Giăng | Lẽ Thật Là Cái Gì?

Tuần Thánh

Lời ngỏ

Kính chào quý anh chị em thân mến!

Lẽ thật hay chân lý là gì? Quý vị có bao giờ tự hỏi hay thắc mắc về khái niệm này không? Thật ra, đây là câu hỏi lớn của bao người trên thế giới trong mọi thời đại. Nhiều nhà tri thức và các tiến sĩ tâm lý sau thời gian dài nghiên cứu trong rất nhiều lĩnh vực đã kết luận là “Tôi không biết chân lý là gì.” Vì họ nhận ra rằng chân lý là một chủ đề quá phức tạp. Bởi vì ai thuộc lĩnh vực chuyên môn nào sẽ đúc kết chân lý riêng theo chuyên môn đó hay thời đại đó. Theo các học giả thì chân lý chỉ đúng trong một thời điểm nhất định hay giới hạn nào đó chứ không gọi là chân lý chung và phổ quát cho toàn cầu trải mọi thời đại. Vì thế chân lý chỉ mang tính tương đối.

Vậy thì, thế giới này không có “chân lý” duy nhất hay sao? Như vậy, “chân lý tương đối” của thế giới này có thật là “chân lý” hay chỉ là một sự mạo danh của “chân lý”. Vậy thì “chân lý” phổ quát và đời đời có hay không, và nếu có thì đó là gì? Bài học hôm nay chúng ta sẽ đề cập đến điều này. Lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh sách Phúc Âm Giăng 18:33-38, có ghi chép:

33 Phi-lát bèn vào trường án, truyền đem Đức Chúa Jê-sus đến, mà hỏi rằng: Chính ngươi là Vua dân Giu-đa phải chăng?
34 Đức Chúa Jê-sus đáp rằng: Ngươi nói điều đó tự ý mình, hay là có người đã nói điều đó với ngươi về ta?
35 Phi-lát trả lời rằng: Nào có phải ta là người Giu-đa đâu? Dân ngươi cùng mấy thầy tế lễ cả đã nộp ngươi cho ta; vậy ngươi đã làm điều gì?
36 Đức Chúa Jê-sus đáp lại rằng: Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế gian nầy, thì tôi tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ giới.
37 Phi-lát bèn nói rằng: Thế thì ngươi là vua sao? Đức Chúa Jê-sus đáp rằng: Thật như lời, ta là vua. Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta.
38 Phi-lát hỏi rằng: Lẽ thật là cái gì? Khi người đã hỏi vậy rồi lại đi ra đến cùng dân Giu-đa, mà rằng: Ta chẳng thấy người có tội lỗi gì cả.

Giải thích

Trong thời đại của đế quốc Rô-ma thì “lẽ thật” hay “chân lý” thuộc về những người cầm quyền, vì đó là những người có quyền cầm cán cân công lý. Hễ ai đang nắm quyền hành, giữ được thế lực quân sự hùng mạnh, trong vị trí thẩm phán với quyền phán xét người khác thì đó là người mang chân lý.

Vì cớ đó mà các lãnh đạo đương thời trong mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giáo dục đến cả tôn giáo đều tìm mọi cách để “mua” cho bằng được quyền hành, chức tước lớn. Họ sẵn sàng dùng tiền từ việc bóc lột người khác để mua cho bằng được những quyền này. Họ có thể dùng cả những mưu mẹo xảo quyệt, những lời hứa dối trá để cướp lấy cho được quyền cai trị. Ai là người cầm quyền cao nhất thì đó là người mang chân lý. Chính vì lý do đó mà Phi-lát đã tự cho rằng ông đang nắm vai trò tổng đốc của xứ Palestine và thẩm phán cao nhất trong toà án pháp luật thì ông là người đang nắm lẽ thật của đương đại.

Chính vì thế mà khi Chúa Giê-xu bị những người cầm đầu tôn giáo Do Thái của xứ Giu-đa bắt và nộp vào tay ông với cáo buộc rằng Chúa Giê-xu là kẻ phạm thượng khi tự xưng là Con Đức Chúa Trời, tự xưng mình là vua nước Giu-đa nhằm chống lại hoàng đế Sê-sa. Khi Chúa Giê-xu trở thành bị cáo dưới quyền phán xét của Phi-lát là thẩm phán tối cao thì ông mới là người có quyền cầm lẽ thật. Thế nhưng khi đối thoại với Chúa Giê-xu thì Ngài bày tỏ Nước của Ngài không phải là xứ Giu-đa mà là Vua của Nước Đức Chúa Trời, Ngài giáng sinh và chịu thương khó để làm chứng về Chân Lý này. Khi đó Phi-lát trở nên hoang mang về khái niệm lẽ thật theo tư tưởng của ông với điều mà Chúa Giê-xu phán về Lẽ Thật.

Mặc dù tổng đốc Phi-lát đã không thể thấu hiểu điều Chúa Giê-xu phán về Lẽ Thật, vì điều Ngài nói liên quan đến lĩnh vực thuộc linh, là niềm tin về Nước Đức Chúa Trời, nhưng không vì thế mà ông kết tội Ngài. Với lý lẽ và công lý tòa án của con người thì tổng đốc Phi-lát không tìm thấy sự phạm pháp của Ngài, ông đã kết luận rằng Chúa Giê-xu vô tội, trong Ngài không có chút tội lỗi nào cả. Tuy vậy, bởi áp lực từ hoàn cảnh bên ngoài tác động, từ phía các lãnh đạo Do Thái giáo và sự bạo loạn của dân chúng bị các nhà lãnh đạo dẫn dụ khiến Phi-lát rơi vào tình thế bị động nên đã không còn đủ thẩm quyền để phán xét cách công minh như đáng phải có. Cho dù ông đã phủ nhận trách nhiệm về vụ án và rửa tay như kẻ vô tội nhưng ông đã không thoát trách nhiệm về sự phán xét bất công của mình. Cho dù ông mang vai trò của thẩm phán tối cao có toàn quyền xét xử bị cáo Giê-xu người Na-xa-rét, nhưng sự thật ngược lại, ông như là bị cáo đầy tội lỗi đứng trước Chúa Giê-xu là Đấng Chân Lý tuyệt đối.

Chúng ta đôi khi giống như Phi-lát. Nhiều lần chúng ta được đứng trước Chúa Giê-xu với những cơ hội được nghe giảng và được trình bày rõ ràng về Ngài là Đấng Chân lý, Nguồn Sự sống và Con đường của sự cứu rỗi nhưng được bao nhiêu người đã bằng lòng nghe và chấp nhận Ngài. Bao người vì phải chịu áp lực bên ngoài xã hội và những tác động có thể ảnh hưởng đến địa vị, công việc của mình mà vội quyết định sai lầm và chối bỏ Ngài, sự chối bỏ Chúa cũng chính là lời tuyên bố đóng đinh Chúa Giê-xu trong cuộc đời mình.

Vậy, bạn ơi, đừng vội quyết định như Phi-lát đã từng làm khi từ chối Chân Lý, mà hãy sớm mở lòng nhận biết sự giới hạn của mình mà tiếp nhận Chân Lý có đủ năng quyền giải cứu linh hồn chúng ta khỏi sự phán xét.

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa! Cảm ơn Ngài đã sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của chúng con về Ngài. Chúa đã thương xót chúng con và giải tỏa mọi sự thật về Ngài là Đấng Chân lý tuyệt đối, là Thần Lẽ thật cho thế giới này. Nhờ sự thương xót của Chúa mà Ngài ban thần trí của sự hiểu biết để khiến cho chúng con thông biết Lẽ Thật mầu nhiệm nơi chính mình Ngài. Nhờ Ngài mà chúng con được cứu và sống cách sung mãn trên đất và hy vọng sự sống vĩnh cửu nơi Nước Thiên đàng sẽ đến. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.

TGV

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa