Giăng | Cẩn Thận Kẻo Ngã
Tuần Thánh
Lời ngỏ
Kính chào quý chị em thân mến trong Chúa! Chúng tôi có ba con trai, khi đặt tên cho các con chúng tôi đều cầu nguyện Chúa và suy nghĩ tên nào mang ý nghĩa thuộc linh và có thể gọi dễ dàng khi ở nước ngoài. Con đầu tiên chúng tôi đặt tên là Si-ôn và cháu được sinh tại Seoul, Hàn Quốc. Khi cháu vào lớp 1, các bạn học ở trường Việt Nam thấy tên hơi khác lạ nên hay chọc ghẹo và cũng tò mò hỏi tên Si-ôn có nghĩa gì, cháu mắc cỡ không dám nói và cũng không dám giải thích với các bạn mặc dù cháu biết tên mình được đặt dựa trên Kinh Thánh. Các bạn đoán có lẽ vì được sinh ra tại Seoul nên chắc cha mẹ đặt tên là Si-ôn theo cách nói trại sang tiếng Việt, cháu cũng không giải thích với các bạn và cứ để cho các bạn nghĩ như thế.
Có lẽ trong cuộc sống chúng ta cũng đã từng đối diện trước những tình huống tương tự. Nhất là trong những ngày bệnh dịch COVID-19 lây lan, truyền thông đưa tin về những ổ dịch có nguồn gốc từ nhà thờ, nên báo chí đồn thổi thêm khiến dư luận phản cảm với những người đi nhà thờ, nên đôi khi có những con cái Chúa không dám xưng nhận mình là Cơ Đốc nhân vì e sợ bị lên án, bị tẩy chay trong cộng đồng và trong xã hội.
Tình huống này đã từng xảy ra đối với môn đồ thân tín của Chúa Giê-xu trong đêm Chúa bị bắt. Chúng ta cùng xem câu chuyện này trong Giăng 18:15-18, 25-27.
15 Si-môn Phi-e-rơ với một môn đồ khác theo sau Đức Chúa Jêsus. Môn đồ đó có quen với thầy cả thượng phẩm, nên vào với Đức Chúa Jêsus trong sân thầy cả thượng phẩm.
16 Song Phi-e-rơ đứng ngoài, gần bên cửa. Môn đồ kia, tức là người quen với thầy cả thượng phẩm, đi ra nói cùng người đàn bà canh cửa, rồi đem Phi-e-rơ vào.
17 Bấy giờ, con đòi đó, tức là người canh cửa, nói cùng Phi-e-rơ rằng: Còn ngươi, cũng là môn đồ của người đó, phải chăng? Người trả lời rằng: Ta chẳng phải.
18 Các đầy tớ và kẻ sai vì trời lạnh, nhúm một đống lửa, rồi đứng gần một bên mà sưởi. Phi-e-rơ đứng với họ, và cũng sưởi.
25 Vả lại, Si-môn Phi-e-rơ đương đứng sưởi đằng kia, thì có kẻ hỏi người rằng: Còn ngươi, ngươi cũng là môn đồ người phải không? Người chối đi mà trả lời rằng: Ta không phải.
26 Một người đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, bà con với người mà Phi-e-rơ chém đứt tai, nói rằng: Ta há chẳng từng thấy ngươi ở trong vườn với người sao?
27 Phi-e-rơ lại chối một lần nữa; tức thì gà gáy.
Giải thích
Chỉ trước đó vài tiếng tại vườn Ghết-sê-ma-nê chúng ta thấy Phi-e-rơ thật can đảm khi rút gươm ra bảo vệ Chúa Giê-xu khi Ngài bị quân lính bao vây (Giăng 18:10), nhưng trong phần Kinh Thánh này, chúng ta lại thấy Phi-e-rơ thật yếu đuối, không dám nhận mình là môn đệ của Chúa dù trước mặt một người tớ gái. Thật ra, trong cả hai trường hợp, chúng ta đều thấy con người thật của Phi-e-rơ. Đọc trong các sách Phúc Âm, chúng ta thấy rõ Phi-e-rơ là người nóng tính, hăng hái nhưng cũng dễ buông xuôi. Một người có lúc tinh thần lên thật cao nhưng có lúc cũng xuống thật thấp. Đó là bản tính của Phi-e-rơ. Thật ra, ở đây chúng ta phải khâm phục Phi-e-rơ vì đang khi các môn đệ khác đều bỏ Chúa chạy trốn (Mác 14:33), ông đã can đảm theo Chúa vào tận sân của dinh thầy cả thượng phẩm. Đó là một hành động can đảm vì ông có thể gặp khó khăn khi theo Chúa đến đó. Lúc ấy Phi-e-rơ đã rất can đảm và sẵn sàng đi theo Chúa bất cứ nơi nào, nhưng khi thời điểm cần để ông phải đứng về phía Chúa, Phi-e-rơ đã thất bại. Chúa phán trước về điều này rằng hết thảy các môn đồ sẽ tản lạc và vấp phạm vì cớ Chúa bị bắt.
Chúa Giê-xu quay sang người sứ đồ hay nói Phi-e-rơ và đưa ra lời tiên đoán về việc chối Chúa của ông cách chi tiết: trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần. Đây là điều làm bẽ mặt. Phi-e-rơ, một trong những người lãnh đạo của các sứ đồ, bị chỉ ra như là người phản bội Chúa mình. Dĩ nhiên, Phi-e-rơ chối không nhận điều này. Điều này cũng giống như con tôi đã làm với những người bạn ở trường học.
Điểm chúng ta học nơi Phi-e-rơ ở đây là ông không biết rõ con người của mình. Ông nghĩ mình có đủ sức chịu đựng, nhưng ông không ngờ chính mình bị rơi vào bẫy của ma quỷ lúc nào không biết. Khi một đầy tớ gái hỏi Phi-e-rơ có phải là một trong những môn đệ của Chúa Giê-xu không, ông đã chối rằng mình không có quan hệ gì với Chúa Giê-xu. Thay vì đứng với Chúa, ông lui lại về phía sau và ẩn núp trong bóng tối, từ đó mà ông cũng không dám lộ diện trong hai lần tiếp theo khi người ta đã nhận biết ông là một trong những người đi theo Chúa Giê-xu. Điểm đáng trách của Phi-e-rơ là ông không lường sức của mình và không nhờ vào sức của Chúa khi đối diện trước cám dỗ. Chúa thì biết rõ nên đã cảnh báo trước cho Phi-e-rơ về điều này.
Qua bài học về Phi-e-rơ, chúng ta cần tự nhắc mình cần phải nhờ vào sức Chúa để sống và chiến đấu với ma quỷ và tội lỗi. Chúng ta thấy, chỉ một giây phút lơ là đã làm thay đổi cục diện của toàn bộ cuộc chiến. Đây cũng là tình huống mà chúng ta thường phải đối diện trong thực tế cuộc sống của mình. Đối với Đa-vít, là cái nhìn lướt qua khi đang dạo chơi trong đền của vua. Còn đối với Phi-e-rơ, giây phút đó đến trong hình thức một câu hỏi của đứa tớ gái. Nếu Phi-e-rơ biết rõ sự yếu đuối của mình, ông đã không đến chỗ có thể bị rơi vào cám dỗ để dễ dàng chối Chúa. Mỗi chúng ta cần lường sức mình trước mặt Chúa và xin Chúa giúp sức để chiến thắng tội lỗi và đừng bao giờ tự đặt mình vào những hoàn cảnh dễ bị rơi vào cạm bẫy của ma quỷ. Kinh Thánh đã cảnh báo chúng ta: “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ, kẻo ngã!” (I Cô-rinh-tô 10:12).
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Có những lúc con phải đối diện trước sự chống đối, trước sự đã kích, cả những cám dỗ mà chúng con không thể lường trước được. Xin thêm sức lực cho con và nhắc nhở con luôn cần nương cậy nơi Chúa để trong những tình huống cần thiết thì con đủ can đảm để đứng cho Chúa. Nguyện quyết định mà con đưa ra làm vinh hiển danh Ngài. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét