I Cô-rinh-tô | Sự Vượt Trội Của Thập Tự Giá Đấng Christ
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Kính thưa quý anh chị em thân mến!
Phần Kinh Thánh I Cô-rinh-tô 1:19-21 mà chúng ta đã suy ngẫm trong bài học trước cho biết có rất nhiều người hư mất cậy vào sự khôn ngoan riêng để nhận biết Đức Chúa Trời. Bởi đó, Ngài tuyên bố sẽ hủy phá và làm cho sự khôn ngoan của con người trở nên rồ dại. Ngược lại, có nhiều người được cứu bởi tiếp nhận sứ điệp về Thập tự giá đầy quyền năng của Đấng Christ.
Trong phần Kinh Thánh hôm nay trong I Cô-rinh-tô 1:22-25, sứ đồ Phao-lô luận giải về sự vượt trội của Thập tự giá Đấng Christ so với sự khôn ngoan loài người.
22 Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan,
23 thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại;
24 song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.
25 Bởi vì sự rồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta.
Giải thích
Người Hy Lạp cậy sự khôn ngoan mình, còn người Do Thái tìm kiếm các dấu lạ để nhận biết Đức Chúa Trời, nhưng họ đều không tìm được Ngài. Ngược lại, thông qua Thập tự giá Đấng Christ, tội nhân được nếm biết sự khôn ngoan đầy trọn và quyền phép siêu việt của Đức Chúa Trời. Trong phân đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô dạy chúng ta hai bài học quý về Thập tự giá của Đấng Christ.
Thứ nhất, Thập tự giá trái ngược với tư tưởng của người thế gian:
Trong câu 22-23, sứ đồ Phao-lô mô tả hai bằng chứng mà người Hy Lạp và người Do Thái dựa vào để nhận biết Đức Chúa Trời, hoàn toàn khác biệt với sứ điệp Thập tự giá của Đấng Christ.
Người Hy Lạp dựa vào sự khôn ngoan: Đức Chúa Trời phải được nhận biết qua lý luận của triết lý và tri thức. Họ không chấp nhận Lẽ thật Đức Chúa Trời nhập thể để cứu rỗi con người. Với họ, Đức Chúa Trời là một vị thần ở rất xa con người và con người chỉ có thể gặp gỡ Ngài qua nỗ lực suy tư của tâm trí. Bởi đó, triết lý của họ không dẫn họ đến với Đức Chúa Trời mà chỉ định hình nên khuôn mẫu của những vị thần méo mó và bất lực. Chẳng ngạc nhiên khi họ không chấp nhận sứ điệp về thập tự giá của Đấng Christ, và xem đó là tư tưởng rồ dại chứ không phải chân lý bất biến.
Người Do Thái dựa vào phép lạ: Đức Chúa Trời thường xuyên dùng lời phán để bày tỏ Ngài với người Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, họ không chú tâm vào Lời Chúa mà chỉ thường chăm vào phép lạ để nhận biết Đức Chúa Trời. Có thể kể ra một số ví dụ điển hình như sau: Dân Y-sơ-ra-ên phải nhìn thấy các dấu lạ thì mới tin lời Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 4); Ghê-đê-ôn xin Đức Chúa Trời làm hai dấu lạ thì ông mới tin lời Ngài (Các Quan Xét 6); người Do Thái đòi Chúa Jesus phải làm dấu lạ để chứng minh cho sứ điệp của Ngài (Ma-thi-ơ 16). Với người Do Thái, khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài sẽ dùng sức mạnh và quyền phép để giải cứu dân mình và lập vương quốc chính trị trên đất. Bởi đó, họ chẳng những không tin mà con xem Thập tự giá Đấng Christ là gương xấu.
Còn sứ điệp của Thập tự giá Đấng Christ trái ngược với tư tưởng phi thực tế của người Do Thái và Hy Lạp, trên thập tự giá, Đức Chúa Trời đã mở một con đường mới và sống ngang qua thân xác của Đấng Christ. Tại thập tự giá không có phép lạ tự cứu mình như lời thách đố của người Do Thái mà chỉ có sự hiến mình trọn vẹn của Con Đức Chúa Trời. Tại thập tự giá, cũng không có lý lẽ triết học hấp dẫn người nghe của người Hy Lạp mà chỉ có ân sủng và tình yêu của Đức Chúa Trời chảy tràn khắp đất.
Thứ hai, Thập tự giá vượt trội hơn tư tưởng của người thế gian:
Trong câu 24, sứ đồ Phao-lô nêu hai lý do chứng minh lẽ thật đó:
Thập tự giá Đấng Christ tỏ ra sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời: Triết lý và tri thức của con người đã thất bại hoàn toàn, vì nó không cung cấp giải pháp cho vấn đề tội lỗi, càng không tìm được con đường dẫn đến với Đấng tối thượng. Còn Thập tự giá của Đấng Christ thì vừa giải quyết triệt để tội lỗi, vừa giúp con người trở nên con cái Đức Chúa Trời, và thừa hưởng cơ nghiệp đời đời trong thiên quốc. Thập tự giá của Đấng Christ cung ứng một cách đầy trọn tình yêu, sự nên thánh, sự công bình và sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời cho nhân loại mà tri thức con người không làm được.
Thập tự giá Đấng Christ tỏ ra quyền phép của Đức Chúa Trời: Người Do Thái bị thu hút bởi hiện tượng của phép lạ nhưng họ không biết mục đích của phép lạ là tỏ bày ân điển của Đức Chúa Trời. Do đó, họ muốn Chúa Jesus thực hiện phép lạ chứng minh chính mình bằng cách bước xuống khỏi thập tự giá. Họ đâu biết rằng trên thập tự giá, Đấng Christ thực hiện phép lạ lớn nhất trong mọi phép lạ, đó là hoàn tất sự cứu chuộc và ban sự sống đời đời cho con người.
Trong câu 25, sứ đồ Phao-lô khẳng định sự rồ dại của Đức Chúa Trời là khôn ngoan hơn con người và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh mẽ hơn con người. Điều đó không có nghĩa là trong Đức Chúa Trời có sự rồ dại hay yếu đuối, mà hàm ý là sự khôn ngoan và mạnh mẽ nhất của con người cũng không thể nào so bì với sứ điệp về thập tự giá của Ngài. Người Hy Lạp cho rằng Thập tự giá của Đấng Christ là rồ dại, còn người Do Thái lại cho là yếu đuối. Nhưng chính điều mà người ta xem là rồ dại và yếu đuối đó lại vượt trội bội phần hơn sự khôn ngoan và sức mạnh của họ, vì chính nhờ thập tự giá mà con người được cứu chuộc trọn vẹn.
Bạn thân mến! Dù chúng ta có thể không khôn ngoan và mạnh mẽ hơn người thế gian trong nhiều phương diện, nhưng nhờ thập tự giá của Đấng Christ chúng ta được Đức Chúa Trời nâng cao hơn mọi ngọn núi của sức mạnh và tri thức con người. Khi bạn tin vào Thập tự giá Đấng Christ, bạn đang bay lên vương quốc đời đời của Thiên Chúa bằng đôi cánh khôn ngoan và quyền phép của Đức Chúa Trời. Hãy luôn đứng bên chân thập tự của Chúa Jesus để nhìn xem Ngài là cội rễ và cuối cùng của đức tin, hầu cho không bao giờ bị dao động mà càng vững vàng và mạnh mẽ hơn.
Cầu nguyện
Kính lạy Đức Chúa Jesus! Con ngợi khen Ngài vì thập tự giá của Ngài thật vĩ đại. Dù người ta coi khinh thập tự giá đó, nhưng con hết lòng tin cậy và tôn thờ Đấng bị treo trên thập tự giá vì con. Xin Ngài đổ Thần Chúa trên mọi xác thịt, để con người nhận biết quyền năng siêu việt và sự khôn ngoan toàn bích của thập tự giá Ngài. Con thành tâm cầu nguyện, nhân danh Đức Chúa Jesus Christ. Amen.
NPH
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét