Truyền Đạo | Phải Thận Trọng
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Thưa quý anh chị em!
Những âm mưu gài bẫy, những hành động toan tính dời mộc giới, hoặc những việc làm thiếu suy xét, thiếu thận trọng của con người để trả thù, để chiếm đoạt, hoặc để tấn công người từng hiếp đáp hoặc đối xử không ra gì với mình, thường dẫn đến những sự thiệt hại cho chính bản thân chúng ta. Trong sách Truyền Đạo, sau khi nói về việc một người lãnh đạo có thể giận dữ quát tháo gây sỉ nhục, mất mặt cho người dưới quyền mình, chúng ta bắt gặp những câu cảnh báo của Sa-lô-môn trong Truyền Đạo 10:8-9 như sau:
8 Ai đào hố có thể bị rơi xuống hố, Ai phá đổ bờ tường có thể bị rắn cắn.
9 Ai đập đá có thể bị đá đè, Ai bổ củi có thể bị củi gây thương tích.
[BDM]
Giải thích
Người đào hố luôn có một chủ đích, hoặc tìm tòi bới móc những thứ quý giá có thể giấu trong đó, hoặc để giăng bẫy bắt một con thú mạnh hơn mình. Nếu vô ý họ có thể té vào cái hố họ đã đào. Mình muốn hại người nhưng chính mình đã bị hại!
Người phá đổ một bức tường là muốn cất bỏ một cản trở, phá bỏ ranh giới ngăn chỗ đứng của mình với phía bên kia. Nếu vô ý, con rắn nằm trong khe nứt hoặc một nơi đâu đó sau bức tường có thể nhảy ra cắn và làm mình chết. Một mưu định cuối cùng đã bị tan vỡ vì một yếu tố mà người đó không thể tính toán trước!
Tương tự như vậy, người đập đá hoặc vì vô ý, vì không phải đó là việc chuyên môn của mình, mà có thể bị đá đè. Người bổ củi có thể bị gây thương tích. Bất kỳ một hành động nào sử dụng bạo lực cũng có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân mình.
Phải chăng những việc làm được mô tả ở đây là những điều bạo động, xấu xa, trường hợp thứ nhất: Đào hố một cách thầm lén để hại người và cuối cùng chính mình bị rơi xuống đó. Trường hợp thứ hai: Phá tường để xóa bỏ rào cản và bị rắn cắn. Hai trường hợp sau, người đập một hòn đá lớn có thể bị nó đè và người bửa củi có thể vì củi văng ra khiến mình bị thương. Dù đó là việc làm gì, một động cơ thầm lén để hại người, một hành động dùng bạo lực đều là những hành vi xấu.
Những câu nói được sưu tập trong sách Truyền Đạo của Sa-lô-môn là sự khôn ngoan ở đời giúp người đọc soi mình và tránh một cách sống tiêu cực. So với sự khéo léo của người đời này tìm cách để tránh tai họa có thể xảy đến cho bản thân mình thì đạo đức trong Cơ Đốc giáo cao hơn và xa hơn nhiều. Đức Chúa Giê-xu dạy không chống cự kẻ dữ, “trái lại, nếu ai vả má bên hữu, hãy đưa má bên kia cho họ luôn” (Ma-thi-ơ 5:39). Ngài muốn con dân của nước trời lấy điều lành trả cho điều dữ, bày tỏ tình yêu thương với kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho người bắt bớ mình (Ma-thi-ơ 5:44). Tôn giáo thật là tôn giáo khởi đầu từ sự tẩy sạch trong tấm lòng chứ chẳng phải chỉ ở bề ngoài. Con cái Chúa phải mang tâm hồn bao dung, rộng lượng của Cha trên trời, là Đấng “khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho người công bình lẫn người độc ác” (Ma-thi-ơ 5:45).
Đạo đức mà không có thực hành chỉ là đạo đức trong sách vở hoặc trên môi miệng. Đức Chúa Giê-xu chẳng những giảng dạy đạo đức của người công dân Nước Trời, Ngài còn làm gương bằng chính đời sống của mình. Trên thập tự giá những lời cầu nguyện Ngài chứng tỏ Ngài yêu thương kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình. Ngài thưa với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34). Ê-tiên, thánh tử đạo đầu tiên trong lịch sử Cơ Đốc giáo, đang khi bị người ta ném đá, trước lúc lìa đời, đã quỳ xuống kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội cho họ” (Công Vụ 7:60). Lời cầu nguyện của Đức Chúa Giê-xu trên thập tự giá đã cảm hóa được tấm lòng chai đá, tội lỗi của tên trộm cướp bị đóng đinh trên đồi Sọ ngày hôm ấy. Thái độ yêu thương kẻ thù của Ê-tiên trước khi tử đạo có lẽ đã tiếp tục hành động trong lòng của Sau-lơ, người đứng đó ủng hộ cho việc làm ác độc của đám đông, mà sau này đã ăn năn và trở thành nhà truyền giáo nổi tiếng Phao-lô.
Chính tình yêu thương mới là động lực biến đổi trái tim con người chứ không phải thái độ thù hận, hoặc mưu toan trả thù bằng cách đào hầm, giăng bẫy hoặc phá tường, đập đá, bửa củi! Bạo lực thường kéo theo bạo lực. Để bạo lực dừng lại đã có một Đấng chịu đựng tất cả những bất công và bạo lực. Bạn có muốn làm người đi theo dấu chân Ngài không?
Cầu nguyện
Lạy Cha ái từ! Xin giúp chúng con dừng ngay mọi ý định đào hố, giăng bẫy để hại kẻ thù mình. Xin giúp chúng con chớ mưu toan những điều ác và không bao giờ cần đến bạo lực. Thay vì cầm gươm hay một thứ vũ khí nào đó để chống trả, hoặc rắp tâm làm một việc thầm kín để báo thù, thì Cha ơi, xin ban cho chúng con lòng yêu thương để có thể đối xử tốt với những người ăn ở xấu. Amen.
Ân Điển
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét