Ê-sai | Từ Lòng Cay Đắng Ra Sự Ngợi Khen
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Jesus!
Chúng ta thường ca hát, tôn vinh, ngợi khen Chúa trong giờ thờ phượng vào ngày Chúa nhật nhưng dường như chưa hiểu hết ý nghĩa của sự ngợi khen cho đến khi chúng ta kinh nghiệm được sự đáp lời, sự giải cứu của Chúa trước những nguy biến của cuộc đời. Chỉ khi đã trải qua những giây phút đau buồn, những lúc cay đắng, thất bại… thì sự ngợi khen, cảm tạ của chúng ta mới thực sự là thờ phượng Chúa với tất cả lòng biết ơn và tình yêu đối với Đức Chúa Trời. Lúc ấy chúng ta sẽ không còn thấy đau khổ, và nan đề hay bi kịch mà chúng ta trải qua là những cơ hội tuyệt vời Chúa dùng để chứng minh tình yêu của Ngài đối với chúng ta.
Đây cũng chính là tấm lòng của vua Ê-xê-chia đến với Đức Chúa Trời trong sự ca ngợi Ngài, Đấng đã chữa lành ông khỏi bệnh tật và gia hạn thêm sự sống cho ông. Bài ca ngợi khen của vua Ê-xê-chia được ghi trong Ê-sai 38:9-20.
9 Sau khi lâm bệnh và được chữa lành thì Ê-xê-chia, vua Giu-đa, đã viết những lời nầy:
10 Tôi từng nói: “Giữa chừng cuộc đời, tôi phải ra đi; Những năm còn lại của đời tôi, tôi bị tiêu mất nơi các cửa âm phủ!”
11 Tôi từng nói: “Tôi chẳng còn thấy Đức Giê-hô-va nữa, là Đức Giê-hô-va ở trên đất người sống. Tôi không còn nhìn thấy loài người nữa, là những người đang sống trên trần gian.
12 Nơi ở của tôi bị nhổ lên và dời xa khỏi tôi như cái lều của người chăn chiên. Tôi cuốn đời tôi như thợ dệt cuốn vải; Chúa cắt tôi khỏi khung cửi; Sớm còn tối mất, Chúa kết thúc đời tôi!
13 Tôi giữ yên lặng cho đến sáng mai, nhưng Ngài đã xé tất cả xương tôi như sư tử. Sớm còn tối mất, Chúa kết thúc đời tôi!
14 Tôi rầm rì như chim hạc, chim yến; Gù gù như chim bồ câu; Mắt tôi mỏi mòn nhìn lên cao.” “Lạy Chúa, con đang trong cơn khốn đốn, xin Ngài cứu giúp con.
15 Con biết nói gì đây? Vì Ngài đã phán với con thì Ngài cũng đã làm thành việc ấy. Suốt đời, con sẽ bước đi cách khiêm nhường vì tâm hồn con đầy nỗi đắng cay.
16 Lạy Chúa, người ta sống là nhờ những điều ấy; Thần linh con cũng nhờ đó mà sống! Xin Chúa chữa lành cho con và bảo tồn sự sống của con.”
17 Nầy, nỗi cay đắng của tôi đã trở nên sự bình an! Chúa đã yêu thương linh hồn tôi, đem nó ra khỏi hầm hủy diệt, vì Chúa đã ném mọi tội lỗi tôi ra sau lưng Ngài.
18 Vì âm phủ không thể cảm tạ Chúa, sự chết không thể ca ngợi Ngài; Những kẻ đã xuống mồ không còn hi vọng nơi sự thành tín của Ngài nữa.
19 Người sống, chỉ có người sống mới cảm tạ Chúa, như tôi làm hôm nay. Người làm cha hãy dạy cho con cái mình biết sự thành tín của Ngài.
20 Đức Giê-hô-va là Đấng cứu rỗi tôi! Trọn đời chúng tôi sẽ đàn và hát trong nhà Đức Giê-hô-va! [BTTHĐ]
Giải thích
Trong lúc lâm trọng bệnh, vua Ê-xê-chia đã kêu cầu Chúa chữa lành và Chúa hứa gia hạn sự sống cho ông thêm mười lăm năm nữa, ngay sau đó vua Ê-xê-chia đã viết lên bài ca ngợi khen mà chúng ta vừa nghe ở trên. Trong bài ca này, vua bày tỏ sự cảm nhận của ông trong lúc chống chọi với căn bệnh nan y và kinh nghiệm sự chữa lành mà Đức Giê-hô-va đã làm cho ông. Vua đã nhận biết ba điều sau:
Thứ nhất, ông nhận thức giá trị của đời sống (câu 9-12). Chỉ khi chúng ta sắp mất hoặc đã mất một điều gì đó thì chúng ta mới thấy điều đó là quý giá. Cũng vậy đôi khi chúng ta xem nhẹ đời sống mình cho đến khi nó sắp bị cất khỏi chúng ta thì mới thấy từng giây phút được sống là quý báu làm sao. Vua Ê-xê-chi-ên hiểu rằng sự sống thật mong manh, sự chết đến như kết thúc một hành trình, như cái lều trại bị tháo dỡ, như thợ dệt cắt chỉ khỏi khung dệt.
Thứ hai, ông nhận thức tầm quan trọng của sự cầu nguyện (câu 13-14). Trong lúc lâm bệnh nặng nếu không cầu nguyện thì Ê-xê-chia không thể nào kinh nghiệm được năng quyền Chúa. Vua mô tả tâm trạng của mình, ông cảm thấy giống như con vật yếu đuối bị con sư tử hung dữ tấn công vào đêm, còn vào ban ngày, vua cảm thấy giống như một con chim bơ vơ. Trong sự chống chọi với căn bệnh ông nhận biết rằng chỉ có Chúa mới có thể cứu giúp mình: “Lạy Chúa, con đang trong cơn khốn đốn, Xin Ngài cứu giúp con.” Suốt thời gian hoạn nạn này, Ê-xê-chia xét lòng mình và xưng nhận tội lỗi trước Chúa, và vua đã kinh nghiệm được sự tha thứ của Đức Chúa Trời: “Vì Chúa đã ném mọi tội lỗi tôi ra sau lưng Ngài.” (câu 17).
Thứ ba, ông nhận thức được tầm quan trọng của sự tôn vinh ngợi khen Chúa. Bởi vì Ngài đã biến nỗi đắng cay của vua trở nên sự bình an. Giờ đây tận nơi sâu thẳm của tấm lòng vua cảm biết tình yêu của Chúa và ông yêu mến Ngài sâu sắc hơn, trong sự sống mới Chúa ban, ông càng phải bước đi cách khiêm nhường hơn, và vua có một quyết định mới để ngợi khen Chúa trọn những ngày còn lại của đời ông, vua sẽ luôn ngợi khen Chúa trên môi miệng mình. “Âm phủ không thể cảm tạ Chúa, sự chết không thể ca ngợi Ngài; Những kẻ đã xuống mồ không còn hy vọng nơi sự thành tín của Ngài nữa.” (câu 18). Do đó, khi vua được Chúa cho lành bệnh và tiếp tục sống, ông đã hết lòng ca ngợi Chúa và mong muốn rao truyền sự thành tín của Ngài cho thế hệ kế tiếp. Vua Ê-xê-chia kết luận rằng trọn đời vua sẽ đàn hát, ca ngợi Chúa và ở trong Nhà Ngài (câu 20).
Là con cái của Chúa, chúng ta cần phải thể hiện một đời sống biết ơn Chúa về những việc Chúa làm cho mình, cần luôn sống với tinh thần ca ngợi Chúa vì cảm biết sâu xa ơn cứu chuộc của Ngài, Chúa đã mang chúng ta ra từ đời sống lầm lạc trong bóng tối tội lỗi và sự cay đắng để giờ đây có được sự sống mới bình an và phước hạnh thể nào.
Cầu nguyện
Kính lạy Đức Chúa Trời hằng sống, chúng con ngợi khen sự thành tín và lòng thương xót rất lớn của Ngài đã giải cứu chúng con khỏi “hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm” để giờ đây con được một đời sống mới ở trong Chúa. Xin giúp trọn đời sống con luôn ca ngợi, tôn vinh và biết ơn Ngài không thôi. Nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét