Lu-ca | Người Có Phước
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Tại Trung Hoa, một gia đình kia có cô con gái có đôi tai to hơn bình thường, nhưng cô bé không ngại ngùng mà trái lại còn tự hào khi có ai đó hỏi: “Tai to có gì tốt?” Cô bé vui vẻ đáp: “Mẹ nói tai to có phước lắm”. Người kia vặn vẹo: “Có phước nghĩa là gì?”, “Có phước là có nhiều tiền, được sống lâu, và không phải lo đồ ăn, đồ mặc.”, cô bé đáp.
Có lẽ chúng ta bật cười vì câu trả lời ngây ngô của cô bé này, vậy quý anh chị em hiểu có phước là như thế nào? Là Cơ Đốc nhân, quan niệm phước của chúng ta chắc phải khác hơn, đúng không? Chúng ta cùng suy nghĩ về quan niệm NGƯỜI CÓ PHƯỚC của Ê-li-sa-bét và Ma-ri như thế nào trong Phúc Âm Lu-ca 1:39-45.
39 Trong những ngày đó, Ma-ri chờ dậy, lật đật đi trong miền núi, đến một thành về xứ Giu-đa,
40 vào nhà Xa-cha-ri mà chào Ê-li-sa-bét.
41 Vả, Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng Ma-ri chào, con nhỏ ở trong lòng liền nhảy nhót; và Ê-li-sa-bét được đầy Đức Thánh Linh,
42 bèn cất tiếng kêu rằng: Ngươi có phước trong đám đàn bà, thai trong lòng ngươi cũng được phước.
43 Nhân đâu ta được sự vẻ vang nầy, là mẹ Chúa ta đến thăm ta?
44 Bởi vì tai ta mới nghe tiếng ngươi chào, thì con nhỏ ở trong lòng ta liền nhảy mừng.
45 Phước cho người đã tin, vì lời Chúa truyền cho sẽ được ứng nghiệm!
Giải thích
Mở đầu phân đoạn Kinh Thánh hôm nay là chuyến đi vội vã của Ma-ri đến nhà Ê-li-sa-bét. Kinh Thánh không nói rõ lý do và chi tiết tại sao Ma-ri lại đi và đi như thế nào? Có lẽ chúng ta cũng băn khoăn lo lắng cho Ma-ri vì cô “chờ dậy, lật đật đi”. Có thể sau khi được thiên sứ báo tin, cô vẫn còn bồi hồi, nên “trong những ngày đó” cô muốn đến nhà Xa-cha-ri để xác nhận sự việc thiên sứ nói về Ê-li-sa-bét. Tuy nhiên đây không phải là sự nghi ngờ của Ma-ri về lời thiên sứ nói, nhưng cô hiểu việc kỳ diệu Đức Chúa Trời làm cho Ê-li-sa-bét là một sự kiện đáng được chúc mừng, vì thế cô phải đích thân mục kích vừa để chúc mừng Ê-li-sa-bét, vừa để tự khích lệ chính mình vì trách nhiệm lớn lao mà cô được trao phó cho. Có lẽ vì chính thành ý này mà Thánh Kinh không hề ghi lại bất cứ trở ngại nào trong chuyến viếng thăm Ê-li-sa-bét của Ma-ri, vì Đức Chúa Trời luôn gìn giữ, dẫn dắt và bảo vệ cô.
Vừa gặp mặt nhau sau lời chào hỏi của Ma-ri, Ê-li-sa-bét liền tỏ cho Ma-ri biết con nhỏ trong lòng bà nhảy nhót (câu 41) như là biểu hiện của sự chào đón “người được ơn và Đấng cứu thế trong lòng người”. Những lời tiếp theo trong các câu 42-44 cho thấy Ê-li-sa-bét được Đức Thánh Linh hướng dẫn khi bày tỏ những lời cần nói. Đây là những lời vô cùng ích lợi cho Ma-ri lúc bấy giờ. Điều đầu tiên là xác nhận với Ma-ri mình đang mang thai, “con nhỏ” trong lòng bà là minh chứng cho ơn và quyền năng mà Đức Chúa Trời đã đối đãi cùng gia đình bà (Lu-ca 1:25). Điều thứ hai, Ê-li-sa-bét như khẳng định lời thiên sứ đã từng chào thăm Ma-ri: “Thượng Đế đã ban ân phúc Ngài trên cô” bằng lời: “Thượng Đế đã ban phúc cho chị nhiều hơn các phụ nữ khác và Ngài cũng ban phúc cho hài nhi chị sắp sinh ra” (Bản dịch phổ thông). Phương tiện thông tin trong thời của Ma-ri chắc chắn không thể nhanh chóng và chính xác như bây giờ. Những sự kiện xảy ra cho Ê-li-sa-bét và Ma-ri chỉ có thể được thuật lại theo ngôn ngữ hay cách diễn đạt của người đưa tin với độ chính xác không thể trăm phần trăm, như cách ngày nay chúng ta lấy thông tin bằng việc ghi âm lại. Thế nhưng, khi Ê-li-sa-bét đưa ra lời nhận định: “… phúc cho chị nhiều hơn…” cho thấy đây không phải là lời nói bình thường nhưng dưới sự tể trị của Chúa Thánh Linh, điều này giúp Ma-ri như giải tỏa được sự bối rối, bồi hồi trong lòng, và được thêm sức để bắt đầu chặng đường dài với trách nhiệm “là mẹ Chúa ta” như lời của Ê-li-sa-bét.
Ma-ri bây giờ không còn tự khích lệ mình bằng niềm vui của Ê-li-sa-bét nữa, nhưng cô được chính Ê-li-sa-bét khích lệ lại rằng: “Thượng Đế ban phúc cho cô, vì cô tin lời Ngài hứa sẽ thành sự thật”, qua bài ca tụng trong phần Kinh Thánh tiếp theo từ câu 46-55. “Phước” mà Ma-ri nhận được không theo quan điểm của người đời, mà Ma-ri phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Phước này chỉ có khi cảm nhận được giá trị miên viễn của nó, đó cũng là động lực để Mari đủ sức vượt qua được chính bản thân mình và chấp nhận trong sự hướng dẫn tể trị của Chúa đối với cuộc đời mình.
Còn đối với bà Ê-li-sa-bét, bằng kinh nghiệm từng trải của người có gia đình, bà chỉ có thể chia sẻ những trải nghiệm về cuộc sống gia đình với Ma-ri. Mặc dù xấu hổ vì không có con, Ê-li-sa-bét đã không cay đắng với số phận, Đức Chúa Trời nhìn thấy điều đó trong lòng bà nên khi đến thời điểm thích hợp Ngài đem niềm vui đến cho bà, lập tức bà thành ống dẫn phước đến cho người khác. Bà không để cuộc đời bị rỉ sét vì nan đề mà luôn để ảnh hưởng êm dịu của Chúa Thánh Linh bao phủ trên đời sống mình.
Nguyện Chúa thấu được nỗi lòng của chúng ta và sẽ ban ơn để chúng ta là công cụ trong tay Ngài và trở thành ống dẫn ơn phước, lan tỏa ảnh hưởng êm dịu đến mọi người xung quanh qua cách sống của mình, để mọi người hiểu được giá trị của “phước hạnh” trong Chúa là thế nào.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu, cảm tạ Chúa vì con được làm chiên trong ràn của Ngài, được hưởng đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh. Được che phủ trong cánh bóng bình an của Chúa. Xin cho con chia sẻ diễm phúc này với những người đang gặp sầu não trong cuộc sống. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Nguyên Ngọc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét