Rô-ma | Lời Kết Thư
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Kính chúc quý anh chị em ngày mới an lành trong Chúa!
Khi bắt đầu làm việc gì cũng sẽ gặp khó khăn nên người ta thường nói “vạn sự khởi đầu nan” nhằm động viên chúng ta không bỏ cuộc khi gặp khó khăn mà hãy kiên nhẫn thực hiện điều mình đã bắt đầu và cố gắng vượt qua mọi khó khăn để đạt đến mục đích. Khởi đầu đã khó nhưng đạt đến đích là điều khó hơn. Bởi thế nên nhà truyền đạo đã nói “kết thúc một việc tốt hơn khởi đầu việc đó” (Truyền Đạo 7:8). Việc viết thư cũng vậy, phần kết của bức thư là phần quan trọng của bức thư bởi đó là điều sau hết mà người viết muốn truyền đạt. Hôm nay chúng ta đến phần kết của thư tín mà sứ đồ Phao-lô gửi cho các tín hữu tại Hội Thánh Rô-ma. Xin mời quý vị cùng tôi đọc Rô-ma 16:21-27 và chúng ta sẽ suy ngẫm trong giờ tĩnh nguyện này.
21 Ti-mô-thê, kẻ cùng làm việc với tôi chào anh em, Lu-si-út, Gia-sôn và Sô-xi-ba-tê, là bà con tôi cũng vậy.
22 Tôi là Tẹt-tiu, người chép bức thơ nầy, chào thăm anh em trong Chúa.
23 Gai-út là người tiếp đãi tôi cùng tiếp đãi cả Hội thánh, chào anh em.
24 Ê-rát, quan kho bạc thành phố, và Qua-rơ-tu, người anh em chúng ta, cũng chào anh em nữa.
25 Ngợi khen Đấng có quyền làm cho vững chí anh em theo Tin lành của tôi và lời giảng Đức Chúa Jêsus Christ, theo sự tỏ ra về lẽ mầu nhiệm, là lẽ đã giấu kín từ mọi đời trước,
26 mà bây giờ được bày ra, và theo lịnh Đức Chúa Trời hằng sống, bởi các sách tiên tri, bày ra cho mọi dân đều biết, đặng đem họ đến sự vâng phục của đức tin,
27 nhân Đức Chúa Jêsus Christ, nguyền xin vinh hiển về nơi Đức Chúa Trời khôn ngoan có một, đời đời vô cùng! A-men.
Giải thích
Một trong những điều đáng tin cậy nhất của các thư tín Tân Ước là những thư này có đầy đủ lời mở đầu và lời kết thúc. Những thư tín này ghi rõ là từ ai gửi đi và gửi đến cho ai để không bị kể là những thư tín hư cấu. Trong phần thứ nhất của Rô-ma 16, vị sứ đồ gửi lời chào thăm đến những cá nhân khác nhau ở tại Rô-ma. Còn đến phần này là lời chào thăm từ những anh em ở Cô-rinh-tô nơi mà Phao-lô viết bức thư này vào mùa xuân 57 sau Chúa. Có một vài người được nêu tên ở đây. Trong đó có Ti-mô-thê, người con tinh thần của ông, là người gần gũi, thân cận với Phao-lô nhất và cũng là người mà Phao-lô trông mong sẽ tiếp nối chức vụ của ông. Tẹt-tiu, là người chép thư cho sứ đồ Phao-lô. Thường những người chép thư không để lộ tên tuổi mà làm việc âm thầm. Đây là lần duy nhất trong cả bộ Tân Ước, người chép thư để tên mình vào bức thư. Ê-rát được đề cập trong thư là quan kho bạc thành phố, cũng là một Cơ Đốc nhân. Khảo cổ học đã tìm ra một bản đá trên đó khắc: “Ê-rát, quan kho bạc thành phố, trả phí cho việc xây dựng vỉa hè này.” Ê-rát trong thư Rô-ma có lẽ cũng chính là người chi trả cho việc xây dựng vỉa hè đó.
Theo chuẩn mực của văn phong thư tín trong Tân Ước thì lời kết là lời kêu gọi ngợi khen Đức Chúa Trời về những việc Ngài đã làm, và chúng ta thấy được điều này trong những lời kết của thư tín Rô-ma. Từ lời kết trong tiếng Anh là “doxology” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “doxa” có nghĩa là “ngợi khen, tôn vinh hay vinh hiển”, và “logos”, có nghĩa là “lời tuyên bố”. Phao-lô kết thúc bức thư gửi các tín hữu tại Rô-ma bằng lời ngợi khen Đức Chúa Trời về Phúc Âm mà ông rao giảng. Phúc Âm đó chính là “sự tỏ ra về lẽ mầu nhiệm là lẽ đã giấu kín từ mọi đời trước mà bây giờ được bày ra” (câu 25). Sự mầu nhiệm trong Tân Ước có một chút khác so với từ ngữ chúng ta dùng ngày nay. Trong Tân Ước, sự mầu nhiệm là điều gì đó Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta. Đây là công việc kỳ diệu mà Ngài đã làm. Trong lời chúc tụng này, Phao-lô nhận biết những chân lý về công việc của Chúa. Trước hết, Chúa là Đấng có quyền và công việc của Chúa bày tỏ quyền năng của Ngài. Phao lô đã từng nói với Hội Thánh Ê-phê-sô rằng: “Chúa có quyền làm trổi hơn vô cùng những điều chúng ta có thể cầu xin và suy tưởng.” (Ê-phê-sô 3:20). Có quá nhiều mầu nhiệm về việc Chúa nhập thể thành người và chết thay tội lỗi chúng ta, những điều đó được công bố bởi các tiên tri thời Cựu Ước nhưng không được hiểu cách trọn vẹn cho đến khi Chúa Giê-xu đến giãi bày những điều đó cho chúng ta.
Đức Chúa Trời là Đấng mà Cơ Đốc nhân Rô-ma và tất cả Cơ Đốc nhân qua bao thời đại có thể tin cậy một cách an toàn. Chúng ta có thể tin rằng Ngài đã chấp nhận chúng ta như con cái của Ngài. Đây là điều chúng ta đáng chúc tụng và cảm tạ Chúa.
Tôi muốn mời bạn dành thì giờ này cầu nguyện theo những lời kết của thư tín Rô-ma này.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa! Ngợi khen Đấng có quyền làm cho chúng con vững chí theo Tin Lành của Đức Chúa Giê-xu Christ, theo sự tỏ ra về lẽ mầu nhiệm, là lẽ đã giấu kín từ mọi đời trước, mà bây giờ được bày ra, và theo lệnh Đức Chúa Trời hằng sống, bởi các sách tiên tri, bày ra cho mọi dân đều biết, đặng đem chúng con đến sự vâng phục của đức tin, nhân Đức Chúa Giê-xu Christ, nguyền xin vinh hiển về nơi Đức Chúa Trời khôn ngoan có một, đời đời vô cùng! Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét