Hê-bơ-rơ | Giao Ước Tốt Hơn

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Xuất Ê-díp-tô KýChâm NgônGiê-rê-mi

Công Vụ   Các Sứ Đồ

Hê-bơ-rơI Phi-e-rơ

Bạn thân mến! Tốt – Tốt hơn – Tốt nhất là thang giá trị mà con người đặt ra để thẩm định giá trị của một vật, một sự kiện hay một lĩnh vực nào đó trong đời sống. Con người bao giờ cũng vậy, nếu có thể được thì họ mong muốn có những cái tốt hơn những gì đang sở hữu. Tuy nhiên, trong lĩnh vực thuộc linh, dường như con người luôn khư khư ôm lấy những giá trị cũ, không muốn thay đổi. Do Thái giáo là một điển hình, họ không chấp nhận thay đổi giao ước cũ để nhận lấy giao ước mới. Do đó, trước giả Hê-bơ-rơ đã trình bày cho họ những giá trị trổi hơn trong giao ước cũ. Chúng ta hãy mở ra thư Hê-bơ-rơ 8:6-10 để cùng suy ngẫm và rút ra bài học cho mình.

6 Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta đã được một chức vụ rất tôn trọng hơn, vì Ngài là Đấng trung bảo của giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy lập lên trên lời hứa tốt hơn.
7 Vì nếu ước thứ nhất không thiếu gì, thì chẳng có chỗ nào lập ước thứ hai.
8 Vả, trong những lời nầy thật có ý trách, là lời Đức Chúa Trời phán cùng dân Giu-đa rằng: Chúa phán: kìa, nhựt kỳ đến, Khi đó ta sẽ cùng nhà Y-sơ-ra-ên và nhà Giu-đa lập một ước mới,
9 Không phải như ước ta đã lập với tổ tiên chúng nó, Trong ngày ta cầm tay họ dẫn ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Vì họ không bền giữ lời ước ta, Nên ta không đoái xem họ, ấy là lời Chúa phán.
10 Chúa lại phán: Nầy là lời ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên Sau những ngày đó: Ta sẽ để luật pháp ta trong trí họ Và ghi tạc vào lòng; Ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ, Họ sẽ làm dân ta.

Kinh Thánh đề cập đến rất nhiều giao ước: Giao ước A-đam, giao ước Nô-ê, giao ước với Áp-ra-ham và các tổ phụ, giao ước Môi-se… Tất cả các giao ước đều tập trung vào một chủ đề lớn đó là sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại qua dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta tự hỏi vì sao lại có nhiều giao ước? Có phải các giao ước mà Đức Chúa Trời lập bị lỗi nên phải lập lại? Có phải giao ước của Đức Chúa Trời lập bị thiếu điều khoản nào quan trọng chăng? Trước giả Hê-bơ-rơ đã chỉ ra những thiếu sót như sau: “Vả, trong những lời nầy thật có ý trách…” (câu 8). Đối chiếu các bản dịch khác từ ngữ “trách” được dịch là “khiển trách”, “hạch tội”, “sơ suất”. Qua điều này chúng ta nhận biết sự thiếu sót của giao ước đến từ con người. Dân Y-sơ-ra-ên đã không thể làm trọn các điều khoản trong giao ước nên giao ước bị phá vỡ. Khi giao ước bị phá vỡ thì bên phá vỡ phải chịu trách nhiệm. Con người không thể gánh nổi trách nhiệm này nên Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta. Ngài đã đến lập một giao ước mới tốt hơn. Nói như vậy, không có nghĩa giao ước mới là điều được phát sinh sau. Thật ra Đức Chúa Trời sắp đặt các giao ước theo một tiến trình tiệm tiến từ xa đến gần. Mục đích cho con người nhận thấy sự bất năng của mình để cần một giải pháp toàn diện, toàn hảo đến từ Chúa qua giao ước mới.

Đang khi Do Thái giáo tự hào về giao ước cũ, thì Cơ Đốc giáo cho thấy một giao ước mới tốt hơn. Sự tốt hơn của giao ước mới được so sánh trong bóng và hình. Những quy định trong giao ước cũ về đền tạm, người đại diện, các nghi lễ… đều là bóng. Trong giao ước mới là hình thật, là sự ứng nghiệm bởi Chúa Giê-xu. Trước giả Hê-bơ-rơ so sánh sự tốt hơn của giao ước như sau:

– Chức vụ tốt hơn: Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thượng phẩm đời đời theo ban Mên-chi-xê-đéc, một chức vụ bởi lời hứa chứ không theo luật pháp, một chức vụ đời đời chứ không thay đổi vì Ngài hằng sống.

– Của lễ tốt hơn: Của lễ trong giao ước cũ là những con sinh bò, chiên, dê… nhưng trong giao ước mới, sinh tế được dâng lên là chính thân thể Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời.

– Huyết tốt hơn: Huyết của con sinh trong giao ước cũ chỉ có giá trị tạm thời, nhưng huyết Chúa Giê-xu có giá trị chuộc tội đời đời.

– Đền thờ tốt hơn: Trong giao ước cũ, việc dâng tế lễ được thực hiện nơi đền tạm dưới đất. Chúa Giê-xu đã vào đền tạm trên trời để dâng chính mình Ngài.

Giao ước tốt hơn còn thấy được khi Đức Chúa Trời viết luật pháp Ngài trong lòng con người chứ không viết trên bảng đá. Những gì được viết bằng văn tự sẽ được lưu giữ trong tập hồ sơ, cất trong các ngăn tủ hồ sơ, mỗi khi quên phải lấy ra đọc lại để nhớ. Nhưng những gì được viết trong lòng, sẽ được ghi nhớ, mỗi lúc mỗi nơi. Thánh Linh trong lòng tín hữu sẽ làm công tác nhắc nhở luôn luôn để không quên.

Cảm ơn Chúa, chúng ta hiện nay là những người được dự phần trong giao ước mới. Là công dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh, chúng ta có Chúa Giê-xu là Đấng trung bảo của giao ước mới, Ngài đứng giữa chúng ta và Đức Chúa Trời để làm nên sự hòa thuận mà vì tội lỗi chúng ta bị phân cách với Ngài. Hãy trân trọng giá trị mà Chúa Giê-xu đã ban cho chúng ta trong giao ước mới. Tiệc Thánh mà chúng ta dự thường xuyên là nhắc nhở của Chúa Giê-xu khi Ngài bảo “hãy làm điều này để nhớ đến Ta”, nhớ đến thân và huyết Chúa đã tan nát, đổ ra vì chúng ta. Phao-lô lại nhắc chúng ta rằng: “Mỗi lần anh em ăn bánh này, uống chén này hãy rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.”

Bạn có nhận biết giá trị của giao ước mới đã thay đổi vị trí, địa vị, giá trị của chính bạn không?

Cầu nguyện

Kính lạy Đức Chúa Trời Ba ngôi! Ngợi khen tình yêu cao cả của Đức Chúa Cha, ân điển vô lượng trong Chúa Giê-xu, sự giúp đỡ của Chúa Thánh Linh. Trong Chúa Ba Ngôi toàn năng con được bước vào trong giao ước mới với Đức Chúa Trời. Xin Đức Thánh Linh giúp con luôn trân trọng, gìn giữ mối thông công với Chúa trong giao ước mới mà Chúa đã thay con làm trọn. Con cảm ơn Chúa. Con thành tâm cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa