Sáng Thế Ký | Sự Thật Nửa Vời
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Xin chào quý anh chị em yêu dấu, ngạn ngữ Nga có câu: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật là giả dối.” Thậm chí Benjamin Franklin còn nói nặng nề hơn: “Một nửa sự thật là điều dối trá ghê gớm (Half a truth is often a great lie)”. Những câu nói này đúng trong nhiều lĩnh vực. Về toán học, nếu chỉ đưa ra một nửa sự thật về định nghĩa hay công thức nào đó thì dĩ nhiên cả phép tính sẽ cho ra kết quả sai. Về pháp luật người làm chứng chỉ nói một nửa sự thật sẽ dẫn đến việc những yếu tố cốt lõi hay quan trọng được giấu nhẹm, kết quả là sự tuyên án bị sai lệch. Về truyền thông, sự thật nửa vời chính là mồi câu béo bở làm dậy sóng dư luận, gây tranh cãi hoặc giúp các nhà đầu tư đạt được mục đích kinh doanh… Như vậy có thể thấy thế giới chúng ta đang sống từ xưa đến nay vẫn đầy rẫy những điều giả dối và người ta thường lấp liếm những gian trá bằng cái gọi là SỰ THẬT NỬA VỜI. Áp-ra-ham – người được gọi là tổ phụ đức tin, cũng đã từng thất bại và phạm tội với một nửa sự thật giống như vậy. Từ đó cho thấy hậu quả kèm theo không phải chỉ một mình ông gánh lấy, mà những người xung quanh ông cũng phải gánh chịu. Thân mời chúng ta cùng tìm hiểu câu chuyện này trong Kinh Thánh Sáng Thế Ký 20:8-13, 17-18.
8 Vua A-bi-mê-léc dậy sớm, đòi các tôi tớ mình đến, thuật lại hết mọi lời, thì họ lấy làm kinh ngạc.
9 Rồi, A-bi-mê-léc đòi Áp-ra-ham mà nói rằng: Ngươi đã làm gì cho ta vậy? Ta có làm điều chi mất lòng chăng mà ngươi làm cho ta và cả nước phải bị một việc phạm tội lớn dường nầy? Đối cùng ta, ngươi đã làm những việc không nên làm đó.
10 Vua A-bi-mê-léc lại nói cùng Áp-ra-ham rằng: Ngươi có ý gì mà làm như vậy?
11 Áp-ra-ham đáp: Tôi tự nghĩ rằng: Trong xứ nầy thật không có ai kính sợ Đức Chúa Trời, thì họ sẽ vì cớ vợ tôi mà giết tôi chăng.
12 Nhưng nó cũng thật là em gái tôi, em một cha khác mẹ; và tôi cưới nó làm vợ.
13 Khi Đức Chúa Trời làm cho tôi phải lưu lạc xa nhà cha, thì tôi có nói với nàng rằng: Nầy là ơn của ngươi sẽ làm cho ta: Hễ chỗ nào chúng ta sẽ đi đến, hãy nói về ta: Ấy là anh tôi.
17 Áp-ra-ham cầu xin Đức Chúa Trời, thì Ngài chữa bịnh cho vua A-bi-mê-léc, vợ cùng các con đòi người; vậy, họ đều có con.
18 Vả, lúc trước, vì vụ Sa-ra, vợ Áp-ra-ham, nên Đức Giê-hô-va làm cho cả nhà vua A-bi-mê-léc đều son sẻ.
Giải thích
Khi Áp-ra-ham di chuyển đến Ghê-ra, ông đã nói với mọi người rằng “Sa-ra là em gái tôi” (Sáng Thế Ký 20:2). Vì vậy mà vua Ê-bi-mê-léc đã sai người bắt nàng về cung. Vậy đâu là lý do mà Áp-ra-ham lại một lần nữa dùng “trò cũ” đã làm tại Ai-cập trước đó để lừa gạt mọi người? Sau khi đến Ghê-ra, có thể thấy ông bắt đầu bởi ngoại cảnh chớ không bởi đức tin, vì ông bắt đầu sợ hãi. “Áp-ra-ham đáp: Tôi tự nghĩ rằng: Trong xứ nầy thật không có ai kính sợ Đức Chúa Trời, thì họ sẽ vì cớ vợ tôi mà giết tôi chăng” (câu 11). Sự sợ hãi của con người và đức tin nơi Đức Chúa Trời không thể ở cùng trong một tấm lòng. “Sự sợ loài người đem đến một cái bẫy, nhưng ai tin cậy nơi Đức Giê-hô-va được an toàn” (Châm Ngôn 29:25). Áp-ra-ham đã quên rằng Đức Chúa Trời của ông là Đức Chúa Trời toàn năng, Đấng có thể làm bất cứ việc gì và là Đấng đã lập giao ước để chúc phước cho vợ chồng ông. Hơn nữa ông đã không thật sự “xử lý sạch sẽ” tội lỗi này, nghĩa là ông vẫn đặt nó trong tâm trí để lấy ra biện minh khi có cần nhằm bảo vệ tính mạng cho mình. Như vậy, việc nuôi dưỡng tội lỗi trong tâm trí là nguyên nhân chính dẫn đến hành động phạm tội này của ông.
Áp-ra-ham và Sa-ra đã tự thuyết phục chính mình rằng họ không nói dối. Quả thật đó là em gái ông, nhưng yếu tố quan trọng “và tôi cưới nó làm vợ” đã được ém nhẹm đi (câu 12). Người ta cho rằng những sự thật nửa vời không bị xem là gian ác như những lời nói dối thẳng thừng. Thật chẳng vậy, chúng tệ hại hơn như thế! Một sự thật nửa vời có sự thật vừa đủ trong nó để khiến nó trở nên có vẻ hợp lý và có sự lừa dối vừa đủ trong nó để khiến nó trở nên nguy hiểm.
Lời nói dối này đã khiến Áp-ra-ham phải trả giá như thế nào? Trước hết, nó gây tổn thất cho sự tin cậy của ông. Áp-ra-ham đã thôi hỏi “Cái gì đúng?” để bắt đầu hỏi “Cái gì an toàn?” và điều này dẫn đến sự sa ngã. Tiếp nữa ông cũng đánh mất lời chứng của mình. Làm sao Áp-ra-ham có thể nói với những láng giềng ngoại đạo của ông về Đức Chúa Trời của chân lý khi chính ông đang nói dối? A-bi-mê-léc đã trách tại vì Áp-ra-ham mà vua và cả nước ông suýt nữa thì phạm tội tày đình (câu 9). Đối mặt với sự chất vấn của vua, chắc hẳn Áp-ra-ham đã rất nhục nhã và xấu hổ. Cuối cùng, ông mất sự phục vụ của mình, bởi thay vì làm một nguồn phước, ông là nguyên nhân của sự xét đoán. Không có đứa trẻ nào ra đời suốt thời gian Áp-ra-ham lưu lại trong Ghê-ra (câu 17-18). Khi một Cơ Đốc nhân đi ra ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời, kỷ luật của Ngài thường đi theo.
“Lời nói thật nửa vời” này của Áp-ra-ham chẳng khác gì là một cớ gây vấp phạm cho người “ngoại” cả. Câu chuyện cũng là lời cảnh tỉnh cho chúng ta khi đang sống giữa vòng gia đình, đồng nghiệp, bạn bè. Người khác có đang nhìn thấy Chúa qua cách cư xử và nếp sống hằng ngày của chúng ta không?
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu, nếu con đã gây vấp phạm cho người khác mà con không biết, xin Chúa chỉ ra và tha thứ cho con. Xin Chúa Thánh Linh giúp con để qua cách con sống thì danh Chúa được vinh hiển, và người người sẽ nhận biết Ngài. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Thiên Mỹ Ngôn
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét