Lu-ca | Lu-ca: Bác Sĩ, Sử Gia, Tác Giả Phúc Âm Thứ Ba
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em thân mến trong tình yêu của Chúa Giê-xu!
Lu-ca vốn được biết đến như là một thầy thuốc, một nhà nghiên cứu lịch sử và đặc biệt hơn là ông đã được Đức Chúa Trời cảm động để trở thành người ký thuật thông điệp Phúc Âm của Chúa Giê-xu, được gọi là Phúc Âm Lu-ca. Đây cũng là bản ký thuật thứ ba trong bốn sách Phúc Âm viết về cuộc đời và công tác của Chúa Giê-xu trên đất.
Lu-ca là một người ngoại quốc chứ không phải là người Do Thái, nhưng ông đã có một sự đóng góp lớn lao trong việc rao truyền tin tức tốt lành về Chúa Cứu Thế Giê-xu: “bởi Con Người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu-ca 19:10). Qua sự ký thuật của mình, Lu-ca giới thiệu về Chúa Giê-xu Christ, Con Người đầy lòng thương xót đã đến giữa tội nhân, yêu thương, giúp đỡ và chết thay cho chúng ta. Qua sách Phúc Âm này, chúng ta sẽ gặp nhiều người: đoàn dân, đàn ông, phụ nữ, trẻ con, người nghèo, kẻ giàu, tội nhân lẫn thánh đồ. Có thể nói, đây là sách chứa một thông điệp dành cho tất cả mọi người, bởi Lu-ca nhấn mạnh một đặc điểm chung về Chúa Giê-xu và về sự cứu rỗi của Ngài. “… một Tin Lành sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân” (Lu-ca 2:10).
Lu-ca không chỉ viết về câu chuyện của Chúa Giê-xu nhưng ông đã nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm những dữ liệu quan trọng của thời kỳ hình thành và phát triển Hội Thánh từ khi Đức Thánh Linh giáng lâm và ông đã ghi lại thành sách được biết đến trong Kinh Thánh là sách Công vụ các Sứ đồ để Cơ Đốc nhân ngày nay có sự hiểu biết về giai đoạn đầu của lịch sử Cơ Đốc giáo phát triển như thế nào. Bộ sách lịch sử Phúc Âm Lu-ca và sách Công vụ các Sứ đồ thực chất là một bức thư gồm hai phần mà Lu-ca đã viết gửi cho một người có tên là “Thê-ô-phi-lơ”, sau đó được các giáo phụ lưu truyền và đưa vào Kinh Thánh. Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu và học biết về phần thứ nhất của bộ sách lịch sử này là Phúc Âm Lu-ca trong giờ tĩnh nguyện vào thứ năm hằng tuần. Hôm nay chúng ta sẽ cùng suy ngẫm Lu-ca 1:1-4.
1 Hỡi Thê-ô-phi-lơ quí nhân, vì có nhiều kẻ dốc lòng chép sử về những sự đã làm nên trong chúng ta,
2 theo như các người chứng kiến từ lúc ban đầu và trở nên người giảng đạo đã truyền lại cho chúng ta,
3 vậy, sau khi đã xét kỹ càng từ đầu mọi sự ấy, tôi cũng tưởng nên theo thứ tự viết mà tỏ ra cho ông,
4 để ông biết những điều mình đã học là chắc chắn.
Giải thích
Phúc Âm Lu-ca được viết cho độc giả không phải là người Do Thái, qua lời đầu tiên của sách đề tặng cho một người có tên là “Thê-ô-phi-lơ quí nhân” (câu 1) cho thấy đây là một nhân vật cao trọng. Có vài ý kiến khác nhau về nhân vật Thê-ô-phi-lơ.
Thứ nhất, có thể đây là một người ngoại quốc và là một viên chức cao cấp người người Rô-ma. Thứ hai, nhân vật Thê-ô-phi-lơ không hẳn là một người ngoại quốc nhưng là một người ngoại quốc gốc Do Thái nên lấy tên Hy Lạp. Điều này cũng tương tự như ngày nay nhiều người Việt tại hải ngoại lấy tên theo tiếng của quốc gia mà mình sinh sống. Hoặc thứ ba, cũng có quan điểm cho rằng chữ Thê-ô-phi-lơ không dùng để chỉ một nhân vật cá biệt, nhưng ám chỉ một số người. Trong nguyên văn Hy Lạp, chữ Thê-ô-phi-lơ là một danh từ kép gồm hai chữ “theos” (có nghĩa là Đức Chúa Trời) và “philia” (có nghĩa yêu thương hoặc trìu mến). Nếu hiểu theo ý nghĩa này có thể Thê-ô-phi-lơ là một danh từ chung, chỉ về những người yêu mến Chúa.
Cho dù không rõ độc giả của Phúc Âm Lu-ca chính xác là ai nhưng qua đây sứ điệp Tin Lành của Chúa được truyền cho nhân loại và cho mỗi chúng ta ngày nay, là những người đang tìm kiếm lẽ thật về Phúc Âm của Giê-xu. Lu-ca cho biết “trước đây đã có nhiều người ghi chép cuộc đời và chức vụ Chúa Cứu Thế Giê-xu, theo lời tường thuật của các môn đệ đầu tiên và của nhiều nhân chứng. Do đó, tôi đã sưu tầm, kiểm chứng tất cả sử liệu và viết lại theo thứ tự để kính gửi anh xem” (câu 2-3 BDHĐ). Những lời này cho thấy Lu-ca đã sử dụng các ký thuật ấy cùng các nguồn tài liệu có sẵn khác nữa để hoàn tất một sách ký thuật chính xác và đầy đủ về cuộc đời, những sự dạy dỗ và chức vụ của Chúa Giê-xu. Điều này chứng tỏ rằng niềm tin nơi Chúa Giê-xu không phải là niềm tin mù quáng hay cảm xúc nhất thời mà là chúng ta có thể kiểm chứng từ nhiều phương diện, cả trong lịch sử lẫn trong thực tế đời sống của những người đã đặt lòng tin vào Chúa Giê-xu đã được biến đổi thế nào.
Cả Kinh Thánh là nguồn tư liệu quý báu về mặt lịch sử khuyến khích chúng ta hãy học hỏi, nghiên cứu, suy ngẫm, tra xét thật thấu đáo để xác thực bằng chứng sống động về Lời được linh cảm bởi Đức Thánh Linh hầu cho “biết những điều mình đã học là chắc chắn” (câu 4). Vậy, mục tiêu của Lu-ca khi viết Phúc Âm Lu-ca là xây đắp cho người đọc có một lòng tin nơi Lời Đức Chúa Trời, bên cạnh đó cũng nhằm củng cố đức tin để chúng ta có thể đứng vững trước sự tấn công của những triết lý thế gian. Về phương diện tôn giáo Do Thái thì Lu-ca cũng dẫn chứng nhiều ví dụ để cho thấy Kinh Thánh Cựu Ước đã ứng nghiệm một cách chính xác về Đấng Mê-si-a mà họ trông đợi.
Ngày nay chúng ta không cần tìm kiếm ở đâu xa xôi để biết về câu chuyện Phúc Âm của Chúa Giê-xu, vì tất cả đã được các trước giả Thánh Kinh trình bày, họ đã sưu tầm, nghiên cứu và tập hợp để chúng ta có đầy đủ những bằng chứng xác thực về Con Người Giê-xu, và không chỉ nhận biết Ngài bằng sự hiểu biết lý trí mà thôi nhưng chúng ta còn có Đức Thánh Linh dẫn dắt để tiếp nhận sứ điệp của Chúa một cách mới mẻ mỗi ngày qua việc học hỏi và suy ngẫm Lời Chúa cùng với Mana Thuộc Linh.
Nguyện xin Chúa Thánh Linh luôn đồng hành cùng quý thính giả để mỗi ngày quý vị kinh nghiệm càng hơn sự ngọt ngào, sâu nhiệm, tươi mới và đầy sức thuyết phục từ Lời Hằng Sống của Ngài.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu! Chúng con cảm ơn Chúa vì Ngài đã dùng nhiều người trong lịch sử, trong đó có bác sĩ Lu-ca, đã ghi lại câu chuyện của Ngài và lưu truyền cho chúng con ngày nay. Cảm tạ Chúa vì quyển Kinh Thánh mà chúng con có được ngày nay là một bằng chứng xác thực và đáng tin cậy hơn hết bởi sự linh cảm của Chúa Thánh Linh để chúng con học biết và củng cố đức tin của mình nơi Chúa cách vững vàng và sâu sắc hơn. Xin cho con trung tín trong việc học Lời Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét