Lu-ca | Sự Hoài Nghi
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Theo lời Kinh Thánh, kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời đã được hoạch định từ buổi sáng thế, và dự báo qua các tiên tri trong thời Cựu Ước. Sau 400 năm yên lặng, Đức Chúa Trời bắt đầu khởi động kế hoạch này qua một số nhân vật. Tất cả họ đều là những con người rất đỗi bình thường, mặc dù địa vị xã hội, hoàn cảnh sống khác nhau có thể khiến người khác không nhận thấy những khiếm khuyết ẩn bên trong con người họ. Mắc xích đầu tiên trong chuỗi nhân vật được Đức Chúa Trời sử dụng đó là thầy tế lễ Xa-cha-ri. Chúng ta cùng tìm hiểu nhân vật này trong Phúc Âm Lu-ca 1:8-13 và 18-20.
8 Vả, Xa-cha-ri cứ theo thứ tự trong ban mình mà làm chức tế lễ trước mặt Đức Chúa Trời.
9 Khi đã bắt thăm theo lệ các thầy cả lập ra rồi, thì người được gọi vào nơi thánh của Chúa để dâng hương.
10 Đương giờ dâng hương, cả đoàn dân đông đều ở ngoài cầu nguyện.
11 Bấy giờ có một thiên sứ của Chúa hiện ra cùng Xa-cha-ri, đứng bên hữu bàn thờ xông hương.
12 Xa-cha-ri thấy, thì bối rối sợ hãi.
13 Nhưng thiên sứ nói cùng người rằng: Hỡi Xa-cha-ri, đừng sợ, vì lời cầu nguyện ngươi đã được nhậm rồi. Ê-li-sa-bét, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, ngươi khá đặt tên là Giăng.
18 Xa-cha-ri thưa rằng: Bởi sao tôi biết được điều đó? Vì tôi đã già, vợ tôi đã cao tuổi rồi.
19 Thiên sứ trả lời rằng: Ta là Gáp-ri-ên, đứng trước mặt Đức Chúa Trời; Ngài đã sai ta đến truyền cho ngươi và báo tin mừng nầy.
20 Nầy, ngươi sẽ câm, không nói được cho đến ngày nào các điều ấy xảy ra, vì ngươi không tin lời ta, là lời đến kỳ sẽ ứng nghiệm.
Giải thích
Mở đầu cho một sự kiện trọng đại trong lịch sử con người, Xa-cha-ri được giới thiệu cách vắn tắt nhưng đầy đủ về nhân thân trong Lu-ca 1:5-6 như sau: chức danh là thầy Tư tế thuộc ban A-bi-a, dưới thời cai trị của vua Hê-rốt nước Giu-đê. Vợ là Ê-li-sa-bét cũng thuộc chi phái A-rôn, nghĩa là cả hai ông bà đều có xuất thân từ dòng dõi được lựa chọn. Họ được đánh giá là công bình trước mặt Đức Chúa Trời, vâng giữ lễ nghi và điều răn không chỗ trách được. Dưới cái nhìn của con người, ông bà thật hoàn hảo, nhưng tiếp theo Lu-ca 1:7 cho thấy ông bà đang đối diện với một thực tại đau buồn là đã già, lại không có con vì bà Ê-li-sa-bét bị hiếm muộn. Đây thực sự là nan đề của họ. Nếu bạn đang ở trong hoàn cảnh giống họ, bạn sẽ làm gì? Thỏa lòng hay vẫn cứ tiếp tục cầu nguyện để được Đức Chúa Trời giải quyết nan đề?
Vào một ngày kia, theo thứ tự đã được sắp xếp, Xa-cha-ri vào nơi thánh để dâng hương (câu 8-9), ông bối rối sợ hãi vì sự hiện diện của thiên sứ bên cạnh bàn thờ xông hương (câu 11). Không để Xa-cha-ri hoang mang, thiên sứ trấn an và nói thẳng ngay mục đích của sự hiện ra này là vì lời cầu nguyện của ông đã được nhậm. Điều này chứng tỏ, ông bà vẫn dâng trình nan đề của mình lên cho Chúa. Tuy nhiên, câu hỏi ngược lại của ông: “làm sao tôi biết được việc này?” với lời lý giải kèm theo: “Tôi đã già, còn vợ tôi thì cao tuổi” làm cho chúng ta cảm thấy bối rối. Nếu ông vẫn cứ cầu nguyện cho nan đề của mình bằng lòng tin quyết nơi sự thành tín của Đức Chúa Trời qua ý nghĩa tên của ông là “Chúa nhớ”, thì tại sao ông lại hỏi như thế. Sự hoài nghi trong lòng Xa-cha-ri thể hiện ở chỗ đó. Suy xét kỹ thì rõ ràng “Chúa nhớ” nên đã nhậm lời cầu nguyện của ông. Vấn đề là ông vẫn cầu nguyện, nhưng lại để cho sự nghi ngờ dẫn dắt theo thông lệ bằng câu nói xác định: tôi đã già, vợ tôi đã cao tuổi. Xa-cha-ri đang giới hạn quyền năng của Chúa bằng sự nghi ngờ; những tưởng ông sẽ rất vui mừng vì sự xấu hổ đã được cất đi, vì đối với người Do Thái, không có con là một sự xấu hổ. Là một vị tư tế, gánh nặng của bản thân ông được cất đi mà ông còn hồ nghi, vậy thì gánh nặng về tội lỗi của dân sự ông thay mặt họ trình dâng lên Chúa, liệu ông có tin Ngài sẽ tha thứ cho họ không?
Để Xa-cha-ri có cơ hội ăn năn và trải nghiệm sự thành tín của Chúa, Thiên sứ khẳng định với ông: “Ta là Gáp-ri-ên, được chính Đức Chúa Trời sai phái truyền tin mừng nầy cho ngươi” (câu 19). Cái giá mà Xa-cha-ri phải trả cho sự hoài nghi của mình là bị câm nín trong suốt ít nhất là chín tháng. Trong tình huống này, không tin lời thiên sứ đồng nghĩa với việc nghi ngờ Đức Chúa Trời. Dù Xa-cha-ri có tin hay không thì kế hoạch của Đức Chúa Trời vẫn được thực hiện.
Từ cuộc đời, chức vụ của ông Xa-cha-ri, những điều chúng ta học được là:
– Khi sử dụng con người để thực hiện chương trình cứu rỗi, Đức Chúa Trời không đòi hỏi người đó phải toàn vẹn nhưng Ngài cần sự vâng phục theo hướng dẫn của Chúa.
– Bền đỗ trong sự cầu nguyện cho nan đề của mình bằng sự tin cậy.
– Nghi ngờ là sản phẩm “khuyến mãi đắt giá” mà ma quỷ đã giới thiệu cho con người từ buổi sáng thế đến tận bây giờ vẫn đạt hiệu quả cao.
Bước vào mùa vọng giáng sinh, ước ao mỗi chúng ta sẽ có nhiều cơ hội không chỉ trải nghiệm ý nghĩa của lễ giáng sinh, mà còn nhận được nhiều bài học quý giá từ các nhân vật làm nên lịch sử cứu chuộc.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu, con hết lòng cảm tạ ơn Chúa vì bởi ân điển và tình yêu Ngài đã cứu con và cho con được dự phần vào kế hoạch cứu rỗi nhân loại bằng cách của Ngài. Xin giúp con làm người phục vụ trung tín trong nhà Chúa. Ma quỷ sẽ dùng người đời hoặc hoàn cảnh làm đức tin con lung lạc, xin Chúa cất mọi nghi ngờ đang nhen nhóm trong lòng con trước những khó khăn nghịch cảnh. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Nguyên Ngọc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét