Truyền Đạo | Chớ Vội Bỏ Đi
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Thưa quý anh chị em!
Ngày nay khi mọi chế độ quân chủ trên thế giới đã qua đi rồi, có lẽ câu nói của Khổng Tử “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” có nghĩa là “vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chịu chết là bất trung” chỉ làm cho chúng ta mỉm cười vì thấy có một thời kỳ người ta đã trung quân một cách hết sức mù quáng. Liệu có ai ngày nay có thể trung thành với người lãnh đạo của mình nếu người lãnh đạo nổi giận quát tháo. Chúng ta sẽ cùng nhau suy ngẫm câu nói của vua Sa-lô-môn trong Truyền Đạo 10:4.
Nếu người lãnh đạo nổi giận quát tháo, Chớ vội bỏ đi, vì thái độ ôn hòa tháo gỡ được những lỗi lầm nghiêm trọng. [KT BDM]
Giải thích
Người lãnh đạo của chúng ta ngày nay có thể là vị lãnh tụ của đất nước, giám đốc của công sở, mục sư đang quản nhiệm Hội Thánh, trưởng ban ngành đang hướng dẫn chúng ta trên con đường thờ phượng và theo Chúa. Có mối dây quan hệ nào trong đời mà không có những lúc căng thẳng? Nhất là khi người dưới quyền không hiểu được ý định, không rõ được khải tượng, mong ước của người lãnh đạo, và không làm đúng ý của người lãnh đạo. Và khi có sự căng thẳng xảy ra, phải chăng có lúc người lãnh đạo đã quá nóng giận, đã quát tháo ầm ĩ, đã dùng những lời không hay khiến chúng ta phải bẽ mặt trước những người cùng làm việc với mình hoặc những nhân viên khác dưới quyền mình? Lúc đó có thể có hai cách phản ứng:
Hoặc vì thấy mình bị oan ức, thấy thái độ của người lãnh đạo là quá đáng, thấy mình bị ức hiếp, chúng ta sẽ bỏ đi; Hay cũng thấy mình có một phần lỗi ở đó và chúng ta nín chịu chờ cho cơn giận của người lãnh đạo mình qua đi.
Cho dù là bị oan hay có phần lỗi của mình, dường như thái độ ôn hòa hay điềm tĩnh trong một hoàn cảnh căng thẳng như thế sẽ có nhiều cái lợi, và giúp chúng ta tránh được nhiều thiệt hại, có thể kể ra là:
Khi vội bỏ đi, chúng ta bày tỏ thái độ thiếu trách nhiệm với những gì đã xảy ra. Ai sẽ là người sửa chữa lại những gì đã hỏng, đã gây khó chịu tức giận cho chủ hay cho người lãnh đạo? Ai sẽ làm tiếp những gì cần phải được làm? Phải chăng cơn tức bực của chúng ta cao hơn là trách nhiệm trước công việc chung? Thiệt hại lớn của công ty, của Hội Thánh chắc chắn sẽ tránh được khi chúng ta vẫn ở đó trong vị trí của mình, có phải không?
Khi vội bỏ đi, chúng ta bày tỏ thái độ thiếu phục tùng, làm cho cơn phẫn nộ của người lãnh đạo mình càng như dầu đổ vào lửa. Làm sao có thể tránh được hậu quả đáng tiếc nếu người sẽ quyết định giáng chức hoặc cho chúng ta thôi việc? Nhiều năm xây đắp cho công ăn việc làm, cho vị trí chúng ta có được hiện tại có thể sẽ bị mất vì một lần chúng ta không dằn được cơn tức bực của mình.
Đó là trong cách xử sự bình thường của người đời. Trong Chúa, chúng ta lại càng có lý do để khiêm hòa trước những hoàn cảnh căng thẳng xảy ra. Chẳng những với người trên mình, vì họ có cái nhìn bao quát hơn mình về công việc chung, lại có trách nhiệm lớn hơn mình, mà còn phải khiêm hòa, điềm tĩnh với những anh chị em cùng làm việc với mình nữa. Đức Chúa Giê-xu há chẳng từng dạy một thái độ thuận phục kể cả đối với những việc bất công, bất hợp lý khi Ngài phán “nếu ai vả má bên phải, hãy đưa luôn má bên kia cho người ấy”, hoặc “nếu ai bắt con đi một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm” (Ma-thi-ơ 5:39, 41). Cách giữ sự điềm tĩnh, ôn hòa để được việc cho mình có nhiều khi phải được trả giá bằng sự nín chịu và thua thiệt như thế. Sau này Phao-lô cũng dạy anh chị em tín hữu “thà là chịu sự bất công, thà là chịu bị lừa gạt” còn hơn là tìm cách đáp trả lại (I Cô-rinh-tô 6:7). Chúng ta cũng được khuyên “hãy vâng lời những người lãnh đạo và thuận phục họ, bởi họ chịu trách nhiệm về linh hồn anh chị em như người sẽ phải khai trình” công việc ấy trước mặt Chúa (Hê-bơ-rơ 13:17).
Sự mềm mại ngăn ngừa tội lỗi lớn. Những rạn nứt có thể được hàn gắn bởi sự khiêm hòa, mềm mại của chúng ta. Chúa luôn luôn ban phước cho một cộng đồng biết nhường nhịn, biết yêu thương để giữ gìn sự hiệp nhất trong Ngài. Để làm một người lãnh đạo tốt, một người chăn chiên tốt, trước hết chúng ta phải học sự thuận phục và học thái độ khiêm hòa.
Cầu nguyện
Lạy Cha ái từ! Xin cho chúng con một tấm lòng mềm mại, khiêm nhường, để trước những căng thẳng có thể xảy ra trong công việc, chúng con có thể nhịn nhục, không rời khỏi chỗ đứng của mình. Nhờ đó, công việc được tiếp tục, trách nhiệm gây dựng Hội Thánh được chu toàn. Nhờ đó Hội Thánh sẽ tránh được sự chia rẽ bất hòa. Cha ơi, vì chỉ khi chúng con làm việc với nhau trong sự hòa hợp thì mới được Cha ban phước. Xin giúp anh chị em con và chính con luôn nhớ điều đó. Amen.
Ân Điển
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét