Sáng Thế Ký | Bản Chất Cũ

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÊ-saiLu-caRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Xin chào quý anh chị em yêu dấu! Nhiều năm trước đây, một tạp chí quốc gia có đăng câu chuyện của cặp vợ chồng kia nuôi hai con chó sói. Họ khám phá ra hai con sói nhỏ trong khi thực hiện một phim ảnh về loài hươu Caribou ở tiểu bang Alaska. Họ đưa chúng về nhà và chăm nuôi thật tử tế. Trong thời gian đầu, hai con sói sống chung các con chó khác và mọi hoạt động của nó không khác gì loài chó bình thường. Tuy nhiên, một ngày kia chúng nhảy lên tấn công người chủ. Hai người này cố gắng mới thoát được khỏi cái chết. Sau đó hai con vật chạy vào rừng để gia nhập cùng bầy sói hoang. Dù được đối xử tử tế thế nào đi nữa, bản chất hoang dã của loài sói sẽ vùng dậy vào một ngày nào đó và chúng sẽ hành xử trở lại giống như mọi loài chó sói khác. Đây là một điều tương tự giống bản chất tội lỗi của chúng ta[1]. Tuy rằng bởi ân điển của Chúa Cứu Thế Giê-xu cho những ai đã nhận Ngài thì chúng ta được ban cho con người mới, một đời sống đổi mới để bước đi với Chúa, nhưng còn sống xác thịt này, chắc chắn chúng ta không tránh khỏi những lúc yếu đuối, vấp ngã, những lúc mà con người cũ trổi dậy đi ngược lại với ý muốn của Đức Chúa Trời. Câu chuyện của Áp-ra-ham và vua A-bi-mê-léc trong Sáng Thế Ký 20:1-7 hôm nay cũng bày tỏ BẢN CHẤT CŨ của Áp-ra-ham một cách rõ ràng, nhưng đâu là nguyên nhân khiến ông phạm tội, ông đã xử lý điều đó như thế nào? Thân mời chúng ta cùng học qua đoạn Kinh Thánh hôm nay.

1 Áp-ra-ham từ đó đi đến miền Nam, kiều ngụ tại Ghê-ra, ở về giữa khoảng Ca-đe và Su-rơ.
2 Áp-ra-ham nói về Sa-ra, vợ mình rằng: Nó là em gái tôi. A-bi-mê-léc, vua Ghê-ra, sai người bắt Sa-ra.
3 Nhưng trong cơn chiêm bao ban đêm, Đức Chúa Trời hiện đến cùng vua A-bi-mê-léc mà phán rằng: Nầy, ngươi sẽ chết bởi cớ người đàn bà mà ngươi đã bắt đến; vì nàng có chồng rồi.
4 Vả, vua A-bi-mê-léc chưa đến gần người đó, nên thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa há sẽ hủy diệt cả một dân công bình chăng?
5 Người đó há chẳng nói với tôi rằng: Ấy là em gái tôi chăng? và chánh người nữ há chẳng nói rằng: Ấy là anh tôi sao? Tôi làm sự nầy bởi lòng ngay thẳng và tay thanh khiết của tôi.
6 Trong cơn chiêm bao, Đức Chúa Trời phán nữa rằng: Ta cũng biết ngươi vì lòng ngay thẳng mà làm điều đó; bởi cớ ấy, ta mới ngăn trở ngươi phạm tội cùng ta, và không cho động đến người đó.
7 Bây giờ, hãy giao đàn bà đó lại cho chồng nó, vì chồng nó là một đấng tiên tri, sẽ cầu nguyện cho ngươi, thì ngươi mới được sống. Còn như không giao lại, thì phải biết rằng ngươi và hết thảy ai thuộc về ngươi quả hẳn sẽ chết.

Giải thích

Nếu bạn không biết Áp-ra-ham là ai và bắt đầu với đoạn Kinh Thánh này, chúng ta dễ dàng thấy Áp-ra-ham cư xử không giống với cách của một con cái Chúa, vì ông đã lừa dối mọi người. Ngược lại vua A-bi-mê-léc lại hành động chính trực hơn và được Đức Chúa Trời ngăn trở không phạm tội. Tuy nhiên chúng ta không thể kết luận về Áp-ra-ham nếu chỉ dựa trên đoạn Kinh Thánh này mà thôi. Nhìn lại một chút về những phân đoạn trước, chúng ta biết rõ rằng Áp-ra-ham là người được Đức Chúa Trời xưng là công bình nhờ đức tin (Sáng Thế Ký 15:6). Đồng thời Kinh Thánh cũng tường thuật những thất bại của ông như một sự cảnh cáo và nhắc nhở cho chúng ta rằng “tín hữu cũng phạm tội”. Kinh Thánh cho biết sự thật về tất cả mọi người, và điều đó kể cả dân sự của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh không che giấu sự thật rằng Nô-ê đã say sưa và lõa thể (Sáng Thế Ký 9:20-23), hay Môi-se đã nổi giận (Dân Số Ký 20:1-13) hoặc Đa-vít đã phạm tội tà dâm và âm mưu giết chết một chiến sĩ dũng cảm (II Sa-mu-ên 11:1-27). Phi-e-rơ đã chối Chúa ba lần (Ma-thi-ơ 26:69-75) và Ba-na-ba sa ngã trong giáo lý sai lầm. Những gương này được nêu ra không phải để khuyến khích chúng ta phạm tội nhưng để cảnh cáo chúng ta phải coi chừng tội lỗi. Xét cho cùng, dù là ai, ở vị trí trí nào, là đầy tớ của Chúa hay một tín đồ bình thường, chúng ta cũng đều có nguy cơ sa vào sự cám dỗ và phạm tội. “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (I Cô-rinh-tô 10:12).

Thế thì tại sao Áp-ra-ham lại nói dối mọi người? Tội này không phải là lần đầu ông phạm phải. Trước đây khi ở trong đất Ai-cập ông cũng đã nói dối điều tương tự như vậy (Sáng Thế Ký 12:10-20). Nguyên nhân cơ bản về sự thất bại của Áp-ra-ham là vì ông và Sa-ra đã không ăn năn và từ bỏ tội lỗi mình đã phạm trước đây. Họ đã thừa nhận tội lỗi mình với Pha-ra-ôn và xưng nhận nó với Đức Chúa Trời, nhưng việc nó xuất hiện lần nữa cho thấy rằng họ không ăn năn tội lỗi và từ bỏ nó. Thật ra, tội lỗi này đã trở nên tệ hại hơn; vì giờ đây Sa-ra cũng dự phần luôn trong việc nói dối (câu 5). Một gia đình gắn liền với nhau bởi sự giả dối thì thật tồi tệ.

Đức Chúa Trời đổi tên từ Áp-ram thành Áp-ra-ham, từ Sa-rai thành Sa-ra như một dấu mốc về sự đổi mới cho hai vợ chồng này. Thế nhưng dù tên họ được thay đổi nhưng không có nghĩa là thay đổi bản chất cũ của họ. “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta” (I Giăng 1:8). Vì sự ngự trị của Đức Thánh Linh và công việc của Đấng Christ trên thập tự giá, Cơ Đốc nhân có thể có sự chiến thắng trên bản chất cũ, nhưng điều này không tự động mà có. Chúng ta phải bước đi trong Thánh Linh nếu chúng ta hy vọng đắc thắng sự cám dỗ.

Cơ Đốc nhân phạm tội nhưng có thể được tha thứ và phục hồi. Mặc dù Đức Chúa Trời không che chở cho tội lỗi của Áp-ra-ham, nhưng Ngài thật sự che chở Áp-ra-ham và điều khiển những hoàn cảnh để tôi tớ Ngài không bị thất bại hoàn toàn. Thật ra, Đức Chúa Trời đã gọi Áp-ra-ham là một tiên tri và cho biết rõ rằng sự cầu thay của Áp-ra-ham là điều duy nhất có giá trị giúp cho A-bi-mê-léc thoát khỏi sự chết (câu 7). Việc Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của Áp-ra-ham cho A-bi-mê-léc là chứng cứ Áp-ra-ham đã xưng nhận tội lỗi mình và Chúa đã tha thứ cho ông (Sáng Thế Ký 20:17).

Sự yếu đuối hay phạm tội không làm thuyên giảm tình yêu Chúa dành cho chúng ta, ngược lại sau mỗi thất bại chúng ta nhận biết được ân điển lớn Ngài ban cho và đời sống chúng ta thật sự cần Chúa đến dường nào, từ đó dẫn đến hành động ăn năn và có thái độ đúng đắn trong cách đoán xét tội lỗi.

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa yêu dấu, cảm tạ Chúa vì Ngài yêu con ngay cả khi con yếu đuối và vấp ngã. Xin Chúa tha thứ và thương xót con tùy lòng nhân từ của Chúa. Xin hãy rửa con cho sạch hết mọi gian ác, và làm cho con được thánh khiết về tội lỗi con. Vì con nhận biết các sự vi phạm con, tội lỗi con hằng ở trước mặt con. Xin Chúa Thánh Linh giúp con sống đắc thắng mỗi ngày. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.

Thiên Mỹ Ngôn

[1] Câu Chuyện Hai Con Chó Sói – Văn Phẩm – VietChristian Reader

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa