I Cô-rinh-tô | Nhận Thức Của Người Giảng Tin Lành (I)

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiLu-caRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Kính thưa quý anh chị em thân mến!

Trước lúc thăng thiên, Đức Chúa Giê-xu đã trao phó cho Hội Thánh một sứ mạng trọng đại: “… Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin lành cho mọi người.” (Mác 16:15). Sứ mạng này không phải dành riêng cho một số người, nhưng là sứ mạng chung cho cả Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

Trải qua gần hai nghìn năm, biết bao thế hệ tiền nhân tin kính đã ra đi rao giảng Tin Lành khắp thế giới. Ngày hôm nay, hạt giống Nước Trời lại được trao vào tay của mỗi chúng ta để tiếp tục đi ra gieo giống Tin Lành cho mọi người.

Bài học hôm nay dựa trên I Cô-rinh-tô 2:1-2 sẽ giúp chúng ta nhận biết ý thức về trách nhiệm bản thân khi rao giảng Tin Lành của Đức Chúa Trời qua lời làm chứng của sứ đồ Phao-lô.

1 Hỡi anh em, về phần tôi, khi tôi đến cùng anh em, chẳng dùng lời cao xa hay là khôn sáng mà rao giảng cho anh em biết chứng cớ của Đức Chúa Trời.
2 Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự.

Giải thích

Trong chương một, sau khi vạch trần sự chia rẽ nghiêm trọng trong Hội Thánh Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô tái khẳng định thập tự giá Đấng Christ mới là nền tảng của niềm tin Cơ Đốc chứ không phải là sự khôn ngoan và tri thức của con người.

Bước sang chương hai, sứ đồ Phao-lô công bố rằng chính sứ điệp Tin Lành và quyền phép Thánh Linh là yếu tố quan trọng tác động đến tấm lòng chứ không phải kỹ năng hùng biện của người giảng.

Trong hai câu đầu của chương hai, chúng ta thấy sứ đồ Phao-lô trình bày ba điều về ý thức truyền giảng Tin Lành.

Thứ nhất, không cần dùng lời cao xa, trí thức để rao giảng Tin Lành:

Mở đầu của lý luận, sứ đồ Phao-lô nhắc lại khoảng thời gian đầu khi ông mới đặt chân đến thành Cô-rinh-tô. Ông vốn biết cư dân ở đó yêu chuộng triết lý và kỹ năng hùng biện giống như những người ở thành A-thên vậy. Họ chỉ thích nghe nói về những chuyện mới lạ, chứ không thích nghe giảng về sự chết và sống lại của Chúa Giê-xu (Công vụ 17-18).

Hiểu rõ về văn hóa nghe của người Hy Lạp là vậy, nhưng ngay trong lần công bố sứ điệp Tin Lành đầu tiên ở Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô vẫn dùng lối giảng rất bình dị, tuyệt đối không khoa trương sứ điệp bằng văn chương và triết lý.

Trong câu một, Phao-lô nói mình không dùng lời cao xa hay khôn sáng để giảng Tin Lành Đấng Christ. “Lời cao xa” chính là cách sử dụng những từ ngữ hoa mỹ bóng bẩy để khoa trương sứ điệp, còn “lời khôn sáng” chính là vận dụng cách thức hùng biện sắc sảo với những lý lẽ đầy tri thức triết học để thuyết phục người nghe.

Người giảng Tin Lành không phải là một triết gia, mà là một sứ giả được Đức Chúa Trời sai đi công bố sứ điệp cứu rỗi tội nhân. Người ấy phải tập trung vào mục đích của sứ điệp, là kéo tội nhân đến với thập tự giá của Đức Chúa Giê-xu. Ngược lại, nếu người giảng chỉ lo tập trung vào kỹ năng rao giảng hơn là sứ điệp Tin Lành thì thính giả sẽ đến với người giảng chứ không đến với Đấng Christ, và họ sẽ đặt đức tin mình trên sự khôn ngoan của loài người.

Thứ hai, rao giảng Tin Lành như một chứng nhân của sứ điệp:

Cũng trong câu một, sứ đồ Phao-lô nói ông rao giảng “chứng cớ” của Đấng Christ. Chữ “chứng cớ” ở đây cũng có thể được dịch là “mầu nhiệm”. Tuy nhiên, dựa vào sự liền mạch ý tưởng giữa câu một và câu hai, cũng như việc ông nói với tín hữu Cô-rinh-tô về lời chứng mà họ đã nhận nơi ông (I Cô-rinh-tô 1:6), thì chữ này được dịch là “chứng cớ” sẽ phù hợp hơn.

Sứ đồ Phao-lô đã rao giảng về Đấng Christ mà ông đã gặp trên đường Đa-mách. Sứ điệp về thập tự giá Đấng Christ không phải là một triết lý nhưng là một kinh nghiệm thực tế trong cuộc đời sứ đồ Phao-lô. Trong câu hai, ông công bố: “Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự”. Sứ điệp đó không giống như các câu chuyện phi thực tế về các vị thần linh trong triết học Hy Lạp, mà là một sự thật lịch sử mà Phao-lô là một chứng nhân.

Người rao giảng Tin Lành phải là một chứng nhân thực sự của sứ điệp, và lời chứng đó không cần phô trương bằng những từ ngữ hoa mỹ. Điều quan trọng là chính người giảng đã nếm trải quyền phép của Tin Lành, và cứ thế thuật lại một cách chính xác, như lời Chúa Giê-xu nhắn nhủ với người đàn ông ở Giê-ra-sê: “Hãy về nhà ngươi, nơi bạn hữu ngươi, mà thuật lại cho họ điều lớn lao thể nào Chúa đã làm cho ngươi, và Ngài đã thương xót ngươi cách nào.” (Mác 5:19)

Thứ ba, tập trung vào Chúa Giê-xu là trọng tâm sứ điệp:

Trong câu hai, sứ đồ Phao-lô tuyên bố rằng khi ông ở giữa người Cô-rinh-tô, thì ông quyết định là không quan tâm đến điều gì khác ngoài rao giảng sứ điệp Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh trên cây thập tự. Sứ đồ Phao-lô không cần tìm kiếm một sứ điệp khác, với một phương thức trình bày khác. Điều duy nhất lôi cuốn ông là thập tự giá của Đấng Christ và huyết cứu chuộc của Ngài là trọng tâm sứ điệp ông rao giảng.

Rất nhiều người giảng ngày nay đã xa rời sứ điệp về thập tự giá của Đức Chúa Giê-xu. Họ tìm kiếm những sứ điệp phù hợp với tai nghe của thính giả để làm vừa lòng họ. Bởi đó, họ rao giảng một Tin Lành khác với Tin Lành của Đức Chúa Trời. Bên cạnh đó, cũng có không ít những người giảng đã lạm dụng các phương tiện kỹ thuật một cách thái quá để khơi gợi cảm xúc người nghe, hầu mong họ đáp ứng tích cực với sứ điệp của mình. Tất cả những người giảng cần phải quay trở lại với Tin Lành thật của Đức Chúa Giê-xu, và tuyên bố giống như sứ đồ Phao-lô: “Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự.” (I Cô-rinh-tô 2:2).

Bạn thân mến! Nếu bạn là một người mới tiếp nhận Tin Lành, bạn hãy xét lại Tin Lành mà bạn đang tin theo là Tin Lành của Đấng Christ hay là một Tin Lành khác? Nếu Chúa Giê-xu không phải là trung tâm của đức tin, thì ngay bây giờ, bạn hãy chạy đến với Ngài để mời Chúa vào lòng. Nếu bạn là một người giảng Tin Lành, ước mong bạn sẽ là một chứng nhân cho thập tự giá của Đấng Christ ấy mới là trọng của tâm sứ điệp.

Cầu nguyện

Kính lạy Đức Chúa Giê-xu Christ! Cảm tạ Chúa vì con mà Ngài đã chịu đóng đinh trên thập tự giá. Con vui mừng lắm vì con đã nếm trải ơn phước đời đời của thập tự giá Ngài. Xin xức cho con quyền năng Thánh Linh để con bước ra làm một chứng nhân hữu hiệu cho vương quốc Ngài. Con thành tâm cầu nguyện, nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.

NPH

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa