Giăng | Mọi Việc Đã Được Trọn
Tuần Thánh
Lời ngỏ
Kính chào quý vị thân mến! Có lẽ ai trong chúng ta đều từng trải qua những kỳ thi tuyển sinh hay cuộc phỏng vấn việc làm quan trọng. Tâm trạng của chúng ta trước và ngay trong lúc thi thật căng thẳng vì phải tập trung toàn bộ khả năng, sức lực của mình có được để làm bài hoặc trả lời tốt nhất.
Chúa Giê-xu khi ở trên đất cũng đã trải qua “kỳ thi” cuối cùng trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Ngài đến thế giới để cuối cùng chịu đóng đinh trên cây thập tự. Khi Ngài hoàn thành sứ mạng trong cơn đau thương nhất thì cũng là lúc Chúa Giê-xu nếm trải niềm hân hoan của người chiến thắng. Và Ngài đã vui mừng thốt lên lời MỌI VIỆC ĐÃ ĐƯỢC TRỌN. Điều này được chép trong Giăng 19:28-30.
28 Sau đó, Đức Chúa Jê-sus biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: Ta khát.
29 Tại đó, có một cái bình đựng đầy giấm. Vậy, họ lấy một miếng bông đá thấm đầy giấm, buộc vào cây ngưu tất đưa kề miệng Ngài.
30 Khi Đức Chúa Jê-sus chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn.
Giải thích
Phân đoạn Kinh Thánh này đề cập đến những phút giây cuối cùng trước khi Ngài hoàn tất sự thương khó rất lớn để cứu chuộc nhân loại. Qua đây sứ đồ Giăng đã trình bày cho chúng ta hai sứ điệp của Chúa Giê-xu:
Thứ nhất, Chúa Giê-xu phán: “Ta khát.” Lời này là một biểu hiện sự đau thương trong thân thể xác thịt của Ngài khi bị treo thân trên thập tự giá. Chúa cảm nhận nỗi đau khổ của sự khát nước. Điều này chứng tỏ rằng Ngài thật là một con người bằng xương bằng thịt như chúng ta nên Ngài phải trải qua cơn đau đớn, hấp hối trên thập tự giá. Sự đau đớn rất lớn trong thân thể khi phải chịu cơn khát nước, vì nước là yếu tố vô cùng cần thiết để duy trì sự sống của con người. Ngài đã bị mất máu quá nhiều với những lằn đòn roi da móc sắt nên cơ thể Ngài đang đòi hỏi nhu cầu có nước để bù đắp. Qua đây, sứ đồ Giăng đã khẳng định về nhân tín của Chúa và sự đau thương của Ngài là chân thật chứ không phải giả vờ như tà giáo Trí huệ từng phao vu.
Theo Trí huệ giáo chủ trương thì Đức Chúa Trời chẳng bao giờ phải chịu đau đớn và thế giới này không thể làm gì khiến Ngài đau khổ được. Vì thế Chúa Giê-xu đã trải qua kinh nghiệm trên thập tự giá mà chẳng phải chịu đau đớn chút nào. Theo họ là bởi vì Ngài như là một thần linh thuần túy nên không mang xác thịt vật chất xấu xa. Thần linh của Chúa Giê-xu đã rời khỏi Ngài trước khi chịu đau khổ và chịu đóng đinh trên thập tự giá. Họ chủ trương như vậy tưởng rằng mình đã tôn vinh Chúa, nhưng thật ra họ đã hủy hoại chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời thông qua Đức Chúa Giê-xu Christ.
Sau khi Chúa Giê-xu kêu lên “Ta khát” thì một tên lính lấy một miếng bông đá thấm đầy giấm, buộc vào cây ngưu tất đưa kề miệng Ngài. Điều này đã làm ứng nghiệm những lời tiên tri về Ngài với những chi tiết rất nhỏ. Thi Thiên 69:21 đã ghi “chúng nó ban mật đắng làm vật thực tôi, cho tôi uống giấm trong khi khát”. Trong đó yếu tố “giấm” đã thay cho “nước” và cây “ngưu tất” thay cho “cây giáo”. Những vật dụng này liên quan đến ý nghĩa tuyên bố rằng Chúa Giê-xu chính là Chiên Con của Đức Chúa Trời và là của tế lễ vĩ đại trong lễ Vượt qua mà Đức Chúa Trời sắm sẵn. Chính huyết của Ngài đã đổ ra và sự chết của Ngài mà cả thế giới này được cứu khỏi tội lỗi.
Thứ hai, Chúa Giê-xu phán: “Mọi việc đã được trọn.” là một biểu chứng về sự chiến thắng khải hoàn của Ngài chứ không phải là sự thất bại thảm hại. Trong ba sách Phúc Âm cộng quan đã miêu tả trước khi Chúa Giê-xu trút linh hồn thì Ngài đã “kêu to lên một tiếng” (Ma-thi-ơ 27:50; Mác 15:37; Lu-ca 23:46). Trong khi đó Phúc Âm Giăng là sách duy nhất miêu tả tiếng kêu lớn ấy là: “Mọi việc đã được trọn”.
Trong bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp thì cụm từ gồm 4 chữ là “Τετέλεσται” (Te-te-les-tai). Có nghĩa là “xong” hay “hoàn tất”. Đức Chúa Giê-xu đã cất tiếng lớn về sự đắc thắng ấy trên môi Ngài trước khi Ngài phó thác linh hồn mình vào tay Cha. Chúa không nói cách yếu ớt với ý thức bị thất bại thảm hại; mà Ngài phán với tiếng nói hùng hồn của một Đấng chiến thắng và vui mừng reo hò vì Ngài đã thắng trận tốt lành.
Sau khi Chúa Giê-xu phán xong thì trong bản Kinh Thánh truyền thống ghi: “rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn”. Trong đó chữ “gục đầu” được sứ đồ Giăng dùng từ “κλίνας” (kli-nas). Đó không phải chỉ về hành động “cúi đầu” khuất phục như kẻ thua cuộc chiến, nhưng là “ngả đầu” ra để tạm yên nghỉ vì đã làm xong công tác được Đức Chúa Cha giao phó. Đó là hành động ngả đầu xuống với sự an tâm, thỏa lòng vì đã hoàn tất trọng trách nhận lãnh.
Ao ước hết thảy chúng ta là tôi tớ và con cái của Chúa, là người đã nhận lãnh trọng trách từ Cha và từ Đức Chúa Giê-xu giao phó cũng đã và đang thi hành trọng trách này ngay trong Hội Thánh, cộng đồng và xã hội. Trong mọi nơi chúng ta cứ hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính sợ Chúa và phục sự Ngài. Mong ước tất cả con dân Chúa cũng làm giống như Chúa Giê-xu đã từng làm. Đó là chúng ta làm trọn nhiệm vụ Chúa giao phó, cho đến khi mỗi người chúng ta được ngả đầu để phó thác linh hồn mình vào trong cánh tay Cha.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa! Cảm tạ Chúa vì chúng con đã được Chúa Giê-xu hy sinh mọi sự trên Thiên đàng vinh hiển để giáng sinh làm Con người trọn vẹn để gánh thay tội lỗi chúng con. Cầu xin Chúa cho chúng con là những người nhận được sự cứu rỗi của Ngài mà tiếp tục nhận lấy sứ mạng truyền bá Phúc Âm để cứu rỗi nhiều người về Nhà Cha. Cầu xin Chúa gia thêm ơn giúp thêm sức để chúng con có đủ ơn và sức lực thuộc linh lẫn thuộc thể để hầu việc Chúa ở trong Hội Thánh và ngoài xã hội.
Nguyện cầu xin Chúa ban cho chúng con ơn càng thêm ơn và sức càng thêm sức để có thể hoàn tất các sứ mạng mà Ngài đã kêu gọi và giao phó cho chúng con. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.
TGV
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét