Giê-rê-mi | Rắn Đầu Biếng Học

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Xuất Ê-díp-tô KýChâm NgônGiê-rê-mi

Công Vụ   Các Sứ Đồ

Hê-bơ-rơI Phi-e-rơ

Bạn thân mến! Bạn có biết bài thơ “Rắn Đầu Biếng Học” không? Có lẽ những học sinh tiểu học thời thập niên 60-70 của thế kỷ trước đã từng ê a đọc bài thơ của Lê Quý Đôn khi còn ngồi ở ghế nhà trường. Thơ rằng:

“Chẳng phải Liu Điu cũng giống nhà!
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn Đèn, Hổ Lửa đau lòng mẹ,
Nay thét Mai Gầm rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,
Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da.
Từ nay Trâu lỗ xin siêng học,
Kẻo Hổ Mang danh tiếng thế gia!”

Có lẽ không ai trong chúng ta muốn bị liệt vào loại “rắn đầu biếng học”. Vì vậy, phần Kinh Thánh hôm nay trong Giê-rê-mi 6:8 là liều thuốc chữa lành cho những ai “rắn đầu”.

8 Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy chịu dạy dỗ, e rằng lòng ta chán bỏ ngươi, mà làm cho đất ngươi hoang vu, không người ở chăng.

Từ thuở đầu tiên khi Chúa kêu gọi Áp-ra-ham để thành lập một dân tộc thì Ngài đã quan tâm đến vấn đề dạy dỗ. Kinh Thánh cho biết ý muốn của Đức Chúa Trời như sau: Ta đã chọn người đặng người khiến dạy các con cùng nội nhà người giữ theo đạo Đức Giê-hô-va, làm các điều công bình và ngay thẳng.” (Sáng Thế Ký 18:19). Đức Chúa Trời liên tục dạy dỗ, thức sớm để dạy dỗ, kiên trì để dạy dỗ vì Ngài biết dân Ngài thật là một dân cứng cổ (Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:13). Cổ mềm sẽ giúp cho đầu dễ dàng xoay chuyển, dễ thay đổi hướng để thấy, để nghe hầu có thể đưa ra nhận định đúng, phát ngôn đúng. Nếu cổ bị cứng thì sẽ không giúp được đầu hướng về điều đúng. Vì vậy, từ ngữ cứng cổ dùng để nói về những người khó dạy, khó điều khiển để họ có được nhìn đúng, nghe đúng, nói đúng và nhận thức đúng.

Dân Y-sơ-ra-ên đã trượt dài trong sự gian ác (Giê-rê-mi 6:7). Kinh Thánh phân chia nhân loại thành hai loại người: Người công bình và người gian ác. Con người thường định nghĩa một người gian ác là người có những hành vi hung bạo, tàn độc. Nhưng Kinh Thánh gọi những người không nhận biết Chúa, không tin Chúa, không bước theo ý muốn Chúa là kẻ gian ác. Như vậy, sự gian ác được thấy từ bản chất, tấm lòng từ chối Chúa (Thi Thiên 14:1), từ tấm lòng đó sẽ bày tỏ những hành vi gian ác. Giê-rê-mi dùng hình ảnh suối nước văng ra để chỉ về những hành vi gian ác từ trong tấm lòng của dân Ngài (Giê-rê-mi 6:7).

Giê-rê-mi đã có một mô tả khác về sự rắn đầu, cứng cổ, không chịu nghe dạy dỗ của dân Y-sơ-ra-ên là “tai họ chưa cắt bì”. Chúng ta biết rằng ý nghĩa của việc cắt bì là loại bỏ những giá trị tầm thường, xấu xa và làm hình bóng cho sự biệt riêng mình khỏi những điều ô uế của bản tính xác thịt để có thể tương giao với Đức Chúa Trời. Vì vậy, khi Giê-rê-mi nói “tai họ chưa cắt bì” là không loại bỏ những lời hư không, giả dối bị các tiên tri giả rót vào tai, lừa dối dân chúng. Thay vì chọn lựa và biệt riêng lỗ tai để nghe những lời dạy dỗ chân thật từ Đức Chúa Trời, dù đó là những lời bẻ trách, sửa trị, nhưng đó là lời đem đến sự sống và bình an thật. Nhưng vì tai họ đã bị lấp đầy những lời giả dối nên không còn chỗ để nghe lời chân thật. Họ như rắn hổ mang điếc, lấp tai lại (Thi Thiên 58:4b), Đức Chúa Trời thật buồn khi than thở: “chúng nó chẳng chịu sự dạy dỗ”, “chẳng nghe, cũng chẳng ghé tai vào để nghe” (Giê-rê-mi 2:30, 7:24).

Giê-rê-mi tiếp tục chỉ ra lý do dân Chúa không chịu nhận sự dạy dỗ trong Giê-rê-mi 6:13. Đó là bản chất tham lam, giả dối. Trong cuộc sống đôi khi vì hoàn cảnh đưa đẩy mà một người có thể bị rơi vào hành vi tham lam và lừa dối. Nhưng tại đây, sự tham lam và lừa dối của dân trở thành bản chất, ngay từ lúc nhỏ đã tham lam, lừa dối, khi lớn lên bước vào chức vụ tế lễ, tiên tri thì nó đã bám rễ, trở thành một thói quen, đến nỗi họ xem việc tham lam và giả dối là điều hết sức bình thường, chẳng có gì phải xấu hổ.

Chính vì không chịu nghe dạy dỗ nên Đức Chúa Trời bởi Giê-rê-mi ra tối hậu thư: Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy chịu dạy dỗ, e rằng lòng ta chán bỏ ngươi, mà làm cho đất ngươi hoang vu, không người ở chăng.” Đức Chúa Trời rất kiên nhẫn, chậm giận và đầy sự nhân từ, nhưng không phải không có một giới hạn cho con người và cũng không phải sự giới hạn bày tỏ sự sự khiếm khuyết trong thuộc tính vô hạn của Đức Chúa Trời, mà ấy là điều tỏ ra sự khao khát của Ngài mong muốn con dân Chúa kịp thời ăn năn trở lại với Ngài.

Soi gương xưa để ngẫm lại chúng ta ngày nay cũng không khác gì dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta đang sống trong thời kỳ ân điển, vì vậy nhiều người đã tỏ ra hờ hững với Lời Chúa, cứ trượt dài trong những tham vọng trần gian. Chúng ta cần sống chậm lại một chút, dừng lại một chút, dành thời gian tĩnh tâm một chút để lắng nghe Lời Chúa dạy như một học trò mỗi ngày. Đừng để Chúa phải ra tối hậu thư cho chúng ta. Mỗi chúng ta có giá trị rất cao, đừng để Chúa liệt chúng ta vào hạng người gian ác, đừng để Lời Chúa lên án chúng ta là người chưa cắt bì lòng. Đừng để mình bị hạ thấp như Lời Kinh Thánh đã ghi: Chớ như con ngựa và con la, vật vô-tri; Phải dùng hàm-khớp dây-cương mới cầm chúng nó được, Bằng chẳng, chúng nó không đến gần ngươi.” (Thi Thiên 32:9). Hãy lắng nghe, chịu sự dạy dỗ để sống bình an. Bạn quyết định thế nào hôm nay?

Cầu nguyện

Chúa ôi! Xin hãy thương xót con vì bao lần con xoay hướng khỏi lời dạy khuyên của Ngài để chạy theo sự lừa dối của thế gian. Xin hãy giúp con biết lắng lòng nghe lời dạy khuyên của Chúa. Con cảm ơn Chúa và cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa