Hê-bơ-rơ | Đấng Trung Bảo Độc Nhất

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Xuất Ê-díp-tô KýChâm NgônGiê-rê-mi

Công Vụ   Các Sứ Đồ

Hê-bơ-rơI Phi-e-rơ

Bạn thân mến! Trên thế giới ngày nay, rất nhiều cuộc đối đầu xảy ra giữa các quốc gia và các dân tộc. Nếu không có những tổ chức hay cá nhân chịu trách nhiệm đứng ra làm trung gian hòa giải sẽ làm cho sự đối đầu trở thành những cuộc chiến tranh đẫm máu mà chúng ta thấy cứ diễn ra trong thế giới ngày nay. Sở dĩ như vậy là vì những người trung gian hòa giải không có đủ uy tín hoặc tiếng nói để có thể đem lại sự thỏa mãn cho hai bên. Thế giới có tổ chức Liên Hiệp Quốc làm trung gian hòa giải mọi xung đột, nhưng đó cũng không phải là nơi có thể dàn xếp cho một nền hòa bình thế giới. Những gì đã và đang xảy ra trong thế giới hiện hữu, thật ra đến từ một thế giới ngầm. Đó là cuộc đối đầu giữa thiện và ác, giữa tội lỗi và công chính, giữa Đức Chúa Trời và con người. Đức Chúa Trời đã cung ứng một giải pháp, một con người làm trung gian hòa giải, đó là Chúa Giê-xu Christ. Mời bạn mở sách Hê-bơ-rơ 9:15 để cùng suy ngẫm tìm bài học ứng dụng cho chính mình.

15 Nhân đó, Ngài là Đấng trung bảo của giao ước mới, để khi Ngài chịu chết mà chuộc tội đã phạm dưới giao ước cũ, thì những kẻ được kêu gọi nhận lãnh cơ nghiệp đời đời đã hứa cho mình.

Khái niệm về một người trung gian hòa giải đã có từ xa xưa. Khi Gióp bị các bạn tố cáo lý do ông bị hoạn nạn là do tội lỗi, ông đã ao ước có một người trung gian có thể biện hộ cho ông. Ông đã thất vọng vì không ai có thể làm được điều này vì tất cả chỉ là con người hữu hạn không thể hiểu được sự sâu kín nhiệm màu. Gióp đã nhờ cậy đến Đấng Toàn Năng, ông đã nhìn lên tìm kiếm Đức Chúa Trời làm trung gian biện hộ hòa giải cho ông (Gióp 16:19-21).

Trước khi có Đấng trung bảo của giao ước mới thì Môi-se là người trung bảo của giao ước cũ. Ông là người cầu thay cho dân Y-sơ-ra-ên mỗi khi họ phạm tội cùng Đức Chúa Trời. Nhưng những luật lệ về sinh tế trong giao ước cũ của Môi-se không làm cho con người nên trọn vẹn trong lương tâm. Cần có một giải pháp mới từ trên cao.

Hê-bơ-rơ 9:15 mở đầu bằng từ “nhân đó”. Từ ngữ này kết nối hành động trước đó của Đấng Christ, để chứng minh cho tư cách của Ngài trở thành Đấng Trung Bảo. Không phải ai muốn làm trung gian hòa giải đều được, người ấy phải thỏa mãn được điều Đức Chúa Trời mong muốn. Khi con người phạm tội, án phạt đã được tuyên ra bởi sự công chính và thánh khiết của Đức Chúa Trời. Nhưng vấn đề tình yêu cũng phải được giải quyết đồng thời, vì Đức Chúa Trời không thể tách biệt tình yêu của Ngài ra khỏi sự công bình và thánh khiết. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.(Rô-ma 5:8). Sự chết, đổ huyết ra của Chúa Giê-xu đã làm thỏa mãn đồng thời sự công bình, thánh khiết, yêu thương của Đức Chúa Trời, vì vậy, Ngài đã trở thành Đấng trung bảo giữa Đức Chúa Trời và con người.

Công tác của Đấng trung bảo là hòa giải. Có thể diễn tả công việc của Đấng trung bảo bằng hình dung từ, thập tự giá là chiếc cầu nối liền giữa trời và người. Chính Chúa Giê xu là Đấng phó chính mình làm giá chuộc mọi người (I Ti-mô-thê 2:5-6). Trong sự thương xót của Đức Chúa Trời, Ngài đã ban Con Một của Ngài chết thay cho con người tội lỗi (Giăng 3:16). Chúa Giê-xu vừa là Trời vừa là Người. Ngài đã dang tay ra trên cây thập tự, nắm lấy con người đưa họ về với Đức Chúa Trời. Con đường đã được liên thông qua sự chết của Chúa Giê-xu. Con người đã được hòa thuận với Đức Chúa Trời.

Công tác hòa giải của Chúa Giê-xu có ích lợi gì cho chúng ta? Phần Kinh Thánh trên cũng cho chúng ta thấy ích lợi rất quý giá mà người hòa thuận với Đức Chúa Trời nhận được, đó là sự sống đời đời. Sự sống đời đời là cơ nghiệp, gia tài của người tin đã được hứa ban cho “ai tin Con thì được sự sống đời đời” (Giăng 3:36a). Phao-lô đã khẳng định điều này trong thư Rô-ma 5:10: Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào!” Khi Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá, Ngài đã làm thỏa mãn cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời và khiến chúng ta được hòa thuận cùng Chúa. Như vậy sự giải hòa của chúng ta với Chúa là ân điển ban cho mà “không cần tiền, không đòi giá”. Sao ta lại chần chờ!

Chúa Giê-xu đã làm xong công việc của Ngài. Việc của chúng ta là đưa cánh tay yếu đuối của mình cho Chúa yêu thương nắm bắt lấy. Đừng nghĩ rằng, tôi không xứng đáng, vấn đề của chúng ta là đưa cánh tay đức tin của mình ra. Chúa Giê-xu chỉ đợi có thế, “sao tôi còn chán, còn nghi ngờ, sao tôi còn e mây mờ?” Chúa có toàn quyền để cứu, vì Ngài là Đấng trung bảo độc nhất để hòa giải giữa chúng ta với Đức Chúa Trời.

Hãy tin và đừng đi dông dài để tìm một giải pháp nào khác từ nguyên tắc tôn giáo, hay theo tư tưởng con người, bạn nhé!

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa Giê-xu, Đấng đã yêu con và phó chính mình Ngài cho con, để con được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời. Xin giúp con luôn ở trong tay của Ngài. Xin ban năng lực cho con để con cũng tìm kiếm người chưa được hòa thuận với Chúa mà đưa đến cùng Ngài để cũng được hòa thuận với Chúa như con. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa