tổ phụ mà hành động chống đối Ngài trong sự ngu muội, thiếu hiểu biết.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con và gia đình chúng con vì sự cố chấp đó khiến Chúa đau lòng. Xin cho chúng con biết ăn năn, quay đầu để được Chúa gia ơn để cứu rỗi bản thân và gia đình, dân tộc. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con và gia đình chúng con vì sự cố chấp đó khiến Chúa đau lòng. Xin cho chúng con biết ăn năn, quay đầu để được Chúa gia ơn để cứu rỗi bản thân và gia đình, dân tộc. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét