Sáng Thế Ký | Lắng Nghe Cảm Xúc
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Kính chào quý vị trong tình yêu của Chúa Jesus!
Có hai điều rất tuyệt vời mà Đức Chúa Trời ban tặng cho con người, giúp con người trở nên vượt trội hơn những loài khác, đó là lý trí và con tim. Lý trí giúp con người phân định đúng sai, biết suy tính thiệt hơn, biết sáng tạo,… Lý trí giúp con người thấu hiểu, phân tích để tìm ra cách giải quyết vấn đề. Mặt khác, con tim hay tình cảm gợi lên một cái gì đó mềm mỏng, dịu dàng hơn. Người ta thường tin vào những gì lý trí nói, vì nó có căn cứ, lập luận vững chắc. Thế nhưng, con tim cũng có thứ ngôn ngữ của riêng nó, không khô khan cứng nhắc như lý trí mà nhẹ nhàng tuôn trào như một suối nước vô hình từ bên trong. Nếu IQ là chỉ số thông minh thuộc về lý trí thì EQ là chỉ số cảm xúc để diễn đạt con tim muốn gì.
Cơ Đốc nhân, những người đi theo Chúa Jesus cũng có cả lý trí và tình cảm. Nhưng nhiều người cho rằng LẮNG NGHE CẢM XÚC không phải là điều nên làm trong hành trình bước theo Chúa. Liệu điều này có đúng không? Thân mời bạn cùng tìm câu trả lời trong Sáng Thế Ký 15:1 hôm nay nhé!
1 Sau các việc đó, trong sự hiện thấy có lời Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Hỡi Áp-ram! ngươi chớ sợ chi; ta đây là một cái thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.
Giải thích
Nếu như Sáng Thế Ký 14 nói nhiều về những hành động của đức tin đến từ Áp-ra-ham thì Sáng Thế Ký 15 lại đề cập đến những cảm xúc của ông. Người có đức tin cũng có những cảm xúc, việc coi thường những cảm xúc là một sai lầm nghiêm trọng vì điều đó dễ dẫn đến đời sống mất quân bình.
Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, và cảm xúc không nằm ngoài phạm vi này. Mặc dù thật rồ dại khi chỉ tin cậy vào cảm xúc mà bỏ qua tâm trí, hay để cảm xúc kiểm soát mọi thứ trong cuộc đời. Nhưng cũng chẳng phải là khôn ngoan khi phủ nhận và đè nén những cảm xúc để rồi trở nên những robot tôn giáo cứng nhắc. Những bài Thi Thiên là những minh chứng của tác giả về những cảm xúc của mình, họ bày tỏ sự đau đớn, khổ sở, buồn thảm, vui mừng, hân hoan,… muôn vàn những cảm xúc một cách thành thật trước mặt Chúa. Một bằng chứng sống động và chân thật hơn nữa là chính Chúa Jesus. Trong những năm thi hành chức vụ trên đất Ngài cũng có những cảm xúc vui, buồn, hay giận.
Cuộc chiến đề cập trong Sáng Thế Ký 14 đã giành chiến thắng vẻ vang, nhưng tại sao Áp-ra-ham lại sợ hãi? Trước hết, ông cũng là con người, ông tan vỡ với những nỗi âu lo, sợ hãi bốn vua kia sẽ có thể trở lại với những quân đồng minh khác đánh bại ông. Ông e ngại rằng nếu mình bị giết đi thì lời hứa về dòng dõi rồi sẽ ra sao? Bạn chắc chắn cần phải lắng nghe cảm xúc của mình và thành thật về chúng. Bác sĩ tâm thần David Viscott viết: “Khi một người gánh vác trách nhiệm đối với những cảm xúc của mình, người ấy gánh vác trách nhiệm đối với thế giới của mình”. Nhưng đừng dừng lại ở đó; hãy thú nhận cảm xúc của mình và để thời gian lắng nghe Đức Chúa Trời, tiếp nhận những lời khích lệ của Ngài. Rõ ràng Kinh Thánh không có câu chữ khẳng định Áp-ra-ham sợ hãi, nhưng qua lời phán của Đức Giê-hô-va, ta thấy được ông đã sợ và thú nhận điều đó với Chúa. Vì thế Chúa phán cùng ông: “Hỡi Áp-ram! Ngươi chớ sợ chi (câu 1a)”. Đây là lần đầu tiên Kinh Thánh nói đến cụm từ “có lời Đức Giê-hô-va”. Nó được sử dụng hơn 100 lần trong Cựu Ước, cũng là lời khích lệ đầu tiên rằng: “Đừng sợ”, cụm từ này sau đó được lặp lại cho Y-sác, Gia-cốp, rồi truyền đến dân Y-sơ-ra-ên. Lời của Đức Chúa Trời có năng quyền để an ủi, khích lệ hay động viên chúng ta. Đức tin chiến thắng sự sợ hãi là đức tin nơi Lời Chúa, chứ không phải niềm tin nơi những cảm xúc.
Phương thuốc của Đức Chúa Trời cho sự sợ hãi của Áp-ra-ham là nhắc ông nhớ Ngài là ai? “Ta đây là một cái thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.” (câu 1b). Lời nói “TA LÀ” của Đức Chúa Trời như một sự khẳng định chắc chắn với ý nghĩa “hãy yên lặng, và biết rằng ta là Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 46:10). Nếu bạn dành mọi thời gian để nhìn chính mình, bạn sẽ nản lòng, nhưng nếu bạn nhìn Đức Chúa Trời bằng đức tin, bạn sẽ được khích lệ. Vì Ngài là sự bảo vệ (cái thuẫn) và là nguồn chu cấp (phần thưởng) không dời đổi cho những ai tin nhận Ngài.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu! Con cảm ơn Chúa đã ban cho con những cảm xúc. Xin Chúa giúp con luôn thành thật với cảm xúc của mình trước Chúa. Xin cho con bước đi bởi lòng tin cậy Chúa sau khi đã đặt hết những cảm xúc ấy xuống dưới chân Ngài. Cảm ơn Chúa ban cho con Lời Ngài để đảm bảo rằng con không bị trói buộc bởi những cảm xúc mà có được sự yên ủi và nhận lãnh lời hứa từ Ngài. Con biết ơn và cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen!
Thiên Mỹ Ngôn
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét