Sáng Thế Ký | Người Đánh Trận
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Kính chào quý vị trong tình yêu của Chúa Jesus!
Có lẽ quý thính giả của Mana Thuộc Linh hẳn sẽ có nhiều người ở nhiều độ tuổi khác nhau, và đặc biệt cũng có những người thuộc thế hệ ông bà, cha mẹ đi trước. Tôi không sinh ra trong thời chiến, nhưng mỗi khi nghe ông bà hay cha mẹ kể về những cuộc chiến tranh, những pha vượt cạn đầy cam go hiểm nguy không kém phần hấp dẫn, tôi lại thấy rất thích thú. Là người được nghe kể thì có lẽ chẳng thể hiểu hết được những cảm giác khốn khổ, cực nhọc khi ấy. Nhưng nếu là những người lính từng trải trong những trận chiến khốc liệt thì hẳn sẽ có rất nhiều cảm xúc không thể quên.
Chúng ta ngày nay tuy đang sống trong hòa bình, nhưng ẩn sâu bên trong vẫn là những cuộc vật lộn hằng ngày với bản ngã, xác thịt, với những thế lực của không trung mờ tối này. Tuy không là người lính đội mũ, mặc quân phục, cầm súng ra chiến trường nhưng chúng ta, mỗi một Cơ Đốc nhân vẫn là những NGƯỜI ĐÁNH TRẬN trong cuộc chiến thuộc linh từng ngày. Thân mời các bạn cùng học Lời Chúa hôm nay trong Sáng Thế Ký 14:13-16 để cùng tìm hiểu về những người lính thuộc Chúa là như thế nào nhé!
13 Có một người thoát được chạy đến báo điều đó cùng Áp-ram, là người Hê-bơ-rơ. Áp-ram ở tại lùm cây dẻ bộp của Mam-rê, là người A-mô-rít, anh của Ếch-côn và A-ne; ba người nầy đã có kết ước cùng Áp-ram.
14 Khi Áp-ram hay được cháu mình bị quân giặc bắt, bèn chiêu tập ba trăm mười tám gia nhân đã tập luyện, sanh đẻ nơi nhà mình, mà đuổi theo các vua đó đến đất Đan.
15 Đoạn Áp-ram chia bọn đầy tớ mình ra, thừa ban đêm xông hãm quân nghịch, đánh đuổi theo đến đất Hô-ba ở về phía tả Đa-mách.
16 Người thâu về đủ hết các tài vật mà quân giặc đã cướp lấy; lại cũng dẫn cháu mình, là Lót cùng gia tài người, đàn bà và dân chúng trở về.
Giải thích
Thái độ của ông Áp-ra-ham không tham dự trong cuộc chiến cho đến khi ông nghe rằng Lót đã bị bắt, và sau đó ông bắt đầu hành động. Áp-ra-ham được biệt riêng, nhưng không cô lập; ông độc lập, nhưng không hờ hững. Thật ra, ông và một số trưởng tộc địa phương đã lập một liên minh cho những trường hợp khẩn cấp như thế (câu 13). Ông là “Áp-ra-ham, người Hê-bơ-rơ” nghĩa là “người ngoại cuộc, người không có địa vị vững chắc trong xã hội”. Ông không phải là “Áp-ra-ham người cứng lòng”. Ông là một “người bộ hành và khách lạ” trong xứ, nhưng đó không phải là cớ để không hành động hay hợp tác với người của xứ đó. Thật là một gương lớn cho chúng ta học hỏi từ Áp-ra-ham. Chúng ta không sống tách biệt khỏi thế gian và trở nên những cộng đồng cô lập. Chúng ta chỉ không nên thỏa hiệp với điều sẽ gây ảnh hưởng cho đời sống tâm linh. Chúng ta vẫn có thể hợp tác với xã hội, với quốc gia trong những công tác giúp đỡ, chăm sóc mọi người nhằm đẩy mạnh phúc lợi chung. Sự phục vụ đầy hy sinh là một cách bày tỏ tình yêu của Đấng Christ cho người khác (Ma-thi-ơ 5:16). Nếu các Cơ Đốc nhân không mang phần gánh nặng chung của đời sống, làm sao họ có thể là muối của đất và sự sáng của thế gian?
Áp-ra-ham quan sát, quan tâm và cầu thay cho Lót nhưng không có nghĩa ông can thiệp quá sâu vào cuộc sống của cháu mình. Ông tôn trọng với những lựa chọn của Lót. Và ngay khi cần sự giúp đỡ, ông đã không ngần ngại đứng lên chiêu tập đội quân sau khi hay được tin cháu mình bị quân giặc bắt (câu 14). Dù là con người của hòa bình nhưng Áp-ra-ham vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho những chiến trận. Ông không đánh trận từ những động cơ ích kỷ để tư lợi, ông đánh trận vì ông yêu Lót và muốn giúp Lót.
Khi xem xét những đặc điểm của quân đội Áp-ra-ham, chúng ta thấy có những điều cần có trong lĩnh vực thuộc linh để có sự chiến thắng thế gian.
Đầu tiên, họ được sinh ra trong nhà của ông. Nói về mặt thuộc linh, điều này nhắc chúng ta rằng: “Hễ sự gì sanh bởi Đức Chúa Trời thì thắng hơn thế gian.” (Giăng 5:4).
Thứ hai, họ là những người được trang bị. Còn có nhiều hơn là lòng nhiệt thành và sự can đảm để thắng một cuộc chiến. Bạn cũng phải có sự trang bị hữu hiệu. Chiến sĩ Cơ Đốc phải mang toàn bộ áo giáp của Đức Chúa Trời và sử dụng những vũ khí thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã cung cấp (Ê-phê-sô 6:10-18).
Thứ ba, họ đã được tập luyện. Cho dù sự trang bị của họ tốt đẹp thế nào, nếu các chiến sĩ không được huấn luyện, họ sẽ dễ dàng bị đánh bại. Cũng vậy, một trong những mục đích của Hội Thánh địa phương là huấn luyện dân sự Đức Chúa Trời cách sử dụng Kinh Thánh hữu hiệu, cách cầu nguyện, cách nhận biết kẻ thù, và cách làm theo những mệnh lệnh như chiến sĩ trong đội quân của Đấng Christ. Tất cả họ hợp nhất vâng theo sự hướng dẫn của Áp-ra-ham và giành được chiến thắng vẻ vang.
Một người lính của quân đội Đấng Christ là người được sinh bởi Đức Chúa Trời, được trang bị đủ khí giới, được tập luyện mỗi ngày, là người có tinh thần vâng phục người lãnh đạo, họ chuẩn bị sẵn sàng để trở thành người đánh trận tốt lành!
Bạn có đang là một người lính trong quân đội của Đấng Christ không?
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu! Con cảm tạ ơn Chúa vì con thuộc Ngài, được Ngài trang bị cho những khí giới và được rèn tập mỗi ngày để trở thành người đánh trận cho Đấng Christ. Xin giúp con không gục ngã nhưng có sức mới từ Chúa ban để vững vàng chiến đấu cho đến ngày con gặp được Ngài. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen!
Thiên Mỹ Ngôn
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét