Lu-ca | Giữ Vững Niềm Tin
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Thân chào quý anh chị em trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Nhà cải chánh giáo hội Martin Luther khi dấn thân vào con đường cải chánh, nhiều lúc phải đối diện với sự ngã lòng, chán nản, u buồn và muốn bỏ mặc mọi việc. Một ngày kia, vợ ông mặc áo tang bước vào phòng, ông tưởng có người thân trong gia đình mất, hốt hoảng hỏi: “Ai trong nhà đã qua đời?”. Bà đáp: “Ông không hay gì sao? Thượng Đế đã chết và tôi đang để tang cho Ngài”. “Bà điên rồi, sao dám nói thế?”, ông trả lời: “Thường Đế là Thần sao chết được”. Bà tiếp lời ông: “Nếu vậy sao ông buồn và ngã lòng?”. Nhờ những lời đó, nhà cải chánh được thức tỉnh để tiếp tục cuộc cải chánh giáo hội thành công. Phân đoạn Kinh Thánh Lu-ca 7:18-23, chúng ta suy ngẫm hôm nay khích lệ bước đường theo Chúa của chúng ta đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta về niềm tin thực hữu trong lòng mỗi người giữa những khó khăn chúng ta đang đối diện.
18 Môn đồ của Giăng trình lại hết cả chuyện đó với người.
19 Người bèn gọi hai môn đồ mình, sai đến thưa cùng Chúa rằng: Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?
20 Hai người đã đến cùng Đức Chúa Jêsus, thưa rằng: Giăng Báp-tít sai chúng tôi đến hỏi thầy: Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?
21 Vả, chính giờ đó, Đức Chúa Jêsus chữa lành nhiều kẻ bịnh, kẻ tàn tật, kẻ mắc quỉ dữ, và làm cho nhiều người đui được sáng.
22 Đoạn, Ngài đáp rằng: Hãy về báo cho Giăng sự các ngươi đã thấy và đã nghe: Kẻ đui được sáng, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, Tin lành đã rao giảng cho kẻ nghèo.
23 Phước cho kẻ không vấp phạm vì cớ ta!
Giải thích
Giăng Báp-tít là một nhân vật đặc biệt nổi lên, ông được xem như một hiện tượng thời bấy giờ, vì là sứ giả dọn đường (Ma-la-chi 3:1a) và chuẩn bị tấm lòng cho dân sự đón Đấng Mê-si-a. Sứ điệp của ông khuấy động tâm linh của nhiều thành phần trong xã hội với nội dung về Nước Thiên đàng (Ma-thi-ơ 3:2). Từ người dân, quan chức thuế, binh lính (Lu-ca 2:13,14) đến cả những người thuộc các phái Sa-đu-sê, Pha-ri-si (Ma-thi-ơ 3:7) đều tìm đến ông xin làm báp-têm để chứng minh cho tấm lòng ăn năn (Ma-thi-ơ 3:6). Là sứ giả, Giăng Báp-tít hiểu rất rõ về sứ điệp mình rao truyền. Là con của thầy tương tế Xa-cha-ri chắc hẳn ông đã được dạy dỗ về Đức Chúa Trời một cách cẩn thận; những năm sống trong đồng vắng cũng đem lại cho ông không ít trải nghiệm về cuộc sống thuộc thể lẫn thuộc linh. Có thể xem đó là những điều kiện thuận lợi khiến sứ điệp của ông đem lại hiệu quả khi truyền đạt. Một ưu điểm thấy rõ ở Giăng Báp-tít là người thẳng thắn, ngay thật trong lời nói. Khi những người Do Thái thuộc phái Sa-đu-sê và Pha-ri-si đến xin làm báp-têm, ông nhìn thấu được tấm lòng của họ, ông đã không ngần ngại gọi họ là dòng dõi rắn lục (Ma-thi-ơ 3:7). Ông phơi bày bản chất độc địa, luồn lách của họ một cách công khai, không chút do dự, không ngại mích lòng. Có lẽ vì tính khí này đã khiến ông gặp rắc rối khi can ngăn vua Hê-rốt (An-ti-ba) phạm tội tà dâm với em dâu mình.
Trong khoảng thời gian thi hành chức vụ của Chúa Jesus, nhất là năm thứ hai khi Ngài được dân chúng mến mộ cũng là lúc sứ mệnh của Giăng Báp-tít lắng xuống, bị giam trong ngục lâu dài (Ma-thi-ơ 4:12). Giăng Báp-tít lúc này dường như chỉ biết tình hình bên ngoài qua các môn đồ của mình. Những môn đồ của Giăng vì thế gia nhập vào đoàn dân đi theo Chúa Jesus trong những lúc Ngài đi giảng dạy, chữa bệnh, đuổi quỷ từ thành này qua làng nọ (Ma-thi-ơ 4:24), cả đến việc kêu người chết sống lại (Lu-ca 7:15). Các môn đồ của Giăng Báp-tít đã đi theo và chứng kiến sau đó về thuật lại cho ông biết (câu 18).
Phản ứng của Giăng Báp-tít thật khiến chúng ta ngạc nhiên, đó là ông bảo các môn đồ đến gặp Chúa Jesus hỏi: “Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?” (câu 19). Giăng Báp-tít hỏi như thế với ngụ ý gì? Có phải ông không nhận ra Ngài là Chúa Cứu thế qua lời kể của các môn đồ không? Tại sao ông cần lời xác nhận của Chúa Jesus? Câu hỏi của Giăng Báp-tít thật ra như là một lời nhắc khéo Chúa Jesus về tình trạng hiện tại của ông. Tại sao Chúa chưa giải cứu ông khỏi chốn ngục tù này? Nếu chúng ta biện minh cho Giăng rằng vì đang ở trong tù, không thể trực tiếp chứng kiến quyền năng, phép lạ Chúa Jesus thực hiện. Chỉ qua lời thuật lại của các môn đồ thì không đủ để Giăng có thể nhận định chính xác. Nếu thật thế, Chúa Jesus đã xác nhận Ngài chính là Đấng phải đến. Nhưng thay vì xác nhận, Chúa Jesus tiếp tục chữa lành cho nhiều người đau ốm, bệnh tật, bị quỷ ám, người mù được thấy, người điếc nghe được, người phung được sạch, cả người chết sống lại, người nghèo được nghe Tin Lành (câu 21) và trả lời cho các môn đồ Giăng Báp-tít rằng hãy nói lại với Giăng về những điều mắt thấy tai nghe. Chúa Jesus thật sự biết điều Giăng Báp-tít hỏi, Ngài nhắc lại lời của tiên tri Ê-sai 35:5-6 và 61:1 bằng hành động xác nhận. Câu trả lời như thế liệu có thỏa đáng đối với Giăng Báp-tít hay không? Ngài thật là Đấng Cứu thế, sứ mệnh của Ngài là: “… kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục” (Ê-sai 61:1b). Nhưng câu trả lời không phải là lời hứa giải cứu Giăng mà là “phước cho kẻ không vấp phạm vì cớ ta.” (câu 23)
Chúng ta có thể hình dung ra vẻ thất vọng của Giăng Báp-tít, nhưng người có lòng khiêm nhường trước mặt Chúa như ông (Mác 1:7) chắc chắn sẽ học được sự vâng phục. Con người dù có mạnh mẽ đến đâu cũng có lúc rơi vào tình trạng khủng hoảng, yếu đuối và bất lực. Điều quan trọng là trong những lúc như vậy chúng ta được nâng đỡ khích lệ thế nào? Chúng ta có thỏa lòng với sự giải cứu của Chúa không? Nếu chúng ta ở trong tình huống giống Giăng Báp-tít thì chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Quá khó để chúng ta trả lời, hoặc có khi cũng không có câu trả lời, niềm tin của chúng ta vào Đấng Cứu thế liệu có dao động, hay vẫn xin ý Chúa được nên. Đối với Giăng Báp-tít, bài học này thật khó và đắt giá, nhưng khích lệ chúng ta giữ lòng trung tín trong mọi nghịch cảnh và học tập sự vâng phục.
Cầu nguyện
Lạy Chúa kính yêu, hằng ngày rong ruổi trên trần gian này, có vô số điều khó khăn, thách thức niềm tin của con nơi Ngài. Xin Chúa ban cho con năng lực để con có thể học được bài học về sự vâng phục Chúa. Xin Ngài thương xót gìn giữ đức tin của con cho đến cuối cùng để con được gặp mặt Chúa trong niềm vui vẻ thỏa lòng. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus Christ. Amen.
Nguyên Ngọc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét