Ma-thi-ơ | Đôi Cánh Yêu Thương
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 23:37-39
37 Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng!
38 Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!
39 Vì, ta bảo, các ngươi sẽ không thấy ta nữa, cho đến lúc các ngươi sẽ nói rằng: Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!
Lời ngỏ
Trong thế giới ngày nay đầy những tham vọng, đua tranh, con người dường như mất niềm tin vào nhau và mất niềm tin vào sức mạnh tình yêu trước những vấn đề nan giải của cuộc sống. Tác phẩm có tựa đề “Đôi cánh tình yêu” của tác giả Isha Judd là một quyển sách đã giúp nâng đỡ tâm hồn nhiều người vượt qua những định kiến ảo tưởng, để có được một cuộc sống ngập tràn yêu thương. Trong đó Isha Judd đã viết rằng “Nhờ đôi cánh yêu thương thì có thể: Thứ nhất, giải phóng bản thân khỏi những ảo giác dựa trên sự sợ hãi thông thường bám chặt lấy chúng ta vì thói quen, những ảo giác như “không có gì là đủ,” “thoải mái là nhất”, và “bảo vệ bản thân khỏi việc mắc lỗi”. Thứ hai, giúp con người có sự thấu hiểu vai trò và trách nhiệm của mình với “nhận thức yêu thương”, để vui vẻ trở thành người tuyệt nhất. Thứ ba, có thể cất cánh lên cao khỏi nỗi sợ hãi, sự buồn tẻ, thiếu kiên nhẫn, lòng ghen tị, thiếu tự tin, nỗi cô đơn, và sự bấp bênh của một thế giới chìm trong khủng hoảng.
“Đôi cánh tình yêu” của Isha Judd bày tỏ những khát vọng yêu thương, đó là thứ con người chúng ta luôn mong muốn, nhưng cũng chỉ là đôi cánh yêu thương về phương diện tâm lý. Do đó, chưa thể đưa con người vào sự an toàn và tốt lành nhất. Có một hình ảnh “đôi cánh” mà Chúa Giê-xu đã từng dùng, đó là hình ảnh “gà mẹ túc con mình trong cánh” là hình ảnh rất đẹp và dồi dào ý nghĩa. Trước hết, để bảo vệ những gà con của mình khỏi móng vuốt của diều hâu săn mồi, gà mẹ thường “túc túc” như lời cảnh báo nguy hiểm sắp đến cho bầy con, và chúng phải nhanh chóng chạy về phía gà mẹ, chui vào bên trong cánh của gà mẹ để được bảo vệ an toàn. Thứ hai, hình ảnh này bày tỏ sự chan chứa tình cảm đầm ấm từ mẹ dành cho con mình. Đôi cánh của mẹ không chỉ là mái nhà an toàn nhất, mà còn thể hiện lòng yêu thương và sự hy sinh đáng quý. Đó là hai ý nghĩa thuộc linh mà người Do thái ngày xưa và Cơ đốc nhân ngày nay được biết. Tuy nhiên, có một ý nghĩa khác nữa mà chúng ta có thể ít liên tưởng đến, đó chính là hình ảnh bày tỏ sự sáng tạo đầy quyền năng và sự khôn ngoan của Chúa dành cho nhân loại và thế giới. Sáng thế ký 1:1-2 có chép “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất. Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước”. Hai câu này bày tỏ hình ảnh Thần của Chúa bao phủ trái đất và vũ trụ trong bóng cánh của Ngài để sáng tạo nên vạn vật. Điều đó cũng bày tỏ tuyển dân của Chúa đã từng được Chúa ấp ủ dưới bóng cánh yêu thương và năng quyền của Ngài. Đức Chúa Giê-xu đã nhiều lần trực tiếp đến thành Giê-ru-sa-lem, đến đền thờ để thanh tẩy; và Ngài muốn tái tạo để thành này trở nên đúng ý nghĩa của nó là “thành hòa bình” và đặt danh thánh của Ngài trên đền thờ là “nhà cầu nguyện cho muôn dân”. Nhưng dân Do thái tại đây đã không chấp nhận Ngài, xem Ngài là kẻ phá đám công việc làm ăn đang phát đạt của họ, làm lung lay cái ghế địa vị của họ, làm đổ nồi cơm rất béo bổ của họ. Họ đã âm mưu để giết Ngài; nhưng lại tỏ ra như người lãnh đạo yêu dân yêu nước một cách rất giả hình.
Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay đã tóm lược toàn bộ nội dung những lời Chúa Giê-xu đã phán với những thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Ngài đã bắt đầu bằng 7 lời cảm thán “khốn cho”. Đây không phải là lời rủa sả, nhưng là bày tỏ tình yêu sâu sắc, chân tình và cảnh báo để kêu gọi sự ăn năn. Tại đây, Chúa cũng bắt đầu với lời kêu gọi “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem!” được lặp lại hai lần không phải phát âm bằng tiếng Hy-lạp “Giê-rô-sô-lu-ma” nhưng bằng tiếng Hê-bơ-rơ “Giê-ru-sa-lem” trong câu văn tiếng Hy Lạp. Qua đó bày tỏ ý thức liên đới mang tính dân tộc và chất chứa tình cảm của Ngài dành cho dân tộc và đất nước Do thái. Tuyển dân Do thái đã biến thành phố mang danh “hoà bình” với sự yêu thương thành ra nơi ‘chiến tranh’, dùng bạo lực gây sự khủng bố những người công bình, đối xử với những đầy tớ tin kính Chúa như kẻ thờ hình lạy tượng, những kẻ tà đạo bằng việc tra tấn và giết họ rất dã man. Không chỉ vậy, họ còn biến “nhà cầu nguyện của muôn dân” tại thành hoà bình thành ‘hang trộm cướp, lừa lọc’. Chúa đã muốn dùng tuyển dân với vai trò ‘dân tộc thầy tế lễ’ để chuyển đến các dân tộc khác sứ điệp cứu rỗi và hoà bình, nhưng họ đã làm mất nền tảng thuộc linh này.
Chúa Giê-xu đã rất buồn và Ngài khóc khi hướng về thành này lần cuối trước khi bước lên đồi Gô-gô-tha để chịu đóng đinh vì tội lỗi của nhân loại. Ngài đã phải nói thẳng ra rằng đó là “nhà các ngươi” chứ không nói “nhà Cha Ta” như điều Ngài từng ao ước sẽ đến để tái tạo. Cả những người dân và nhà lãnh đạo đã cố chấp giữ theo lối mòn truyền thống sai lầm với ý riêng của họ mà không chịu trở về bóng cánh quyền năng và tái sinh của Ngài. Nhưng vì họ cố chấp với quan điểm truyền khẩu hơn là theo lời hằng sống của Chúa; nên cuối cùng Chúa cảnh báo những con diều hâu Sa-tan sẽ bay đến cướp phá và hủy diệt khiến cho “nhà các ngươi bị bỏ hoang”. Đó là hậu quả của việc không chịu chấp nhận trở về bóng cánh toàn năng của Chúa thông qua sự kêu gọi của Chúa Giê-xu là Đấng mang danh Em-ma-nu-ên, là Đức Chúa Trời ở cùng, là bóng cánh Ngài che phủ. Sự hoang phế là hậu quả chắc chắn xảy ra cho những ai, dân tộc nào khước từ Ngài, việc này xảy ra khi nào và diễn ra khốc liệt ra sao, đó là vấn đề thời gian còn ngắn hay dài.
Tuy vậy, Chúa Giê-xu vẫn còn để lại cho họ một niềm hy vọng rằng một ngày nào đó họ sẽ ăn năn để đón nhận Ngài thật lòng với tiếng hô vang: “Hô-sa-na! Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!” Dù rằng khi Đức Chúa Giê-xu bước vào thành Giê-ru-sa-lem lần cuối trước khi Ngài chịu khổ nạn, Ngài đã được dân chúng của thành trải khăn, áo, lá cây và tung hô Ngài rồi. Nhưng những nhà lãnh đạo và những nhà tri thức tôn giáo không những không nhận ra để đến tung hô Ngài, mà còn phiền trách Ngài đã để dân chúng làm điều đó.
Các bạn thân mến, sự nhân từ, yêu thương cùng với sự nhịn nhục của Ngài là rất lớn. Chúa vẫn để lại niềm hy vọng cho con dân Ngài với ước ao họ sẽ ăn năn trong những hoạn nạn cùng cực, trong những bước đường cùng. Chúa Giê-xu như gà mẹ túc gà con mình với những lời cảnh báo trước về nguy hiểm, xoè đôi cánh bảo hộ, yêu thương và sáng tạo hướng về con cái Ngài, hy vọng chúng ta nghe tiếng gọi của Ngài, thấy được sự nguy hiểm đang chực chờ để trở về núp dưới bóng cánh Ngài.
Bạn và tôi có để lòng lắng nghe tiếng Chúa khi Ngài cảnh báo chúng ta về những nguy cơ thuộc linh hay không? Bạn có nhận thức được Chúa đang kêu gọi bạn hãy nhanh chóng trở về bầy của Ngài, và Ngài muốn tái tạo đời sống bạn khi bạn ở trong hoàn cảnh cùng khốn, bế tắc hay không? Bạn có đón mời Ngài với tâm tự nguyện vọng Ngài là Đấng đến để ban phước và cứu rỗi bạn hay không? Hãy trở về vòng tay yêu thương, bảo hộ và tái tạo của Chúa để kinh nghiệm đời sống sung mãn trong Ngài.
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Nguyện xin Chúa đón nhận chúng con trở về cánh bóng của Ngài. Xin che chở, bảo hộ và tái tạo chúng con thành con người Chúa muốn. Chúng con xin dâng vinh hiển, lời tạ ơn và ngợi khen Ngài từ nay đến đời đời. Chúng con cầu nguyện Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét