I Cô-rinh-tô | Nhận Thức Của Người Giảng Tin Lành (II)
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Kính thưa quý anh chị em thân mến!
Khi thực hiện công tác rao giảng Tin Lành của Nước Trời, có nhiều người đã rất thành công và kết quả. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có không ít người thất bại dù cũng đã rất nỗ lực để thực hiện công tác này. Một trong những nguyên nhân chính yếu đưa đến hai thái cực trái ngược nhau của hai trường hợp trên là do nhận thức khác nhau của người rao giảng.
Bài học hôm nay dựa trên I Cô-rinh-tô 2:3-5 sẽ giúp chúng ta tiếp tục nhận biết thêm về ý thức khi rao giảng Tin Lành của Đức Chúa Trời qua lời làm chứng của sứ đồ Phao-lô. Bởi đó, ông kết quả cho Chúa bội phần.
3 Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm.
4 Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép;
5 hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời.
Giải thích
Trong hai câu đầu của đoạn hai, sứ đồ Phao-lô đã trình bày ba đặc điểm trong việc rao giảng Tin Lành: Thứ nhất, không cần dùng lời cao xa, trí thức để rao giảng Tin Lành; Thứ hai, rao giảng Tin Lành như một chứng nhân; Thứ ba, tập trung vào Chúa Giê-xu là trọng tâm sứ điệp. Từ câu 3-5 của chương hai, chúng ta thấy sứ đồ Phao-lô tiếp tục trình bày ba ý thức tiếp theo khi truyền giảng Tin Lành của Đức Chúa Trời.
Thứ tư, rao giảng Tin Lành với thái độ yếu đuối, sợ sệt và run rẩy:
Trong câu 3, sứ đồ Phao-lô cảm thấy mình yếu đuối, sợ hãi và run rẩy khi đối diện với trách nhiệm công bố sứ điệp Tin Lành giữa người Cô-rinh-tô. Điều đó không có nghĩa là vì ông lo lắng khi đứng trước những khó khăn hay thách thức của chức vụ, càng không phải vì giá mà ông phải trả khi công bố Tin Lành. Sở dĩ, sứ đồ Phao-lô tự thừa nhận mình như vậy là vì ông ý thức được trách nhiệm vô cùng lớn lao của công tác rao giảng Tin Lành. Ông cảm thấy yếu đuối vì nhận thức rằng năng lực bản thân không đủ để hoàn tất. Ông sợ sệt và run rẩy vì biết rằng đây là một sứ điệp thiêng liêng, mầu nhiệm chứa đầy ân điển và tình yêu của Đức Chúa Trời. Đối với Phao-lô, việc rao giảng Tin Lành luôn là một công tác vô cùng trọng đại. Bởi đó, nên trong thư II Cô-rinh-tô 5:20, ông dùng từ “khâm sai” hay “đại sứ” để nói lên tầm quan trọng của chức vụ.
Người giảng Tin Lành phải luôn tự ý thức rằng mình đang làm sứ giả của Vua Trời và sứ điệp mình công bố có tính chất và ý nghĩa vô cùng trọng đại. Chỉ khi ý thức như vậy, chúng ta mới không hời hợt bao bọc Tin Lành Đấng Christ bằng lớp vỏ triết lý mà phơi bày Tin Lành ấy một cách rõ ràng để tội nhân chiêm ngưỡng thập tự giá đầy ân điển của Đức Chúa Trời.
Thứ năm, rao giảng Tin Lành bằng Thánh Linh và quyền phép:
Trong câu 4, sứ đồ Phao-lô tuyên bố mình không trình bày lời giảng như cách mà các nhà hùng biện Hy Lạp diễn thuyết, với những ngôn từ trau chuốt và ý tứ bóng bẩy. Điều được tỏ ra trong sứ điệp của ông là Đức Thánh Linh và quyền phép Đức Chúa Trời.
Có một vài ý niệm chúng ta cần giải thích ở đây: Chữ “tỏ ra” trong nguyên ngữ Hy Lạp là một từ được dùng để chỉ về việc đưa ra bằng chứng xác thực trước tòa án. Chữ “quyền phép” hay “quyền năng” là từ chỉ về một nguồn sức mạnh rất lớn, có thể gây bùng nổ. Còn Đức Thánh Linh là Đấng ban sự khôn ngoan, ân tứ cho người giảng và dẫn dắt người nghe vào mọi Lẽ thật của Ngài.
Đức Thánh Linh đã xức dầu trên sứ đồ Phao-lô và khiến sứ điệp ông rao giảng toát ra một nguồn sức mạnh vô biên, gây bùng nổ trong lòng người nghe. Bởi đó, tấm lòng chai đá bị vỡ vụn và trở nên mềm mại trước thập tự giá của Đấng Christ. Sức mạnh đó được minh chứng bằng những phép lạ cặp theo lời giảng và rõ ràng hơn qua hành động hạ mình ăn năn tin nhận Chúa của tội nhân.
Trong Rô-ma 15:18-19, sứ đồ Phao-lô làm chứng về chức vụ mình như sau: “Vì tôi chẳng dám nói những sự khác hơn sự mà Đấng Christ cậy tôi làm ra để khiến dân ngoại vâng phục Ngài, bởi lời nói và bởi việc làm, bởi quyền phép của dấu kỳ phép lạ, bởi quyền phép của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Ấy là từ thành Giê-ru-sa-lem và các miền xung quanh cho đến xứ I-ly-ri, tôi đã đem đạo Tin lành của Đấng Christ đi khắp chốn.”
Phục vụ Chúa trong thời đại hôm nay, người giảng Tin Lành rất cần sự xức dầu của Đức Thánh Linh, hầu cho sứ điệp Tin Lành được rao giảng trong quyền năng Đức Chúa Trời, nhằm hủy phá các đồn lũy của ma quỷ, giải phóng tội nhân khỏi xiềng xích tội lỗi và sự chết.
Thứ sáu, rao giảng Tin Lành với mục đích kéo tội nhân đến với Chúa:
Trong câu 5, sứ đồ Phao-lô giải thích cho các tín hữu Cô-rinh-tô lý do ông không giảng Tin Lành cho họ bằng lời lẽ khôn ngoan như các triết gia Hy Lạp là để họ không đặt đức tin mình trên sự khôn ngoan của con người. Trái lại, ông rao giảng trong sự xức dầu của Đức Thánh Linh với quyền phép Đức Chúa Trời là để xác lập đức tin họ nơi chính Ngài.
Người giảng cần xác định mục đích duy nhất của sứ điệp là kéo tội nhân đến thập tự giá của Đấng Christ với tấm lòng ăn năn tội lỗi và tiếp nhận Đức Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa. Còn bản thân người giảng chỉ là kẻ tôi tớ hèn mọn của Đức Chúa Trời được sai phái làm sứ giả của Phúc Âm, theo đúng tinh thần mà sứ đồ Phao-lô truyền dạy trong II Cô-rinh-tô 5:20: “Vậy chúng tôi làm chức khâm sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhân danh Đấng Christ mà nài xin anh em: Hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.”
Bạn thân mến! Rao giảng Tin Lành Đấng Christ là sứ mạng trọng đại mà Chúa đã ủy thác cho chính bạn và tôi trong thời đại hôm nay. Mỗi người chúng ta cần phải thấy mình thật yếu đuối, sợ hãi và run rẩy trước sứ mạng lẫn sứ điệp mình nhận lãnh để công bố. Hãy chạy ngay đến với Đức Chúa Trời để tìm kiếm sự đổ đầy của Đức Thánh Linh và quyền phép Ngài, hầu cho chúng ta sẽ rao giảng Tin Lành trong ơn Chúa và kéo nhiều tội nhân trở về với Cứu Chúa Giê-xu.
Cầu nguyện
Kính lạy Đức Chúa Trời! Con tự biết mình yếu đuối và kém thiếu, không đủ năng lực để hoàn tất ơn gọi của Chúa. Con cầu xin Đức Thánh Ngài đầy dẫy trên đời sống và chức vụ của con. Con xin Ngài ban thêm sức mới, quyền năng và ân tứ Thánh Linh cho con cũng như cho những người rao giảng Tin Lành của Ngài trên khắp thế giới. Nguyện danh Thiên Chúa được tôn cao và nhiều người được cứu chuộc. Con thành tâm cầu nguyện, nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.
NPH
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét